(ĐTĐ) – Các nhà thần kinh học người Mỹ đã nảy ra ý tưởng xóa bỏ ký ức đau buồn bằng cách tiêm thuốc sau khi phát hiện ra một loại protein có liên quan đến nỗi đau trong não con người. Loại thuốc này, nếu được hiện thực hóa, có thể mang lại hy vọng cho hàng triệu người mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sang chấn do những sự việc đau buồn xảy ra trong quá khứ.
Gần 20% trong tổng số 1,6 triệu binh sĩ Mỹ trở về từ các chiến trường Iraq và Afghanistan có dấu hiệu bị mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sang chấn PTSD, hay còn gọi là hội chứng chiến tranh, theo như nghiên cứu năm 2008 của tổ chức Rand Corp.
Robert Kingsley là một cựu chiến binh đã bị tổn thương não khi chiến đấu ở Iraq. Cho tới nay, ông vẫn bị hành hạ bởi những cơn hồi tưởng và những cơn ác mộng kinh niên. Hội chứng này đã làm cuộc sống của ông đảo lộn. Hai tay ông rung bần bật và có những lúc ông mất hoàn toàn kiểm soát cơ thể mình.
Có thể xóa bỏ ký ức đau buồn bằng thuốc
Ông Robert Kingsley – Cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Iraq cho biết: “Khi cơn hồi tưởng hay cơn ác mộng tìm đến, thì không có cách nào để khống chế chúng. Tôi đã cố, nhưng không thể. Thân thể cứ run bần bật, tim thì đập mạnh và đầu óc quay cuồng. Một sự mất kiểm soát hoàn toàn”.
Giờ đây, những nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore cho rằng, họ có thể đã tìm ra chìa khóa để xóa bỏ ảnh hưởng của những ký ức đau buồn trong con người.
Bác sĩ thần kinh Richard Huganir đã nghiên cứu về ký ức trong suốt 30 năm nay. Ông và các cộng sự đang tìm hiểu về một loại protein có tên AMPARS, thường xuất hiện trong hạch não ngay sau khi một sự việc đau buồn xảy ra.
Bác sĩ Huganir tin rằng, nếu thụ quan của loại protein này được tiếp cận trong vòng 24 đến 48 giờ đồng hồ, thì nỗi đau gắn liền với ký ức đó có thể được xóa bỏ.
Bác sĩ thần kinh Richard Huganir – Đại học John Hopkins, Baltimore cho biết: “Những gì chúng tôi đã nghiên cứu cho tới nay không chỉ là việc bạn tiếp nhận một ký ức đáng sợ hoặc đau buồn như thế nào, mà còn là khả năng xóa bỏ hoặc đảo ngược sự tiếp nhận đó và thực sự xóa bỏ đi một ký ức đau buồn. Về lý thuyết, bạn có thể sử dụng thuốc để tiếp cận đường tiếp nhận này và dùng thuốc để xóa đi ký ức đau buồn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là xóa ký ức một cách trực tiếp, mà là xóa đi cảm xúc có liên quan đến ký ức đó”.
Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ được thí nghiệm trên chuột, bác sĩ Huganir hy vọng kết quả đạt được sẽ có ích trong việc điều trị bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm trong tương lai, và sẽ là tiền đề để chế tạo ra được một loại dược phẩm có công năng xóa bỏ nỗi đau khỏi ký ức. Tuy loại thuốc này mới chỉ là một ý tưởng, nhưng bác sĩ Huganir cho rằng nó có thể được hiện thực hóa chỉ trong một thập kỷ tới.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Trái với sự lạc quan của bác sĩ Huganir, nhiều nhà khoa học khác lại nghi ngờ khả năng một loại thuốc lại có thể xóa bỏ nỗi đau khỏi bộ não con người.
Bà Elizabeth Phelps – Giám đốc phòng thí nghiệm thần kinh học, Đại học New York nói: “Hiện tại, chúng ta chưa thể thực hiện những kỹ thuật này trên con người, nên chúng ta chưa thể thực sự thử nghiệm xem nó có công dụng y học hay không. Theo tôi, điểm hứa hẹn của nghiên cứu này là nó giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự vận hành của ký ức và những thông tin đó có thể giúp chúng ta giảm nhẹ những triệu chứng của rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng còn quá sớm để cho rằng khi bạn có thể tiêm thuốc vào não một con chuột và thay đổi một ký ức của nó, bạn có thể làm điều đó với con người”.
Một số nhà khoa học khác thì có quan điểm rằng chúng ta hoàn toàn không nên can thiệp vào ký ức.
Bác sĩ Rachel Yehuda – Bệnh viện Cựu chiến binh New York cho biết: “Chúng ta sẽ không khuyên những người đang đau buồn rằng “hãy uống đi cho quên sầu”, tương tự như vậy, chúng ta cũng không nên nói “hãy để tôi tiêm thuốc cho bạn để ký ức không làm bạn đau nữa”, bởi vì tất cả những ai đã từng đi qua nỗi đau đều biết, bạn phải trải nghiệm nỗi đau để có thể vượt lên trên nó”.
Nhưng nhiều người đang phải chịu đựng hội chứng chiến tranh vẫn đặt hy vọng vào loại thuốc mới.
Ông Robert Kingsley – Cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Iraq nói: “Tôi hy vọng rằng loại thuốc mới sẽ có thể mang lại cho nhiều người một cuộc sống bình thường. Họ có thể tự tin ra đường mà không lo sợ phải đi qua một khu vực nào đó trong thành phố, ví dụ như vậy. Họ có thể hòa nhập trở lại vào môi trường và xã hội, có thể sống một cách chất lượng hơn chỉ đơn thuần là tồn tại”.
Nguồn VTV.vn
Originally posted 2011-03-12 06:50:07.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !