(ĐTĐ) – Rối loạn tăng động là bệnh lý thường gặp, chiếm tỉ lệ từ 3 – 6% ở trẻ em. Bệnh khởi phát sớm và thường gặp nhiều hơn ở các bé trai. Trẻ tăng động có các biểu hiện rối loạn trong các lĩnh vực: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém tập trung chú ý; từ đó gây nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt của trẻ.
Dấu hiệu nhận biết
Tăng động giảm chú ý là bệnh lấy đi khả năng tập trung và chú ý của trẻ. Trẻ bị tăng động luôn bồn chồn và dễ xao lãng. Kết quả là sẽ rất khó để yêu cầu trẻ lắng nghe cô giáo giảng hay hoàn thành tốt một việc việc nhà. Biểu hiện chính của tăng động giảm chú ý là không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Trẻ gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói, hướng dẫn; hoàn thành nhiệm vụ hay một sinh hoạt cá nhân nào đó. Trẻ cũng thường hay mơ mộng và thường mắc lỗi. Trẻ mắc bệnh có xu hướng tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung hay có thể gây ra sự buồn chán.
Trẻ có biểu hiện tăng động cần được khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
Một đặc điểm khác của chứng tăng động giảm chú ý là trẻ không thể ngồi yên một chỗ. Trẻ có thể chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ, dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào. Khi ngồi xuống, chúng có xu hướng ngọ ngoậy, bồn chồn hoặc nhún nhẩy. Một số trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ nói quá nhiều và thường khó chơi trong yên lặng.
Biểu hiện thứ 3 của tăng động giảm chú ý là tính bốc đồng, tức là thường xuyên cắt ngang, phá vỡ những thứ khác hay buột miệng trả lời trước khi giáo viên kết thúc câu hỏi. Biểu hiện này của chứng tăng động giảm chú ý cũng gây ra khó khăn khi trẻ phải chờ đợi hay suy nghĩ điều gì đó trước khi hành động.
Ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ
Nếu không điều trị, bệnh tăng động có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về mặt xã hội và trình độ học vấn của trẻ. Trẻ không thể tập trung trong công việc và học tập thường dẫn tới quá trình học không tốt ở trường.
Trẻ bị hiếu động thái quá, hay cắt ngang việc người khác có thể gây rắc rối trong việc kết bạn và giữ bạn. Sự tụt lùi này có thể dẫn tới sự tự ti và các hành vi có nguy cơ cao. Chứng tăng động giảm chú ý cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm và các rối loạn lo âu ở trẻ.
Cần điều trị kịp thời
Trẻ em bị rối loạn tăng động dễ xảy ra tai nạn tại trường cũng như tại nhà và ảnh hưởng xấu đến các trẻ bình thường khác. Do đó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn.
Việc điều trị hiện nay gồm can thiệp về tâm lý và hành vi (chẳng hạn như cải thiện môi trường học tập, làm việc); việc dùng thuốc cũng có cơ sở khoa học nhưng vì là bệnh có tính gia đình và trên não bộ của người bệnh có những bất thường về cấu trúc và hoạt động nên việc dùng thuốc điều trị cần có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh tăng động cần nhanh chóng đưa đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xử trí kịp thời, hiệu quả.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !