(ĐTĐ-Trẻ đau bụng: Các triệu chứng dễ nhầm) – Đau bụng là một trong những triệu chứng thường xuyên xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Chúng ta hãy cùng phân biệt triệu chứng đau bụng quặn và lồng ruột ở bé sơ sinh nhé!
Ở các bé từ 1 – 6 tháng tuổi thường bị khóc dạ đề, hay còn gọi là chứng đau bụng quặn. Ngoài ra còn có nhiều loại đau bụng khác như đau bụng do tiêu chảy, viêm dạ dày ruột v.v…, nguy hiểm nhất là đau bụng do trẻ bị lồng ruột. Tuy vậy không phải bố mẹ nào cũng phân biệt được các triệu chứng đau bụng này ở bé, trong đó có đau bụng quặn và lồng ruột, vì vậy cũng dễ dẫn đến can thiệp trễ gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe của bé về sau.
Dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng đau bụng của bé
Chưa kịp vui mừng vì được chào đón quý tử trong một gia đình toàn ”vịt giời”, chị Mai và anh Tâm (Bình Tân, TP HCM) đã phải rối bời vì bé Zin hay mè nheo suốt cả đêm. Mỗi lần khóc bé lại hét toáng lên, tay nắm chặt vào nhau, bụng cứng lên, hai chân co vào bụng. Lo lắng không yên, mỗi lần bé khóc dữ anh chị lại vội vã bắt taxi đến bệnh viện gần nhà để bác sĩ thăm khám cho chắc. Mặc dù bác sĩ đã chẩn đoán bé chỉ bị đau bụng quặn, một triệu chứng rất phổ biến ở các bé sơ sinh, nhưng hai vợ chồng vẫn chưa yên tâm vì khi tham khảo trên Internet, chị Mai bị ám ảnh bởi hàng loạt biểu hiện nguy hiểm khác của triệu chứng đau bụng do lồng ruột ở trẻ nhỏ. Thế nên, mỗi tối bé khóc dữ dội là y như rằng gia đình chị lại kéo nhau đưa bé vào bệnh viện.
Chứng đau bụng do lồng ruột của bé thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng đau bụng do các nguyên nhân khác gây nên. (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, bé Bi được 4 tháng tuổi và ngày càng bụ bẫm, đáng yêu, chị Oanh (Tân Phú, TP HCM) rất tự hào với người thân, bạn bè vì phương pháp chăm con theo sách vở của mình. Tuy từ nhỏ bé hay bị khóc đêm, nhưng do tìm hiểu kỹ, chị biết bé chỉ bị khóc dạ đề nên cũng không lo lắng lắm. Cho đến một tối, sau khi bú đầy cả bình sữa, bé Bi đột ngột khóc thét lên, tay nắm chặt, gồng cứng người, dỗ đến 15 phút bé mới nguôi. Thấy con nín khóc, nghĩ là bé khóc dạ đề do chứng đau bụng quặn nên chị Oanh và gia đình lại an tâm cho bé chơi đùa như bình thường. Tuy nhiên, đến khi đi ngủ, bé đột ngột khóc thét, nôn ói, sau đó đi ngoài ra máu, cả nhà mới vội vàng đưa bé đến bệnh viện. Tại đây, bé được chuẩn đoán bị lồng ruột và được điều trị bằng phương pháp tháo lồng bằng hơi, nhờ vậy đã hồi phục rất nhanh sau đó. Rất may bé Bi được đưa đến bệnh viện sớm trong vòng 24 giờ, nếu trễ hơn dễ dẫn đến nguy cơ hoại tử ruột rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Không may mắn như bé Bi, khi được 6 tháng tuổi, bé Tâm (Nhà Bè, TP HCM) đột ngột bỏ bú, khóc thét và nôn ói, sau đó đi phân có lẫn máu. Mặc dù chị Thanh – mẹ bé Tâm lo ngại bé bệnh nặng, định đưa đến bệnh viện thăm khám, mẹ chồng chị lại cho rằng bé bị kiết lỵ thông thường nên chỉ mua thuốc tại nhà thuốc tây cho bé uống. Đến khi bé bắt đầu nôn ra dịch vàng có lẫn phân, chị Thanh vội vã bé đến bệnh viện huyện. Do thời gian bé bị lồng ruột đã quá 24 tiếng, dẫn đến hoại tử ruột, nên chị và gia đình đã choáng váng khi bác sĩ thông báo sẽ phải phẫu thuật cho bé thay vì áp dụng biện pháp tháo lồng bằng hơi thông thường.
Phân biệt đau bụng quặn và đau bụng do lồng ruột
Vì bé sơ sinh chỉ có thể giao tiếp với bố mẹ và thế giới xung quanh bằng tiếng khóc, nên khi bé khóc vì đau, thường nhất là đau bụng, đã làm cho không ít bố mẹ băn khoăn lo lắng vì không biết đâu là biểu hiện của chứng đau bụng quặn thông thường và đâu là biểu hiện của các chứng bệnh khác nguy hiểm hơn như đau bụng do lồng ruột. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, các mẹ có thể phân biệt được hai loại biểu hiện này để từ đó can thiệp kịp thời và đúng cách.
Bé khóc dạ đề do đau bụng quặn. Thông thường, chứng khóc dạ đề do đau bụng quặn thường xảy ra khoảng 4 – 6 tháng đầu sau khi sinh. Theo các chuyên gia nhi khoa, nguyên nhân của chứng đau bụng quặn ở bé sơ sinh là do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng sự lo âu lúc mang thai của mẹ có thể là một trong những nguyên nhân dễ gây ra chứng bệnh này ở trẻ.
Diễn tiến của bệnh thường khởi đầu từ khi bé được 2 tuần tuổi và chấm dứt vào lúc bé được 4 tháng tuổi, hoặc kéo dài thêm vài tháng sau đó. Các cơn đau quặn thường xảy ra vào buổi chiều hoặc tối. Khi đó, bé bắt đầu co chân về phía bụng hoặc đá thẳng chân ra để cố gắng làm giảm đau bụng và để tống hơi ra. Bụng bé có thể căng cứng, nắm chặt tay hoặc cong lưng trong cơn đau. Bé khóc to, thường khóc nhiều hơn 3 tiếng/ ngày và hơn 3 ngày/ tuần, so với trẻ sơ sinh bình thường khóc khoảng 2 tiếng/ngày. Mặc dù chứng đau bụng này không đe dọa đến sức khỏe của bé, tuy nhiên bạn nên làm cho bé dịu đi bằng cách xoa dầu cho bé ấm bụng, hoặc đặt bé nằm sấp trên đùi bạn và sưởi ấm bụng bé bằng một túi nước ấm, hay massage nhẹ nhàng cho bé….
Bé khóc thét do lồng ruột. Khác với chứng đau bụng quặn, bệnh lồng ruột thường xảy ra ở các bé khỏe mạnh, bụ bẫm, ham ăn, hay gặp nhất ở lứa tuổi 4 – 9 tháng. Mặc dù có đến 90% trẻ bị lồng ruột lần đầu tiên không rõ nguyên nhân, nhưng cũng có một số xuất phát từ việc cha mẹ, người trông trẻ nô đùa với trẻ làm trẻ cười quá nhiều, tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh …, hoặc do kích thước ruột của bé mất cân đối, do trẻ có Polip, bị viêm đường hô hấp trên, viêm ruột; do thay đổi sữa hay chuyển qua chế độ ăn dặm làm nhu động ruột của bé không thích nghi kịp dẫn đến những thay đổi đột ngột v.v…
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Khi chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào trong lòng đoạn ruột chứa lồng, hậu quả là tạo nên sự thắt nghẹt các mạch máu này khiến tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu, có khi khiến ruột bị tắc, dẫn đến đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử nếu không can thiệp kịp thời.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Lồng ruột là một bệnh lý nguy hiểm, do đó các mẹ cần phải lưu ý các biểu hiện của bé để phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu như với chứng đau bụng quặn, bé thường khóc vì đau lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định, thường vào khoảng chiều hoặc tối thì với bệnh lý lồng ruột, bé đột nhiên khóc thét từng cơn trong khi đang ăn hay chơi bình thường. Trong cơn khóc bé thường ưỡn người, bỏ bú, khóc kéo dài độ vài phút sau đó nằm yên 10 – 15 phút lại tỉnh dậy, có thể bú một ít rồi khóc tiếp. Khi khóc mặt bé thường trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân con lại hay đạp lung tung. Nếu mẹ không phân biệt và phát hiện sớm, sau lần quấy khóc đầu, ở lần khóc thứ hai, cách lần đầu khoảng 5 – 6 tiếng, bé sẽ bắt đầu nôn. Ở giai đoạn sớm, bé nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa, giai đoạn muộn hơn bé sẽ nôn ra mật xanh vàng, sau đó nôn ra dịch dạng phân.
Một biểu hiện dễ nhầm lẫn giữa lồng ruột và kiết lỵ là bé bị lồng ruột cũng sẽ đi ngoài ra máu, trong phân có chất nhầy giống hoặc có máu đỏ sẫm. Để phân biệt, các mẹ có thể theo dõi vì thường 4 – 12 tiếng sau biểu hiện khóc thét đầu tiên, bé sẽ đi ngoài ra máu. Đồng thời, kết hợp với việc sờ tay vào dưới bụng phải hoặc trên rốn có thấy một khối nổi lên, trơn nhẵn, không cứng, đó là khối lồng của ruột. Nếu mới bị lồng ruột, mẹ sờ vào hố chậu bên phải của bé thì có thể thấy rỗng vì ruột ở đây đã chui vào khối lồng.
Chuẩn đoán sớm giúp giảm biến chứng do lồng ruột
Nhờ vội vã đưa bé Bi đến bệnh viện ngay sau khi thấy bé nôn và đi ngoài ra máu, chị Oanh đã tránh được các biến chứng trầm trọng do lồng ruột gây ra. Đến giờ, mỗi lần nhắc lại, chị và gia đình vẫn còn thở phào vì may mắn khi bác sĩ cho biết, do can thiệp kịp thời trong vòng 24 tiếng sau khi bị lồng ruột, nên bé Bi chỉ cần được điều trị bằng phương pháp tháo lồng bằng hơi, nếu để quá 24 tiếng sẽ dẫn đến nguy cơ bị tắc ruột, ứ đọng gây nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải trầm trọng, nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột …, bắt buộc phải phẫu thuật.
Do đây là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, đồng thời sau khi điều trị trẻ vẫn có nguy cơ tái phát nên các mẹ cần cẩn thận lưu ý theo dõi các triệu chứng khi bé khóc. Nếu phát hiện bé có nhiều biểu hiện tương đồng với bệnh lý lồng ruột cần phải gấp rút đưa bé đến bệnh viện để được can thiệp chuyên môn kịp thời, vì theo thống kê, cứ 10 trẻ mắc lồng ruột sẽ có 8 trẻ bị hoại tử ruột sau 72 giờ.
Mặc dù có khoảng 90% trường hợp không phát hiện nguyên nhân gây bệnh lồng ruột, nhưng các mẹ vẫn có thể chủ động phòng tránh bệnh lồng ruột cho bé trong khoảng 10% nguyên nhân còn lại, như tránh rung lắc mạnh, đùa giỡn quá mức hay tung hứng bé; khi cho bé ăn dặm hay chuyển đổi sữa theo độ tuổi thích hợp, các mẹ nên cho bé ăn từng ít một rồi tăng dần theo nhu cầu cơ thể bé; chọn thực phẩm giúp bé tăng cường sức đề kháng trong thời điểm giao mùa để tránh cho trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, vốn là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh lồng ruột.
Nguồn Hn.eva.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !