(ĐTĐ) – Những người bệnh đột quỵ và chấn thương sọ não, sau khi được cứu sống có thể bị mất ngôn ngữ, được coi là “chứng đau tâm lý” sau điều trị. Bản thân người bệnh và người nhà không biết sẽ tiếp tục chữa chạy ở đâu để người bệnh thấu hiểu cũng như bày tỏ được cảm xúc của mình, dù chỉ là một phần rất nhỏ, nhiều người đã từ bỏ vì nghĩ rằng đó là di chứng, y học cũng “bất lực”. Tuy nhiên, có thật sự y học “bất lực” hay không?
Nguyên nhân gây mất ngôn ngữ?
Những tai biến mạch máu não là nguyên nhân thường gặp nhất của mất ngôn ngữ, những chấn thương sọ não kín và hở do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc trong khi đang cơn đau nửa đầu cũng có thể xuất hiện những rối loạn mất ngôn ngữ. Ngoài ra những u não, những nhiễm khuẩn có ổ áp-xe hay lan tỏa cũng có thể gây mất ngôn ngữ.
Đột quỵ não là nguyên nhân chính gây nên “chứng đau tâm lý”.
Dấu hiệu của mất ngôn ngữ
Mất ngôn ngữ nói
Mất vận ngôn là hiện tượng mất ăn khớp trong vận động ngôn ngữ do hậu quả của một hay nhiều yếu tố như liệt hay bại những cơ của phát âm, rối loạn trương lực của cơ này dẫn đến những co cơ quá mạnh hay kéo dài, những rối loạn mất dùng động tác. Biểu hiện mất vận ngôn là có những méo tiếng (ví dụ như hiện tượng rụng mất nguyên âm cuối, “truyền thanh” thì nói là “truyền than”), sự đồng hóa các từ hay sự thay thế từ.
Rối loạn nhịp điệu tiếng nói: là biểu hiện của sự rối loạn về nhịp điệu, chuyển giọng và tốc độ nhanh của lưu lượng tiếng nói. Những người mất ngôn ngữ đã bị mất đi “âm điệu của ngôn ngữ” và một số người lại nói với những trọng âm giống như một vài trọng âm ngoại quốc.
Chứng lắp lời, mất ngữ pháp: là biểu hiện của những mẩu của một câu, những từ hay những tiếng, đơn độc hay hơi nhiều hình thành một ngôn ngữ nói duy nhất tồn tại theo tâm trạng người bệnh. Chứng mất ngữ pháp được đặc trưng bởi những câu đã bị mất, những từ phụ trợ (liên từ, giới từ…) giống như kiểu thể văn điện tín.
Chứng thiếu từ: là một trong những rối loạn đặc trưng nhất của hằng định nhất của mất ngôn ngữ. Người bệnh không thể hay khó tự gợi ra cái tên chính xác của một vật. Những người mất ngôn ngữ thường đưa ra một định nghĩa theo thông dụng (ví dụ, đôi đũa: đó là để ăn). Chứng thiếu từ có thể là biểu hiện đầu tiên, đơn độc hay cuối cùng của mất ngôn ngữ.
Chứng nói loạn biệt ngữ: là một rối loạn được biểu hiện là những từ dùng không sát hợp được thay thế những từ đúng (dùng một từ này cho một từ khác). Ví dụ như “phòng lan” được dùng thay cho “phong lan”
Mất dùng động tác mồm mặt: người bệnh không có khả năng thực hiện theo yêu cầu hay bắt chước những động tác phối hợp các cơ mặt và mồm như tặc lưỡi, hôn hay biểu hiện niềm vui và nỗi buồn.
Mất ngôn ngữ viết
Mất ngôn ngữ viết thường khởi bệnh chậm hơn, phức tạp hơn và bị rối loạn trầm trọng hơn. Trong bệnh lý có thể gặp chứng thiếu từ, chứng lẫn chữ hay chứng bịa chữ. Chứng loạn chính tả có xu hướng viết dịch theo ngữ âm của ngôn ngữ nói. Chứng loạn cú pháp gặp gần như thường xuyên. Những rối loạn về mất dùng động tác có thể gây khó khăn cho chữ viết: sự sắp xếp không gian của chữ viết rất xấu. Trong một số trường hợp, những nét chữ bị rút bớt đi chỉ còn là những vòng bán khuyên hay những nét nguệch ngoạc không ra hình dạng gì.
Y học có “bất lực” trước hiện tượng mất ngôn ngữ?
Cần xác định mức độ mất ngôn ngữ, ở mức độ nặng khi bệnh nhân hầu như hoặc hoàn toàn không giao tiếp được với người xung quanh bằng ngôn ngữ; ở mức độ nhẹ khi họ còn khả năng hoàn thành ý định hoặc chỉ làm được dang dở hay đảo ngược trong quá trình thực hành nghề nghiệp và gây ra những xung đột nặng nề trong đời sống gia đình.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Để đánh giá tiên lượng và phục hồi chức năng cho người bị mất ngôn ngữ sau đột quỵ não, chấn thương sọ não thì còn phụ thuộc vào tuổi của người bệnh, bản chất của quá trình bệnh lý, ưu thế trội sử dụng tay. Tuy nhiên, để bảo đảm cho điều trị và phục hồi chức năng ngôn ngữ cho người bệnh, cần có một trung tâm chuyên nghiệp, trong đó phải có sự kết hợp của 3 nhà chuyên gia: thần kinh học, giáo dục – tâm lý học và ngôn ngữ học.
Liệu trình điều trị đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài, khá công phu nên người bệnh phải rất nhẫn nại, tự giác thực hiện các yêu cầu của thầy thuốc. Sự thông cảm và hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh là rất quan trọng cho quá trình phục hồi ngôn ngữ. Bệnh nhân phải học, phải tập nói, tập viết từng chữ, từng câu dưới sự trợ giúp của thầy thuốc và người thân đúng như trong quãng đời ấu thơ của mình. Được như vậy, “chứng đau tâm lý” này sẽ được giải tỏa, niềm tin và hy vọng sẽ đến với người bệnh và gia đình.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !