(ĐTĐ) – Tê mỏi hạ chi, đau nhức bắp thịt dù không vận động, vọp bẻ về đêm khiến mất ngủ và nhất là cảm giác kiến bò rần rần dưới da là lý do khiến chất lượng sống giảm. Nguyên nhân được chỉ ra là do chứng viêm thần kinh ngoại biên – một ảnh hưởng của bệnh tiểu đường!
Lý do là vì viêm đa thần kinh ngoại biên thường không trầm trọng trước mắt đến độ phải gọi ngay xe cấp cứu, mặc dầu là bệnh lý đi kèm như hình với bóng trong bệnh tiểu đường. Đường huyết càng không ổn định, mạng lưới thần kinh ngoại biên càng dễ bị công kích bởi các phế phẩm sản sinh trong tiến trình rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo.
Thêm vào đó là rối loạn chất điện giải không mời cũng ăn theo. Hậu quả là dẫn truyền thần kinh khó có tiến độ và chất lượng như mong muốn. Bắp thịt ở tứ chi, đặc biệt là vùng bàn chân dễ thiếu máu do xa trái tim, khi đó khó tránh thiếu dưỡng khí cũng như dưỡng chất trong khi chất sinh đau nhức như acid uric, acid lactic… tích lũy càng lúc càng nhiều. Người bệnh tiểu đường nếu không đau đâu đó, không tê vùng nào đó ngoài da mới là chuyện lạ!
Cơ chế sinh bệnh tuy không quá phức tạp, nhưng thầy thuốc lại gặp trở ngại khi điều trị vì thuốc giảm đau tuy có tác dụng trước mắt nhưng thuốc lại làm tăng đường huyết, nghĩa là vô tình tiếp tay cho bệnh tiểu đường! Tình trạng đau nhức tê mỏi kéo dài là lý do khiến nạn nhân mất ngủ, trầm uất, suy nhược thần kinh… và là đòn bẩy để đường huyết càng lúc càng dao động thất thường.
Trước đây hai thập niên, ở CHLB Đức có khoảng 2,5 triệu người bệnh tiểu đường. Sau hơn hai mươi năm phát động phong trào phòng chống bệnh tiểu đường, ngành y tế ở Đức hiện nay đang phải đối đầu với thực tế cay đắng là không dưới 8 triệu người bệnh tiểu đường, nghĩa là tròm trèm 10% dân số – một con số đủ để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên cho bệnh tiểu đường là “cơn đại dịch của thế kỷ”!
Đáng nói hơn nữa là tỷ lệ di chứng của bệnh tiểu đường, từ mù mắt do thoái hóa võng mạc, bước qua suy thận cho đến trường hợp phải đoạn chi vì hoại tử, vẫn tăng chứ không giảm!
Bài học đó cho thấy ở nước mình đang cần thầy thuốc giỏi về bệnh tiểu đường, cần thông tin cho người chưa bệnh đến thế nào?
Nguồn Danviet.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !