(ĐTĐ) – Khi trẻ bị đau nhức đầu thường ít có biểu hiện rõ rệt. Bé chỉ biết miêu tả như những gì bé cảm thấy, chẳng hạn như: “Mẹ ơi con thấy như có cái gì đó đang đè mạnh lên đầu con”. Có nhiều lý do có thể khiến trẻ nhỏ bị đau nhức đầu.
Phụ huynh cần hiểu rõ để ứng phó phù hợp. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp các phụ huynh nhận định một số trường hợp của trẻ và biết được khi nào cần đưa bé đến bác sĩ.
Bé có bị sốt không ?
Nếu có, hãy nghĩ ngay có thể bé đã bị một bệnh truyền nhiễm.
Bé có vừa mới chơi ngoài nắng không ?
Trời nắng có thể làm cho nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao. Tuy nhiên đôi khi, nhức đầu là dấu hiệu của việc cơ thể bị mất nước. Trường hợp này hãy làm dịu mát người bé bằng cách cho bé uống nhiều nước.
Đây là lần đầu tiên bé bị nhức đầu ?
Bạn hãy bảo con diễn tả cho bạn biết tình trạng đau đầu của bé. Hãy rà soát lại xem trước đây bé đã từng bị tình trạng như vậy bao giờ chưa. Trong khi bạn hỏi con, hãy chú ý đến giọng nói của bé: nếu bé giải thích với giọng nói bình tĩnh, bạn sẽ an lòng hơn vì tình trạng của con không quá nghiêm trọng.
Bé có vừa mới dùng máy vi tính hay tivi ?
Các báo động về các trò chơi bằng hình ảnh, phim ảnh không phải không có cơ sở. Các trò chơi này có thể khiến trẻ bị nhức đầu, cảm giác bị chóng mặt, và buồn nôn… Hãy yêu cầu con ngừng chơi các trò chơi này. Khuyến khích con vui chơi các hoạt động ngoài trời hay tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Tuy nhiên, nếu sau đó tình trạng đau nhức đầu vẫn lặp lại, bạn cần đưa bé đến bác sĩ nhãn khoa. Vì khi thị lực kém sẽ kéo theo những đau nhức khác trên cơ thể chứ không chỉ ảnh hưởng đến thị lực.
Bé có xanh xao? Có sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn ?
Nếu có thì có thể bé đã mắc phải chứng đau nửa đầu. Hãy cho bé nằm nghỉ ngay trong không gian yên tĩnh. Đừng ngạc nhiên khi việc đau nửa đầu ở trẻ em không giống như khi bạn hay những người lớn khác trong gia đình gặp phải. Chứng đau nửa đầu ở trẻ em thường khác với ở người lớn: “Thời gian đau sẽ ngắn hơn, chỉ khoảng trong 1 giờ đồng hồ, trong khi ở người lớn là từ 4 đến 72 giờ, đôi khi kèm thêm nôn mửa hay chóng mặt. Và, tình trạng đau thường sẽ biến mất sau khi bé được ngủ một giấc ngắn khoảng 20 phút” – bác sĩ Anne Donnet, thuộc khoa thần kinh, chuyên về các chứng đau đầu và đau nửa đầu ở Bệnh viện La Timone – Marseille – Pháp giải thích. Trường hợp trẻ không thể ngủ được, bạn có thể cho bé uống thuốc để giảm chứng đau đầu, có thể bắt đầu với thuốc Ibuprofène. Chỉ những trẻ trên 12 tuổi mới có thể dùng Triptan nhỏ theo đường mũi.
Bé có vừa bị té ngã không ?
Có thể bé vừa bị ngã vào đâu đó và bị va đập vào đầu mà không nói cho bạn biết. Bạn có thể hỏi con để biết việc gì vừa xảy ra mà bé chưa nói với bạn. Nếu đúng vậy, đừng chần chừ, hãy đưa con đi khám ngay.
Cổ bé có bị gồng cứng lên không ?
Nếu có thì phải nhanh chóng đi bác sĩ, vì đó có thể là triệu chứng có liên quan đến màng não.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Nếu tình trạng đau nhức đầu lặp lại nhiều lần ?
Nếu con bạn than đau nhức đầu nhiều lần, trong mọi trường hợp, bạn cần đưa bé đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bé, chẳng hạn những nguyên nhân như bé đã ăn quá nhiều, không điều độ, bé có vấn đề về răng miệng,… hoặc các nguyên nhân nghiêm trọng khác.
(Top Santé) – Nguồn Phunuonline.com.vn
Originally posted 2010-11-10 11:37:50.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !