(ĐTĐ) – Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi mà phổ biến nhất ở phụ nữ là bị thoái hóa khớp gối. Khớp bị thoái hoá còn có quá trình viêm kèm theo nên thường bị sưng gây đau, khó khăn trong vận động nên người bệnh ngại đi lại.
Nếu để quá trình này kéo dài sẽ làm khớp gối biến dạng, chức năng thay đổi nên khớp không còn vững. Vì vậy, việc quan trọng và cần thiết nhất là kịp thời điều trị để tránh khớp gối bị biến dạng, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân.
Chính vì thoái hoá khớp là một quá trình diễn tiến chậm nên sau nhiều năm nó sẽ trở nên nặng hơn. Khi đó, lớp sụn bị bào mòn dần, không còn che phủ đầu xương, làm cho hai đầu xương liên tục cọ sát vào nhau mỗi khi cử động. Mỗi lần như vậy lại gây đau cho người bệnh, nhất là lúc đi lên cầu thang hoặc ngồi xổm. Lâu dần, xương sẽ bị bào mòn nhiều hơn, gây biến dạng hình thể khớp gối, thường là bị vẹo vào trong.
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định những phương pháp thích hợp. Nếu khớp gối đã bị hỏng, lớp sụn bị bào mòn nhiều thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Tức là bề mặt sụn khớp đã bị bào mòn được thay bằng lớp nhựa cao phân tử nhân tạo để mọi vận động và chịu lực của khớp gối sẽ do lớp nhựa nhân tạo này đảm nhận. Khi đó, vận động khớp gối sẽ được cải thiện rõ rệt.
Có rất nhiều phương pháp điều trị cho những người bị thoái hóa khớp gối, tùy vào giai đoạn bệnh. Chính vì vậy, bệnh nhân cần đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được khám xét cẩn thận, đánh giá chính xác và chú ý đến nhiều yếu tố liên quan khác để được điều trị hiệu quả.
Nguồn Vtv.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !