(ĐTĐ) – Hoại tử chỏm xương đùi vô căn thường gặp ở trẻ trên hai tuổi, nhiều nhất từ bốn-tám tuổi, tập trung ở bé trai nhiều hơn bé gái. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị trật khớp háng, dẫn đến vẹo cột sống và lệch khung chậu.
Bệnh chưa rõ nguyên nhân
Bác sĩ Nguyễn Văn Xừ Hai, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, hoại tử chỏm xương đùi trải qua bốn giai đoạn. Ở giai đoạn một, đĩa sụn ở chỏm xương đùi phát triển không đều. Giai đoạn hai, chỏm xương có vùng đậm độ canxi tăng giảm khác nhau. Giai đoạn ba, cốt hóa trở lại (xương tái tạo bất thường), hình dáng chỏm và cổ xương đùi biến dạng. Giai đoạn bốn, phần chỏm bị biến dạng, trở nên rất to và trật ra khỏi ổ chảo, đĩa sụn ngừng phát triển (xẹp), biến dạng chỏm không đều,…
Đa số trẻ bị hoại tử một bên đùi, tỷ lệ bị hai bên ít hơn (khoảng 10%). Tuy không rõ về tiền sử các bệnh lý khác hoặc tiền sử gia đình, tuy nhiên bệnh hay gặp ở trẻ sống trong gia đình có mức sống thấp.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn sang bệnh thiếu canxi với triệu chứng nhức mỏi vào ban đêm nhưng không thường xuyên. Sau đó là cảm giác đi chóng mỏi và đi khập khiễng không đau. Kế đến, cảm giác đau xuất hiện và tăng dần nếu đi lại nhiều, khi nghỉ ngơi cảm giác đau cũng được giảm. Chân bị đau có thể ngắn hơn chân không đau 1-2cm.
Đa số các trường hợp đến khám đã rơi vào giai đoạn hai-ba, nghĩa là khi trẻ bị đau nhiều, đi khập khiễng. Khi chụp X-quang cho thấy khe khớp háng giãn rộng, mật độ canxi ở chỏm không đều, chỏm bị biến dạng. Bác sĩ Nguyễn Văn Xừ Hai lưu ý, nếu thấy bé có dấu hiệu mỏi chân cần cho bé đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Các phương pháp điều trị
Trước đây, nếu ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ được điều trị bằng bó bột, treo chân để hạn chế đi lại, chống tì đè lên phần chỏm xương, giúp phục hồi khớp hoặc cho trẻ đi nạng, hạn chế hoạt động chân đau. Tuy nhiên, do trẻ đang trong độ tuổi đi học, độ tuổi hoạt động nên những phương pháp này rất khó thực hiện, trẻ không thể làm theo nên hiệu quả điều trị thấp. Khi bệnh đã chuyển sang các giai đoạn sau, trẻ sẽ được phẫu thuật để cắt khung xương chậu trên với mục đích làm tăng diện rộng của ổ khớp, hạn chế tì đè lên chỏm xương. Song với cách này, khả năng chỏm xương có thể bị xẹp vẫn cao và phần nhiều trẻ sẽ phải đi khập khiễng, cột sống bị vẹo và lệch khung chậu. Nếu là bé gái còn bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Từ khoảng năm 1992, Bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt đầu điều trị bằng phương pháp nội khoa với mục tiêu bảo toàn cấu trúc tự nhiên của khớp. Fosamax là loại thuốc được chỉ định để làm giảm quá trình hủy xương và tạo cơ hội cho quá trình lành xương. Thuốc được sử dụng với một liều lượng rất thấp dành cho trẻ em để tránh những tác dụng phụ như gãy xương hay gây lùn vì xương trưởng thành quá sớm.
Trong quá trình điều trị, trẻ không phải nằm lại bệnh viện, vẫn ăn uống và được đi học bình thường. Khoảng hai-ba tháng, phụ huynh cần đưa trẻ đi tái khám để được chụp X-quang kiểm tra và lấy thuốc mới. Chi phí điều trị thấp, chỉ khoảng 300.000-500.000đ/tháng, tùy vào cân nặng và giai đoạn bệnh của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xừ Hai cho biết, sau năm-bảy năm, tất cả những trường hợp hoại tử vô căn chỏm xương đùi được điều trị theo phương pháp này đều lành bệnh, không có biến chứng. Sau điều trị, bệnh nhân đi lại tốt, không bị khập khiễng, ăn uống, sinh hoạt bình thường và không cần phải uống thêm thuốc. Một số trường hợp trẻ vẫn phát triển chiều cao rất tốt. Hiện nhiều bệnh viện ở Úc cũng đã áp dụng phương pháp bổ sung Fosamax để điều trị căn bệnh hoại tử vô căn chỏm xương đùi ở trẻ em.
Nguồn Phunuonline.com.vn
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !