ĐTĐ – “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” là chỉ các chứng đau ở mặt có liên quan tới dây thần kinh số V, chứng tỏ đau dây V là chứng bệnh rất khó chịu cho bệnh nhân và khó trị đối với thầy thuốc. Đau dây thần kinh số V là bệnh lý gặp khá nhiều trong cuộc sống, nhất là ở người cao tuổi.
Hình ảnh giải phẫu đường đi của dây thần kinh mặt. |
Dây thần kinh số V là dây thần kinh lớn, chi phối cảm giác cho toàn bộ da mặt kể từ chân tóc, niêm mạc miệng, mắt, mũi, tham gia vận động cho các cơ nhai và một số chức năng khác. Có 3 nhánh là nhánh mắt, hàm trên và hàm dưới tương ứng với 3 khu vực chi phối cảm giác.
Triệu chứng đau dây thần kinh số V
Khởi phát thường đau thành từng cơn, đột ngột bùng phát và kết thúc đột ngột. Cơn đau có thể tái đi tái lại hằng ngày, đôi khi cơn liên tiếp hoặc mất đi một thời gian dài rồi tái lại. Cơn đau phát sinh không rõ nguyên nhân hoặc khi có kích thích (cạo mặt, rửa mặt, nhai, nói, nhăn mặt, chạm vào mặt…), thường xuất hiện ban ngày, ít khi xảy ra vào ban đêm (vì trong giấc ngủ ít bị kích thích bên ngoài).
Nếu là đau dây thần kinh số V tiên phát thì thường khởi phát khi kích thích một vùng da nhất định ở mặt, đau thành cơn dữ dội từ 10-30 giây, khám không thấy dấu hiệu thương tổn dây V (sức cơ nhai bình thường, phản xạ giác mạc bình thường, không giảm cảm giác ở mặt). Nếu là đau dây thần kinh số V thứ phát thì cơn đau ít dữ dội, cơn đau xuất hiện trên cơ sở đau liên tục. Khám thấy có dấu hiệu tổn thương dây V (đặc biệt giác mạc bị mất cảm giác). Lúc đầu cơn đau kéo dài vài giây đến vài phút, sau kéo dài vài giờ.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Giai đoạn toàn phát thấy đau dữ dội như xé da, như luồng điện giật, như tia chớp, như dao đâm. Bệnh nhân khiếp đảm khi nhớ lại cảm giác đau kinh khủng trong cơn, đến nỗi khi kể bệnh nhân không dám chỉ vào vùng đau, e rằng sau đó sẽ gây ra cơn đau. Bệnh nhân lo lắng cơn đau trở lại và tìm mọi cách cắt cơn đau bằng cách ấn cạnh điểm đau, nghiến răng hoặc chớp mắt. Kèm theo cơn đau có thể thấy co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mũi, bệnh nhân sợ ánh sáng, tiếng động, gió mạnh vào mặt.
Đau ở một bên mặt khu trú ở vùng tương ứng khu vực giảm cảm giác theo các nhánh của dây V. Hay gặp nhất là nhánh hàm trên, nhiều khi bị chẩn đoán nhầm là bệnh lý răng, nhổ hết răng mà không hết đau, rất hiếm tổn thương nhánh mắt. Ngoại lệ mới thấy đau toàn bộ dây V. Bao giờ cũng đau ở một nhánh của dây V. Không có đau dây V luân phiên hai bên. Giữa các cơn đau bệnh nhân không cảm thấy đau đớn gì, thường không thấy dấu hiệu khách quan nào. Tổn thương nhánh mắt có giảm phản xạ giác mạc.
Nguyên nhân
Đau dây V thường gặp ở người tuổi từ 50 – 60. Hầu hết các trường hợp người ta không tìm thấy nguyên nhân. Có người cho là bệnh tiên phát hay bệnh vô căn. Một số trường hợp đau dây V thứ phát như: do u hạch Gasser, phình mạch não, bệnh lý vòm họng, u hậu nhãn cầu… Trường hợp đau thứ phát thường kết hợp với tổn thương các dây thần kinh sọ khác.
Thuốc điều trị
+ Dùng carbamazepin (biệt dược tegretol, tegretal, finlepsin, biston, neoroton, stazepin). Thực chất đây là thuốc điều trị động kinh, nhất là động kinh cục bộ. Thuốc có tác dụng tốt tới chứng đau dây V. Tác dụng phụ có thể thấy là choáng váng, buồn nôn (nhất là ở người cao tuổi, dùng lần đầu), đặc biệt tác dụng phụ chú ý nhất của thuốc này là gây dị ứng đỏ, rộp da toàn thân, thường xảy ra trong tuần đầu tiên sau dùng thuốc. Viên nén 200mg và 400mg để điều trị đau dây V, dùng liều tăng dần và ngừng ở liều thấp nhất có tác dụng.
Chống chỉ định: phụ nữ có thai (3 tháng đầu), block nhĩ thất, mẫn cảm với thuốc, suy gan, glocom, thiểu niệu.
+ Gabapentin là nhóm thuốc điều trị đau thần kinh. Bản chất đây là các thuốc chống co giật, nhưng có tác dụng giảm đau trong các trường hợp có tổn thương dây, rễ thần kinh, nhất là đau dây V. Vì có tác dụng lên thần kinh trung ương nên trong một số trường hợp bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng sau uống thuốc. Thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể dùng kéo dài vài tháng. Chưa thấy dị ứng gabapentin trên lâm sàng. Khi dùng carbamazepin và gabapentin không có tác dụng có thể điều trị kết hợp với một trong các thuốc sau:
+ Với thuốc chống động kinh cổ điển (diphenyl hydantoin – dyhydan).
+ Với thuốc chẹn beta giao cảm. Ví dụ: propranolol (biệt dược avlocardyl, anaprilil bétaryl). Thuốc có tác dụng làm giảm lưu lượng tim gây ra hạ huyết áp, chống đau thắt ngực và loạn nhịp tim, đã được dùng điều trị đau dây V. Thuốc có thể gây loét đường tiêu hóa, lên cơn hen nếu tiền sử có hen. Chống chỉ định: hen, loét dạ dày – tá tràng, block nhĩ thất và huyết áp thấp.
+ Amytriptylin: là thuốc chống trầm cảm, có tác dụng giảm kích thích tới trung tâm đau, giảm lo lắng, hồi hộp. Tác dụng phụ trên tim mạch và có tác dụng an thần nhẹ. Không dùng cho bệnh nhân có loạn nhịp tim.
– Diệt hạch Gasser bằng cồn 90 độ và bằng huyết thanh nóng: chỉ được sử dụng ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Tóm lại, đau dây thần kinh số V là bệnh khá thường gặp trong cuộc sống, nhất là ở người cao tuổi. Thường là đau nguyên phát và ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của bệnh nhân. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là khâu quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
(*) Khoa thần kinh – Bệnh viện 103
Originally posted 2010-08-16 15:27:23.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !