ĐTĐ – Có nhiều chứng đau ở vùng vai nhưng phổ biến nhất là viêm quanh khớp bả vai – cánh tay cần được chẩn đoán chính xác và xử trí sớm, nếu quá muộn sẽ gây khó khăn trong điều trị, có khi để lại di chứng tai hại là mất chức năng hoạt động của cả chi trên.
Vì sao mắc viêm quanh khớp vai?
Viêm quanh khớp vai thực chất là một bệnh thoái hóa nên được xếp vào danh mục của hư khớp thường xảy ra ở tuổi trên 40. Thể nguyên phát thường gặp nhất ở nữ giới hơn nam giới. Thể thứ phát thường thấy ở những hoàn cảnh như: chấn thương độc nhất hay vi chấn thương do nghề nghiệp; đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim; bệnh thần kinh: liệt nửa người, u não, động kinh; can thiệp phẫu thuật ở phổi và trung thất; nguyên nhân tâm lý: loạn thần kinh (neurosis), trầm cảm…
Viêm quanh khớp vai gây ra những tổn thương gì?
Đau quanh khớp vai không được xem thường Nguồn: allaboutarthritis.com
– Hình ảnh viêm gân: Thường khu trú ở các cơ trên bả vai và cơ nhị đầu dài, dưới dạng hoại tử và vôi hóa trong gân. Các triệu chứng xuất hiện khi các ổ ngấm vôi này cản trở các vận động của cơ. Trường hợp viêm gân ở điểm cô lập, người ta gọi là “viêm quanh khớp đơn giản của vai không cứng liền khớp”.
– Viêm túi thanh mạc dưới mỏm cùng vai denta (boursite sousacromio- deltoiienne): các tổn thương thoái hóa có thể lan tới túi thanh mạc dưới mỏm cùng vai – denta, mà chức năng của các túi này là giúp cho sự chuyển động trượt giữa lớp cơ nông và lớp cơ sâu được dễ dàng. Cũng có thể hình thành những chỗ dính giữa bao khớp và sụn chu vi khớp. Sự kết hợp viêm túi thanh mạc với viêm gân đã gây nên viêm quanh khớp vai cứng liền khớp.
Các biểu hiện chủ yếu của viêm quanh khớp vai
– Đau xuất hiện dần dần: Nhất là khi dạng tay và xoay cánh tay vào trong, rồi trở thành thường xuyên. Từng bước tiến triển, đau lan tỏa từ mỏm vai, tới cánh tay và khuỷu tay, gây cản trở chức năng rõ rệt.
– Hạn chế các động tác: Động tác dạng và xoay tay vào trong thường bị hạn chế ở 45 độ, nếu cố gắng quá biên độ đó sẽ gây nên đau ê ẩm. Đôi khi sau “ngưỡng đau” đó người bệnh thấy hết đau và có thể thực hiện được các động tác thụ động do đã vượt qua được chỗ tổn thương gây dưới mỏm cùng vai. Trong thể cứng liền khớp, đau tăng lên, dẫn tới “khóa cứng vai”.
– Loạn dưỡng chi trên do phản xạ hay hội chứng vai – bàn tay: thêm vào triệu chứng đau ở vai, cánh tay, lại xuất hiện những rối loạn vận động và loạn dưỡng ở bàn tay (các ngón tay trở nên cứng đơ, ở tư thế gấp).
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Có thể bạn chưa biết |
Cần chú trọng các chống chỉ định của các loại thuốc chống viêm – giảm đau: viêm, loét dạ dày – hành tá tràng, dị ứng… |
Các phương pháp điều trị
– Thể vai đau đơn giản: Bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Điều trị tại chỗ thường được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa bằng việc tiêm ngấm corticoid vào trong khớp với điều kiện vô khuẩn nghiêm ngặt, bằng kim nhỏ có độ vát ngắn. Tuy hiệu quả điều trị của tiêm ngấm đạt được mức giảm đau rất tốt nhưng thường cũng nên kết hợp điều trị toàn thân, nhất là đối với những thể đau trong tư thế nằm nghiêng. Còn đối với những thể mãn tính với những triệu chứng nhẹ cần cân nhắc thận trọng khi muốn tiêm nhắc lại.
Điều trị toàn thân: Trước hết nên dùng các loại thuốc giảm đau thông thường như alaxan, paracetamol… Nếu đau vẫn dai dẳng không chịu được, có thể cho điều trị tiếp từ 2-4 tuần các loại thuốc chống viêm, giảm đau mạnh hơn như: voltaren 100- 150mg/ngày, hoặc apranax (naproxene sodique) viên 275mg, từ 3 đến 4 viên/ ngày, hoặc tilcotil viên 20mg, 1 viên/ngày.
Phục hồi chức năng: Sau khi hết đau, vận động còn bị hạn chế, cần tiến hành vận động liệu pháp tại cơ sở chuyên khoa phục hồi chức năng. Cần chú trọng tập dần dần từng bước, không nên nóng vội quá mức chỉ dẫn có thể làm nặng thêm các hư tổn có sẵn, chưa hoàn toàn khỏi.
– Thể vai đau cấp: Điều trị toàn thân là chủ yếu bằng các thuốc giảm đau như đã nói ở trên.
– Thể vai khóa cứng (co rút bao khớp): Điều quan trọng là phải cho người bệnh biết rõ các hình thái tiến triển của bệnh có hai pha: Pha 1 là pha đau, cần áp dụng các biện pháp điều trị như trong thể vai đau đơn giản. Pha 2 nổi bật lên là trạng thái cứng đờ vai, trong quá trình đó các thuốc chống viêm – giảm đau chỉ hữu hiệu trong khi tái phát đau, mà thường là sau một gắng sức. Pha này thường kéo dài từ 6-18 tháng, dưới tác dụng của vận động liệu pháp, bệnh sẽ dần hồi phục, có thể tới mức hoàn toàn. Nếu người bệnh được hướng dẫn và tự giác tập vận động khớp vai thì khả năng hồi phục chức năng sẽ nhanh, ngược lại nếu luyện tập quá mức, thời gian khỏi bệnh sẽ kéo dài hơn.
– Thể vai giả liệt: Vỡ cái chóp của các gân xoay: Trong các trường hợp này có hai tình huống có thể gặp: bệnh nhân trẻ, năng động, mới bị chấn thương có chỉ định tuyệt đối phẫu thuật, với mục đích khâu nối lại chóp của các gân xoay; bệnh nhân có tuổi, đến muộn, trước tiên cho sử dụng các biện pháp giảm đau, chống viêm, vận động liệu pháp nhẹ nhàng. Nếu phục hồi chức năng không đạt được hiệu quả sau 3 – 4 tháng, cần cân nhắc tới biện pháp can thiệp phẫu thuật.
– Điều trị đau quanh khớp vai bằng châm cứu bấm huyệt. Có thể kết hợp châm cứu giảm đau. Các biện pháp bấm huyệt và nắn chỉnh phải có chỉ định của chuyên khoa điều trị vật lý – phục hồi chức năng. Nếu tác động quá mạnh hoặc tiến hành trong giai đoạn cấp có thể sẽ làm thương tổn nặng thêm. Đã có không ít bệnh nhân trở nên tàn phế do nắn chỉnh – bấm huyệt một cách tùy tiện.
Theo suckhoedoisong.vn
Originally posted 2010-08-20 14:09:22.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !