(ĐTĐ-Kỹ thuật bơm xi măng sinh học với công nghệ robot định vị trong chỉnh vẹo cột sống) – Từ ngày 20 đến 30/5/2013, tại Bệnh viện Việt-Đức các bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống phối hợp với các chuyên gia Pháp và Israel tổ chức chương trình phẫu thuật “Ứng dụng Robot định vị chính xác trong phẫu thuật bơm xi-măng sinh học thân đốt sống và chỉnh vẹo cột sống cho các bệnh nhân”.
Đây là công nghệ định vị tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, cho phép độ chính xác tới 99%. Trong thời gian diễn ra chương trình, các bệnh nhân được lựa chọn phẫu thuật sẽ được giảm chi phí sử dụng vật tư tiêu hao của Robot.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, rất nhiều bệnh có thể dẫn đến đau cột sống như: loãng xương, vẹo cột sống, u cột sống (sơ cấp hoặc thức cấp), u máu trong cột sống, chấn thương… Việc tạo hình thân đốt sống góp phần làm giảm các cơn đau lưng vì nó sẽ giúp phục hồi cơ địa tự nhiên của cột sống và ngăn cột sống bị lệch. Hiện tại, với các phương pháp điều trị lâm sàng bao gồm liệu pháp thay thế hoóc môn, calcitonin, clendronate, uống thuốc giảm đau…bệnh nhân phải nằm liệt giường, điều này sẽ làm tăng thêm biến chứng, hậu quả xa hơn là giảm cơ và suy cơ, tất cả đều làm tăng thêm độ loãng xương và các cơn đau. Nếu sử dụng thuốc giảm đau liều cao sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống
Kỹ thuật bơm xi-măng sinh học sẽ áp dụng ba hình thức là bơm xi-măng sinh học không bóng (Vertebroplasty), bơm xi-măng sinh học có bóng (Kyphoplasty), bơm xi-măng sinh học và lồng titan. Với kỹ thuật này hầu hết các phân tích đều nhận định rằng tỷ lệ xuất hiện biến chứng là 1-2% trong trường hợp loãng xương. Còn trong trường hợp di căn cột sống, tỷ lệ biến chứng khoảng 5%, chủ yếu do sự thay đổi cấu trúc của cột sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, PGĐ Bệnh viện Việt Đức kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, bơm xi măng sinh học theo công nghệ robot là một kỹ thuật ít xâm lấn, có thể áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú với các bệnh lý cề cột sống như gãy, nứt, xẹp, vẹo cột sống. Trong kỹ thuật này, một lượng xi măng xương tổng hợp sẽ được tiêm vào thân đốt sống bằng một kim nhỏ để lấp đầy phần thiếu hụt của thân đốt sống. Khi rút kim ra xi măng sẽ đông cứng sau 10 phút để cố định đốt sống vững chắc. Việc tiêm xi măng vào vị trí đòi hỏi chính xác tuyệt đối do đó kỹ thuật được thực hiện rất phức tạp. Bác sĩ sẽ phải đạt kim chính xác để tránh xi măng bị tràn ra ngoài gây chèn ép dây – rễ thần kinh. Do khoảng quan sát trực tiếp không có, nên các bác sĩ sẽ phải chụp X quang nhiều lần để gắn kim vào thân đốt sống. Công nghệ cánh tay robot định vị cho phép đưa kim vào vị trí chính xác và lượng tia phóng xạ ít nhất. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể được xuất viện ngay trong ngày.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch
Tuy nhiên, với phương pháp này, các chuyên gia y tế cho rằng không nên coi bơm xi măng thường và bơm xi măng tạo bóng cho thân đốt sống là tiểu phẫu mà cần phải đánh giá kỹ bệnh nhân trước khi phẫu thuật thông qua việc kiểm tra đông máu, chụp X quang ngực và đánh giá tim mạch.
Trong thời gian diễn ra chương trình, các bệnh nhân được lựa chọn phẫu thuật sẽ được giảm chi phí sử dụng vật tư tiêu hao của robot. Trước đó, đầu tháng 12 năm ngoái, các giáo sư, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho khoảng bảy bệnh nhân với công nghệ trên.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !