(ĐTĐ) – Hiện nhiều người có cảm giác tê, đau mỏi ở cổ tay, sau đó lan xuống ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Không ít người bị tê các ngón tay khi đi xe máy, làm rơi đũa khi ăn, thậm chí không thể nắm chặt hay nâng một vật dụng, hoặc không thể cầm bút viết được… Y học gọi những hiện tượng trên là hội chứng ống cổ tay. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ bị teo cơ gò cái, khả năng cầm nắm yếu đi..
Hội chứng ống cổ tay
Đây là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp. Khi bàn tay làm một việc gì đó lặp đi lặp lại một cách thường xuyên, thì các gân cơ sẽ bắt đầu phình lên, ống cổ tay bị hẹp lại, dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép nên gây ra cảm giác tê và đau nhức tay. Những người làm công việc đòi hỏi phải cầm nắm hay gập lòng cổ tay thường xuyên như thợ may, thợ mộc, làm việc trong dây chuyền thực phẩm, nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, người thu tiền quầy tạp hoá, vận động viên bóng bàn… dễ mắc hội chứng ống cổ tay. Nữ mắc nhiều hơn nam, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh, có thai, đang dùng thuốc uống tránh thai hoặc những người mắc bệnh mạn tính như viêm khớp, tiểu đường, suy thận… Ngoài ra hội chứng này còn gặp ở những người bị vỡ cổ tay, bong gân, gãy xương, phong thấp, hay do một u nang, khối u nào đó trong hoặc gần ống cổ tay.
Y học gọi những hiện tượng đau mỏi là hội chứng ống cổ tay
Có thể điều trị bằng những bài tập thể dục…
Thông thường hội chứng ống cổ tay không nguy hiểm. Một số trường hợp tự khỏi, một số khác sẽ bớt hoặc khỏi sau khi sửa đổi tư thế và cách làm việc hoặc sau khi điều trị bệnh căn bản, một số tiến triển làm yếu, liệt và teo bắp thịt bàn tay cần giải phẫu. Sự tiến triển của hội chứng cũng tùy thuộc ở các yếu tố khác như sự căng thẳng ở chỗ làm và tinh thần của người bệnh. Ở một số người, hội chứng ống cổ tay làm họ trở nên chán nản buồn bực, và trầm cảm.
Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, có thể điều trị bằng những bài tập thể dục nhẹ như cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, thường xuyên xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn. Nếu vẫn còn cảm thấy đau, tốt nhất người bệnh nên đến khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể và được chỉ định một số thuốc giảm đau. Việc điều trị thường căn cứ vào mức độ đau, tê của từng người.
Với người nặng hơn, cần được nẹp cổ tay để giữ bàn tay ở vị trí trung gian, giảm các hoạt động gập và xoay cổ tay liên tiếp do dó giảm sưng phù của các đầu gân cơ, dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, và thuốc steroid hoặc tiêm steroid vào trong ống cổ tay. Ngoài ra có thể điều trị bằng siêu âm. Nếu phương pháp điều trị bảo tồn không đạt kết quả, cần phải giải phẫu, nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay. Tuy nhiên, sau khi giải phẫu, người bệnh phải điều trị vật lý trong một thời gian ngắn để tay hoạt động trở lại bình thường. Việc giải phẫu cũng có thể làm suy yếu chức năng của các dây thần kinh, nhưng nguy cơ này hiếm khi xảy ra.
Cần lưu ý tư thế khi làm việc
Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, mọi người cần lưu ý đến tư thế khi làm việc như giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay; Không nắm dụng cụ quá mạnh; Không gõ bàn phím quá mạnh; Đổi tay nếu có thể được; Giữ tay ấm; Không gối đầu trên tay khi ngủ…
Ngoài ra cần cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, năng xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn, tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ, tay. Thường xuyên tập thể dục, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay. Khi làm việc trên máy tính, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. Nếu được, để cổ tay tựa nhẹ lên tấm thảm chuột có một phần nhô lên bằng gel mềm. Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. Thực hiện chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.
Nguồn Daidoanket.vn
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !