(ĐTĐ) – Trong một số trường hợp chúng ta gặp những chứng đau dai dẳng, không đáp ứng với thuốc giảm đau, như đau đầu, đau bụng, đau lưng… có thể đó là chứng đau gây ra bởi hội chứng rối loạn dạng cơ thể, có căn nguyên tâm lý.
Rối loạn dạng cơ thể là một rối loạn được thể hiện bằng những triệu chứng thể chất, bắt nguồn từ yếu tố tâm lý, nhất là từ cảm xúc. Theo nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ mới mắc trong vòng một năm ở người lớn là 12%, thường gặp ở nữ, chiếm tỉ lệ cao ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu (30%) và ở các cơ sở chuyên khoa (20%).
Rối loạn dạng cơ thể là một nhóm bệnh lý có đặc tính chung là các rối loạn tâm thần, thể hiện bằng các triệu chứng cơ thể.
Vài trường hợp điển hình
S. là nam sinh 11 tuổi, đang học lớp 6. Em có những cơn đau đầu từ một năm nay. Em đã đi khám thần kinh và uống thuốc nhưng không thuyên giảm. Sau đó, em được nhập viện để theo dõi bệnh. Khi hỏi ra, chúng tôi nhận biết từ năm lên lớp 6, S. gặp nhiều chuyển biến như thay đổi trường học, cách học (học mỗi môn một giáo viên, không như cấp một), thay đổi bạn bè, các môn học nhiều hơn, khó hơn. Ba mẹ S. khá bận rộn với công việc, thấy con học sút thì lại cho con tăng cường học thêm. Lịch học của S. kín suốt tuần. S. tâm sự: “Con chỉ biết có học. Sáng mở mắt là học, học suốt ngày đến tối khuya rồi ngủ. Nhiều đêm con còn nằm mơ là làm bài không được bị phạt”.
Đôi khi các chứng đau là do rối loạn dạng cơ thể
M. là nữ sinh 15 tuổi, học lớp 10. Em bị đau bụng từng cơn cách đây ba tháng, đi khám tiêu hóa và uống thuốc nhưng vẫn không giảm. Em được chuyển đến khám tâm lý. Một thời gian sau, khi tiếp cận và thiết lập được mối quan hệ trị liệu, em mạnh dạn nói về nỗi buồn của mình. Số là em nghi ngờ mình là con nuôi của cha mẹ khi nghe vài người hàng xóm nói. Em cảm thấy mình bị bỏ rơi và bị lừa dối. Em thấy mất tin tưởng vào cuộc sống. Tuy nhiên, em không nói được với cha mẹ điều này vì sợ cha mẹ buồn. Vài tháng sau khi nghe điều này, em bắt đầu có cơn đau bụng như hiện nay.
Với trường hợp của S., những khó khăn trong việc học và sự thay đổi mới mà em chưa thích nghi được khiến em cảm thấy căng thẳng, áp lực. S. không giãi bày được với ai, cha mẹ em lại tăng cường giờ học khiến em càng mệt mỏi. Trong trường hợp của M., trẻ nhận thấy mình bị lừa dối, bị bỏ rơi, dẫn đến tâm trạng hụt hẫng, đau khổ, mất lòng tin vào người thân và cũng không giãi bày được với ai sự đau khổ, hụt hẫng đó.
Cả hai trường hợp trên đều xuất phát từ những khó khăn nhưng không giải quyết được (không chia sẻ được, không có hướng giải quyết). Từ đó, S. và M. xuất hiện những triệu chứng về cơ thể như đau đầu và đau bụng. Triệu chứng này trong bảng phân loại bệnh gọi là “Rối loạn dạng cơ thể”.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
– Các yếu tố tâm lý trong cuộc sống hằng ngày: Yếu tố tâm lý được xem là nguyên nhân gây nên các triệu chứng cơ thể mặc dù việc phát hiện các yếu tố tâm lý không phải là điều dễ dàng và bệnh nhân không phải lúc nào cũng chấp nhận nguyên nhân gây bệnh như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền…
– Rối loạn dạng cơ thể và tuổi vị thành niên: Rối loạn này thường xuất hiện nhiều ở tuổi dậy thì, khi các em có những biến chuyển lớn về thể chất và tâm lý. Những bệnh nhân có rối loạn dạng cơ thể được theo dõi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thường có vấn đề phức tạp, liên quan đến sự sợ hãi xa cách của tuổi ấu thơ.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Các nhóm rối loạn dạng cơ thể
Bảng phân loại bệnh chia rối loạn dạng cơ thể thành những nhóm như sau:
– Rối loạn cơ thể hóa: Bệnh nhân có biểu hiện than phiền với rất nhiều triệu chứng như đau đầu, đau lưng, đau cổ, tiêu chảy, táo bón, khó nuốt, buồn nôn, kinh nguyệt không đều… Bệnh nhân được làm rất nhiều xét nghiệm nhưng kết quả bình thường và được các bác sĩ kết luận là không có vấn đề thực thể.
– Rối loạn chuyển dạng cơ thể không biệt định: Bệnh nhân có thể có các cơn co giật với đặc tính là các cơn co giật lộn xộn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong cơn. Cơn càng nặng nếu có nhiều người chú ý và cơn không bao giờ xuất hiện trong khi ngủ. Một vài bệnh nhân có biểu hiện mù nhưng đặc biệt là không bị vấp ngã khi di chuyển. Bệnh nhân có thể bị liệt nhưng lại không teo cơ, phản xạ gân xương bình thường.
– Rối loạn nghi bệnh: Bệnh nhân thường than phiền là mình đang mắc phải một bệnh nan y cần phải được điều trị và không tin tưởng vào kết luận của bác sĩ.
– Rối loạn đau: Bệnh nhân đau rất nhiều mặc dù không tìm thấy tổn thương thực thể. Đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau.
– Rối loạn sợ biến dạng cơ thể: Bệnh nhân thường bận tâm quá đáng vào các khuyết điểm của cơ thể do tưởng tượng hoặc do một khiếm khuyết nhỏ.
Ý nghĩa của triệu chứng
– Triệu chứng là thông điệp giao tiếp của bệnh nhân.
Ví dụ: Mẹ sinh em bé, không dành thời gian chăm sóc A. như trước đây. A. buồn phiền và ganh tỵ với em, cảm thấy bị bỏ rơi nhưng không nói được điều đó với cha mẹ và A. xuất hiện triệu chứng đau bụng. Triệu chứng này là thông điệp trẻ muốn nói với cha mẹ là con cần được quan tâm và yêu thương của cha mẹ.
– Triệu chứng là sự thay thế những điều bệnh nhân chưa hiểu được về chính mình, nhờ triệu chứng mà bệnh nhân thoát khỏi đau khổ.
Ví dụ: Như ví dụ về nữ sinh M. nghi mình là con nuôi ở trên. Vì gia đình có những điều mập mờ, khó giải thích, bệnh nhân không biết mình là ai, từ đâu tới. Điều đó gây nên sự đau khổ, và dần biến thành triệu chứng đau bụng. Nhờ có triệu chứng đau bụng, bệnh nhân thoát khỏi phần nào sự buồn bã đó. Một trường hợp khác, bệnh nhân C. có những đau khổ, bế tắc không giãi bày được, đã từng có suy nghĩ tự sát nhưng không thực hiện được. Thời gian sau, C. có những hoang tưởng. Hoang tưởng này là triệu chứng thay thế cho hành vi tự sát.
– Triệu chứng là biểu hiện của sự dồn nén, ức chế tâm lý của bệnh nhân.
Ví dụ: Trẻ vị thành niên có những cơn mệt, khó thở, mọi xét nghiệm y khoa đều không thấy bất thường. Tìm hiểu về gia đình thì biết thời gian nhỏ trẻ có sự cách xa mẹ quá sớm. Sự xa cách mẹ sớm này gây nên một sự khó khăn trong tâm lý của trẻ từ nhỏ, cứ dồn nén dần trong nội tâm. Khi đến tuổi vị thành niên, tâm (sinh) lý thay đổi, trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Đó là “cơ hội” cho những dồn nén trỗi dậy bằng những biểu hiện của bệnh về cơ thể (mệt, khó thở).
Nhìn chung, rối loạn dạng cơ thể không dẫn đến tử vong, nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, học tập của con người, và các mối quan hệ. Để phòng tránh rối loạn này, người bệnh cần được giao tiếp, chia sẻ với người khác những bức xúc, ức chế, đau khổ của mình.
Trị liệu
Bệnh nhân thường xuyên thay đổi bác sĩ vì thường không tìm ra nguyên nhân chính nào về y khoa. Các triệu chứng xuất hiện do các xung đột nội tâm. Những người không hiểu rõ về bệnh có cảm giác như bệnh nhân giả vờ. Bệnh nhân thường lo lắng về tình trạng bệnh tật của mình do bệnh kéo dài và không được điều trị thích hợp.
– Kết hợp giữa y khoa và tâm lý trị liệu để có kết quả tốt nhất.
– Đi tìm ý nghĩa của triệu chứng, triệu chứng mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân.
– Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ cuộc đời mình, đối mặt với những khó khăn và tìm cách giải quyết, thích nghi.
– Chú ý “lợi ích thứ phát” của bệnh. “Lợi ích thứ phát” có thể được hiểu là khi bị bệnh, bệnh nhân được mọi người quan tâm hơn trước đây. Từ đó trong vô thức, bệnh nhân sẽ duy trì triệu chứng để được quan tâm như thế mãi. Vì vậy, nếu không tìm cách giải quyết mối quan hệ trong gia đình hoặc những xung đột thì bệnh có thể tiến triển dai dẳng do các “lợi ích thứ phát” mà bệnh mang lại.
(*) Chuyên viên tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM
Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010 – Nguồn Phapluattp.vn
Originally posted 2011-02-05 01:09:30.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !