Tên chung quốc tế
Lithium carbonate
Mã ATC
N05AN01 (lithi)
Loại thuốc
Thuốc điều chỉnh khí sắc
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén hoặc viên nang cứng: 150 mg, 200 mg, 250 mg, 300 mg, 400 mg, 600 mg.
Viên giải phóng kéo dài: 300 mg, 450 mg, 600 mg.
37 mg lithi carbonat tương ứng với 7 mg lithi hoặc 1 mmol lithi.
Các muối khác của lithi gồm gluconat, acetat, citrat, sulfat.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Trên hệ thần kinh, lithi có tác dụng chống cả hưng cảm và trầm cảm. Cơ chế tác dụng chính xác của lithi trong ổn định tâm trí chưa được biết nhưng có thể lithi cạnh tranh với ion natri (và một số ion khác như kali, calci, magnesi) nhưng không thay thế được natri trong bơm natri và không thể duy trì được điện thế màng. Ở nồng độ điều trị, lithi ức chế giải phóng chất dẫn truyền thần kinh phụ thuộc kênh calci là dopamin và noradrenalin (là những chất được coi là có liên quan đến bệnh sinh của hưng cảm) và tăng giải phóng serotonin (chất có liên quan đến bệnh sinh của trầm cảm). Lithi cũng ức chế phosphatidylinositid thông qua ức chế chuyển hóa inositol phosphat ở não, do đó làm giảm lượng chất truyền tin thứ hai trong tế bào. Kết quả là làm giảm nhạy cảm của các nơron với các chất dẫn truyền thần kinh nội sinh.
Lithi làm giảm sự nhạy cảm quá mức của thụ thể dopamin ở trung ương nên ức chế được một số cảm xúc quá độ như: Hoang tưởng, kích động, nói nhiều, mất ngủ và tình dục quá độ do các thuốc amphetamin, cocain gây ra.
Dược động học
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Lithi hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn sau khi uống. Đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi uống thuốc 0,5 – 3 giờ với dạng viên nén, viên nang thông thường. Với viên giải phóng kéo dài nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt chậm hơn, thường sau khi uống 4 – 12 giờ. Lithi phân bố khắp các mô và dịch cơ thể, đạt nồng độ ở các mô xương, tuyến giáp, não nhanh và cao hơn trong huyết thanh; phân bố vào tim, phổi, thận và cơ tương đương trong huyết thanh; còn phân bố vào dịch não – tủy và gan chỉ bằng 30 – 50% nồng độ trong huyết thanh. Trạng thái ổn định thường đạt được sau 5 – 6 ngày điều trị. Là một ion kim loại, lithi không bị chuyển hóa và không gắn với protein huyết tương. Thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ. Nồng độ thuốc trong sữa mẹ xấp xỉ 30 – 50% nồng độ trong huyết thanh.
Lithi thải trừ chủ yếu qua thận, nửa đời thải trừ ở người có chức năng thận bình thường là từ 12 – 24 giờ nhưng tăng lên khi chức năng thận bị giảm. Nửa đời thải trừ có thể tới 36 giờ ở người cao tuổi và 40 – 50 giờ ở người suy thận.
Ở thận, lithi tái hấp thu cạnh tranh với natri. Mức độ tái hấp thu khoảng 80% ở cầu thận, số còn lại tái hấp thu ở ống thận. Khi ăn ít muối, tái hấp thu lithi tăng lên đáng kể tạo nên nồng độ độc trong máu.
Các dạng chế phẩm lithi giải phóng kéo dài giải phóng hoạt chất từ từ làm cho nồng độ thuốc trong máu không tăng vọt lên so với các viên thuốc thông thường.
Chỉ định
Dự phòng và điều trị bệnh hưng cảm, bệnh hưng cảm – trầm cảm và trầm cảm tái phát.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với lithi hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Người bị suy thận nặng.
Người bị bệnh tim mạch nặng. Người bị bệnh Addison.
Người bị mất nước hoặc mất natri nặng. Người bị suy tuyến giáp không được điều trị. Phụ nữ mang thai.
Thận trọng
Do thuốc có phạm vi điều trị hẹp vì vậy khi điều trị bằng lithi phải thường xuyên giám sát nồng độ thuốc trong huyết thanh. Người bệnh cần được hướng dẫn và thông báo kỹ về các triệu chứng nhiễm độc. Khi có dấu hiệu ngộ độc xảy ra phải báo ngay cho thầy thuốc để điều chỉnh lại liều lượng. Người bệnh cũng phải được hướng dẫn cẩn thận cách để tránh mất nước và phải thông báo cho thầy thuốc điều trị biết khi bị mất nước như: Tiểu nhiều, nôn, tiêu chảy, sốt kéo dài.
Vì teo thận không đặc hiệu có thể gặp ở người dùng lithi nên cần đánh giá chức năng thận trước khi điều trị và cách 2 – 3 tháng một lần trong 6 tháng đầu điều trị và cách 6 – 12 tháng một lần sau đó. Lithi cũng nên dùng thận trọng ở các người bệnh có tiền sử bệnh tim – mạch hoặc bệnh của tuyến giáp. Các người bệnh này cần giám sát triệu chứng loạn nhịp tim.
Cần hết sức thận trọng trong trường hợp có biến đổi trên điện tâm đồ, tăng huyết áp, bệnh nhược cơ, động kinh và điều trị cho người cao tuổi. Nếu có biến đổi nghiêm trọng trên điện não đồ cũng cần phải hết sức chú ý.
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng tới nồng độ lithi trong máu. Nếu người bệnh ăn chế độ hạn chế muối, có thể làm tăng tái hấp thu lithi dẫn đến nồng độ lithi trong máu tăng cao gây nguy cơ nhiễm độc. Ngược lại, nếu người bệnh dùng nhiều chè, cà phê sẽ làm tăng thải trừ lithi.
Khi mắc một bệnh thực thể nặng, nhất là khi mất cân bằng nước điện giải, có thể xét đến ngừng thuốc tạm thời.
Thuốc ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc vì vậy cần thận trọng.
Không nên ngừng thuốc với lý do là điều trị không có hiệu quả trừ khi đã dùng lithi được ít nhất 1 năm.
Thời kỳ mang thai
Lithi có thể gây độc cho bào thai khi bà mẹ dùng thuốc. Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, lithi có thể gây nhiễm độc tuyến giáp cho thai và có tiềm năng gây độc trên tim thai. Vì vậy, tránh dùng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chỉ được dùng thuốc khi buộc phải dùng để cứu mẹ khi các thuốc an toàn hơn không dùng được hoặc không có hiệu quả.
Thời kỳ cho con bú
Lithi phân bố vào sữa mẹ. Nồng độ thuốc đạt được trong sữa khá cao, vì vậy dễ gây nguy cơ cho trẻ bú như tăng trương lực cơ, giảm thân nhiệt, tím tái và biến đổi điện tâm đồ. Vì vậy không cho con bú khi mẹ đang điều trị lithi.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ranh giới giữa liều điều trị và liều độc của các muối lithi rất hẹp. Các ADR thường liên quan trực tiếp đến nồng độ lithi trong huyết thanh và độ nhạy cảm của bản thân người bệnh. Các ADR hiếm xảy ra ở mức nồng độ lithi trong huyết thanh dưới 1,0 mmol/lít. ADR nhẹ và vừa thường xảy ra nồng độ trên 1,5 mmol/lít, còn các ADR vừa và nặng ở nồng độ trên 2,0 mmol/lít. Các ADR của lithi nói chung liên quan nhiều đến TKTW, tiêu hóa và thận.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Mệt mỏi, ngủ lịm, mất nước, giảm thể trọng, khát, hoặc tăng thể trọng quá mức, phù nề cổ chân hoặc cổ tay, phồng môi.
TKTW: Hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, chậm tâm lý – vận động, đứng ngồi không yên, lú lẫn, sững sờ, ù tai, ảo giác, trí nhớ kém, hoạt động trí lực chậm, hay giật mình, hội chứng não thực thể xấu đi.
Tuần hoàn: Biến đổi trên điện tâm đồ như sóng T dẹt, đồng điện hoặc đảo ngược. Loạn nhịp tim, giảm huyết áp, phù, ngất, nhịp tim chậm.
Nội tiết: Tuyến giáp bất thường: Bướu cổ đơn thuần, giảm năng tuyến giáp (kể cả phù niêm) kèm theo T3 và T4 thấp. Sự thu nhận iod có thể tăng.
Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm dạ dày, viêm tuyến nước bọt, đau bụng, tiết nhiều nước bọt, đầy hơi, khó tiêu, khô miệng.
Da: Trứng cá, khô tóc và rụng tóc, hói, da tê bì, viêm nang lông mạn, khô da.
Thần kinh: Run tay.
Mắt: Nhìn mờ, có điểm tối tạm thời ở thị trường.
Tiết niệu sinh dục: Glucose niệu, giảm độ thanh thải creatinin, albumin niệu và các triệu chứng của đái tháo nhạt do thận gồm có đái nhiều, khát và chứng khát nhiều, bất lực (rối loạn tình dục).
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Nhức đầu, sốt, có vị kim loại, loạn vị giác, có vị mặn, tức ngực.
TKTW: Run rẩy, rối loạn điều phối, múa vờn, múa giật, tăng phản xạ gân xương, các triệu chứng ngoại tháp bao gồm loạn trương lực cơ cấp, cứng (cứng từng cơn) bánh răng, cơn tối mắt, cơn kiểu động kinh, nói lắp bắp, rung giật nhãn cầu, tiểu tiện không tự chủ, hôn mê.
Biến đổi điện não đồ: Tần số chậm, giãn rộng, tăng rối loạn nhịp cơ bản của điện não.
Máu: Tăng bạch cầu, tăng glucose huyết thoáng qua, tăng calci huyết, hạ huyết áp, truỵ tuần hoàn ngoại vi.
Da: Bệnh vảy nến hoặc bệnh cũ nặng lên, ngứa toàn thân kèm hoặc không phát ban, loét da, phù mạch (phù Quincke).
Cơ – xương: Tăng kích thích cơ (rung cơ cục bộ, co giật cơ, rung giật các chi), tăng trương lực, máy cơ, khớp sưng và đau, đau nhiều khớp, sâu răng.
Thần kinh: U não giả dạng (tăng áp lực nội sọ và phù gai thị). Nếu không sớm phát hiện, các điểm mù có thể lớn lên, thị trường co hẹp và có thể mù do teo thị thần kinh, lồi mắt. Nếu xuất hiện, cần ngừng thuốc ngay.
Nội tiết: Ưu năng cận giáp, ưu năng giáp (hiếm hơn so với thiểu năng tuyến giáp).
Phản ứng khác: Các ngón tay, ngón chân bị đau và biến màu, các chi lạnh trong vòng 1 ngày khi bắt đầu điều trị.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Độc tính do lithi có liên quan chặt chẽ với nồng độ lithi trong huyết thanh và có thể xảy ra ở liều gần với liều điều trị. Do đó, chỉ điều trị bằng lithi khi có đủ phương tiện theo dõi nồng độ lithi trong huyết thanh.
Phải hướng dẫn cho người bệnh về các triệu chứng độc sẽ xảy ra khi điều trị lithi dài ngày. Điều trị dài ngày với lithi có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn ở thận và làm suy thận. Nồng độ lithi cao trong huyết thanh, kể cả các đợt nhiễm độc cấp tính do lithi có thể làm tăng tác hại trên thận. Cần luôn luôn dùng liều thấp nhất có hiệu quả trên lâm sàng. Người bệnh chỉ nên dùng lithi trên 3 – 5 năm nếu thầy thuốc thấy vẫn còn có lợi.
Người bệnh phải báo cho thầy thuốc biết nếu có đái nhiều hoặc khát nhiều. Khi có những đợt bị nôn, buồn nôn hoặc các trường hợp khác có ảnh hưởng đến mất muối, mất nước (kể cả chế độ ăn kiêng muối hoặc ăn quá nhiều muối) đều phải báo cho thầy thuốc. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn muối và uống nước bình thường. Nên theo dõi chức năng thận thường xuyên ở người bệnh đái nhiều và khát nhiều. Những người cao tuổi rất dễ nhiễm độc do lithi.
Người bệnh ngoại trú và gia đình người bệnh cần biết phải ngừng dùng lithi và báo cáo cho thầy thuốc biết nếu có các biểu hiện lâm sàng về nhiễm độc lithi như ỉa chảy, nôn, run rẩy, rối loạn điều phối dù nhẹ, buồn ngủ, yếu cơ.
Run tay thường gặp ở giai đoạn đầu điều trị nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ thời gian nào và tăng lên khi người bệnh bị căng thẳng, uống cà phê, hay khi bị nhiễm độc tuyến giáp. Để giảm bớt ADR này có thể giảm liều hoặc điều trị bằng liều thấp các thuốc chẹn beta-adrenergic (như propranolol…).
Khả năng dung nạp lithi lớn hơn trong lúc có cơn hưng cảm cấp và giảm khi các triệu chứng hưng cảm giảm đi.
Dung nạp lithi cũng giảm khi ra mồ hôi hoặc ỉa chảy kéo dài; khi đó phải tiếp dịch và tiếp muối với sự theo dõi cẩn thận của thầy thuốc; đồng thời phải giảm liều hoặc tạm ngừng dùng lithi cho đến khi các biểu hiện đó đã giải quyết được.
Ngoài ra mồ hôi và ỉa chảy, nếu có nhiễm khuẩn kèm nhiệt độ tăng cũng phải giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Lithi có thể gây tổn hại đến khả năng lao động trí óc và chân tay. Người bệnh nên thận trọng với các hoạt động đòi hỏi phải có sự tỉnh táo (như lái xe và vận hành máy).
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Thuốc dùng đường uống. Viên giải phóng kéo dài, hoặc viên giải phóng có kiểm soát không được nhai, bẻ hoặc nghiền. Khi thay đổi dạng bào chế, phải coi như bắt đầu điều trị lần đầu tiên, vì sinh khả dụng của thuốc có thể thay đổi. Điều trị đầu tiên phải được thực hiện tại bệnh viện nơi có thể giám sát đều đặn nồng độ lithi trong huyết thanh. Liều dùng phải được điều chỉnh để có nồng độ lithi huyết thanh từ 0,6 đến 1,2 mmol/lít ở thời điểm 12 giờ sau khi uống liều cuối cùng. Liều đầu tiên được xác định phải dựa vào tuổi và trọng lượng người bệnh; người bệnh trẻ thường cần liều cao hơn, người cao tuổi thường cần liều thấp hơn liều trung bình.
Cơn hưng cảm cấp tính:
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
Khởi đầu dùng 1,8 g/ngày, chia 3 – 4 lần với dạng viên nén và viên nang, hoặc 1,8 g/ngày, chia làm 2 – 3 lần với dạng viên giải phóng chậm, dùng 4 – 7 ngày thì định lượng nồng độ lithi trong huyết thanh ở thời điểm 12 giờ sau khi dùng thuốc và điều chỉnh liều để đạt nồng độ trong huyết thanh là 0,6 – 1,2 mmol/l.
Điều trị duy trì:
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 900 – 1 200 mg/ngày chia 3 – 4 lần với dạng viên nén hoặc viên nang thông thường hoặc 900 mg – 1 200 mg/ngày, chia 2 – 3 lần với dạng viên giải phóng chậm (tương đương với nồng độ lithi trong huyết thanh là 0,6 – 1,2 mmol/lít). Liều dùng có thể thay đổi tùy theo đáp ứng của từng người nhưng không được vượt quá 2,4 g/ngày.
Dự phòng: 300 – 450 mg/ngày.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Không khuyến cáo dùng. Tuy nhiên trường hợp hưng cảm cấp cần phải dùng lithi, có thể dùng liều 10 – 15 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần. Liều dùng cần điều chỉnh theo nồng độ lithi trong huyết thanh, sự dung nạp và đáp ứng lâm sàng.
Người bệnh cao tuổi: Giảm liều ở người bệnh cao tuổi. Liều dùng thường là 500 – 1 000 mg/ngày.
Điều chỉnh liều cho người suy thận:
Clcr: 10 – 50 ml/phút: Dùng 50 – 75% liều bình thường. Clcr < 10 ml/phút: Dùng 25 – 50% liều bình thường.
Thẩm tách máu: Có thể thẩm tách (50 – 100%), hiệu quả gấp 4 – 7 lần thẩm tách màng bụng.
Định lượng nồng độ lithi trong huyết thanh:
Ở giai đoạn đầu điều trị, cần định lượng nồng độ lithi trong huyết thanh hàng tuần, sau đó 2 tuần một lần và tiếp theo là mỗi tháng một lần. Những trường hợp không thấy có tai biến trong điều trị duy trì, có thể định lượng 2 tháng một lần. Tuy nhiên cần phải định lượng thêm nếu xảy ra các biểu hiện độc do lithi, nếu phải thay đổi liều, nếu thấy phát sinh ra một bệnh đáng chú ý nào đó trong khi điều trị, nếu thấy tái phát các biểu hiện hưng cảm hoặc trầm cảm, nếu thay đổi chế phẩm hoặc nếu thay đổi nhiều về lượng dung dịch và muối ăn.
Tương tác thuốc
Với thuốc chống loạn thần: Ở một số người bệnh điều trị phối hợp lithi với thuốc chống loạn thần (haloperidol và dẫn xuất phenothiazin) xảy ra hội chứng não cấp (gồm có yếu mệt, ngủ lịm, sốt, run rẩy, lú lẫn, hội chứng ngoại tháp, tăng bạch cầu) đặc biệt ở những người bệnh mất nước với nồng độ lithi trong huyết thanh cao. Một số trường hợp có thể dẫn đến tổn thương não không phục hồi. Do đó cần theo dõi chặt chẽ những người bệnh điều trị phối hợp lithi với thuốc chống loạn thần hoặc người bệnh có hội chứng não thực thể hoặc có tổn thương hệ TKTW để phát hiện sớm độc tính thần kinh và nếu xảy ra các biểu hiện như trên, cần ngừng thuốc ngay.
Với thuốc chống trầm cảm: Lithi thường được dùng kết hợp với các thuốc chống trầm cảm trong trường hợp trầm cảm kháng thuốc. Tuy nhiên khi dùng đồng thời lithi với các thuốc này có thể làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh, làm tăng độc tính của lithi và gây hội chứng serotonin. Vì vậy, khi dùng phối hợp lithi với các thuốc chống trầm cảm cần giám sát chặt chẽ.
Với thuốc chống động kinh: Dùng đồng thời lithi với các thuốc chống động kinh như phenytoin, carbamazepin có thể làm tăng ADR trên thần kinh do làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh. Với thuốc lợi tiểu: Nói chung cần tránh dùng phối hợp các thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế men chuyển với lithi. Nếu cần phối hợp, phải rất thận trọng, vì các thuốc này làm tăng thải trừ natri nên làm giảm độ thanh thải của lithi, dẫn đến tăng nồng độ lithi trong huyết thanh và gây nhiễm độc. Khi phối hợp, cần giảm liều lithi và thường xuyên định lượng nồng độ lithi trong huyết thanh.
Thuốc ức chế enzym chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiosensin II: Các thuốc này làm tăng nồng độ lithi dẫn đến tăng độc tính của lithi. Suy thận trung bình hoặc suy thận cấp cũng xảy ra ở một số người bệnh dùng đồng thời thuốc ức chế enzym chuyển với lithi. Cơ chế của tương tác chưa rõ nhưng nguyên tắc chung là khi mất nước, giảm natri dẫn đến giảm thải trừ lithi. Vì vậy, nếu dùng lithi cùng với các thuốc này thì cần giảm liều lithi đồng thời phải giám sát chặt chẽ nồng độ lithi trong máu. Một số nhà sản xuất và thầy thuốc khuyên nên tránh dùng đồng thời lithi với các thuốc này đặc biệt ở người bệnh cao tuổi, suy tim sung huyết, suy thận hoặc giảm thể tích.
Với thuốc chẹn kênh calci: Các thuốc chẹn kênh calci như verapamin, tildiazem có thể làm giảm nồng độ lithi trong huyết thanh ở những người bệnh đã điều trị bằng lithi ổn định, làm tăng nguy cơ độc thần kinh dưới dạng rối loạn điều phối, run rẩy, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, ù tai. Vì vậy cần giám sát nồng độ lithi và điều chỉnh liều lithi nhất là ở thời điểm bắt đầu dùng hoặc ngừng dùng thuốc chẹn kênh calci.
Với iod: Dùng lithi đồng thời với chế phẩm có iod, đặc biệt kali iodid có thể gây suy giáp.
Với thuốc phong bế thần kinh – cơ: Lithi có thể kéo dài tác dụng của các thuốc phong bế thần kinh – cơ. Do đó khi dùng phối hợp phải hết sức thận trọng.
Các thuốc khác:
Một số thuốc khác khi phối hợp với lithi làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh như các thuốc chống viêm không steroid (đặc biệt indomethacin và piroxicam); thuốc giảm đau opioid như codein; các thuốc kháng khuẩn như metronidazol, tetracyclin; quinidin.
Một số thuốc làm giảm nồng độ lithi trong huyết thanh: Acetazolamid, các dẫn xuất xanthin, urê, các muối natri như natri bicarbonat, thuốc chống ung thư cisplatin.
Nếu cần phối hợp các thuốc này với lithi phải giám sát chặt chẽ người bệnh.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong lọ nút chặt, để ở nơi mát, khô, nhiệt độ từ 15 – 30 oC.
Quá liều và xử trí
Nồng độ lithi gây độc (≥ 1,5 mmol/lít) rất gần với nồng độ điều trị (0,6 – 1,2 mmol/lít). Do đó, điều quan trọng là người bệnh và người nhà người bệnh cần theo dõi phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc để ngừng thuốc và báo cho thầy thuốc biết để có cách xử trí. Các triệu chứng sắp xảy ra nhiễm độc:
Các triệu chứng đường tiêu hóa xuất hiện và nặng dần lên, yếu cơ, rối loạn điều phối, tình trạng buồn ngủ, hoặc ngủ lịm là những biểu hiện sớm của nhiễm độc, có thể xảy ra ở nồng độ lithi dưới 2 mmol/ lít. Nếu độc tính tăng lên sẽ xuất hiện rối loạn điều phối, chóng mặt mất thăng bằng, ù tai, nhìn mờ, run rẩy, co rút cơ, đái nhiều và nước tiểu loãng. Khi nồng độ lithi trong máu trên 2 – 3 mmol/lít sẽ xảy ra mất định hướng, các cơn động kinh, hôn mê và tử vong.
Xử trí
Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi ngộ độc lithi. Nếu xảy ra ngộ độc, phải ngừng thuốc ngay và định lượng nồng độ lithi trong huyết thanh cách 6 giờ một lần.
Nếu mới uống thuốc, cần rửa dạ dày và tiến hành các biện pháp hỗ trợ chung.
Cần đặc biệt chú ý duy trì cân bằng nước và điện giải cũng như chức năng thận. Không được dùng các thuốc lợi niệu thải natri trong bất cứ tình huống nào. Có thể dùng thuốc lợi niệu kiềm để tăng thải trừ lithi. Urê, manitol và aminophylin đều làm tăng đáng kể sự thải trừ lithi.
Nếu nồng độ lithi trong huyết thanh trên mức 4 mmol/lít, hoặc nếu người bệnh có tổn thương thực thể, hoặc nếu nồng độ lithi trong huyết thanh không giảm tới mức nửa đời thải trừ phải nhỏ hơn 30 giờ, cần phải thẩm tách phúc mạc hoặc thẩm tách máu ngay. Phải tiếp tục thẩm tách đến khi huyết thanh và dịch thẩm tách không còn lithi. Cần theo dõi nồng độ lithi trong huyết thanh thêm ít nhất 7 ngày, vì có thể lithi trong các mô khuếch tán dần trở lại máu.
Thông tin qui chế
Lithi carbonat có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !