(ĐTĐ) – Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Nguyên nhân chưa rõ ràng
Tự kỷ là một loại bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Một số giả thiết cho rằng, tự kỷ có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.
Nhiều ý kiến cho rằng, tự kỷ là do bất thường về gen và cấu trúc não của trẻ không bình thường (tiểu não nhỏ, các nhân não bất thường…), thiếu các chất sinh hóa trong não (ví dụ như lượng sereton). Các gen bất thường kết hợp với nhau từ khi hình thành bào thai nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp phát hiện được tự kỷ từ trong bào thai.
Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp sớm. Ảnh minh họa
Phát hiện thế nào?
Bệnh tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường được phát hiện muộn hơn. Bố mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con mình vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như diễn ra bình thường. Các cháu vẫn có vẻ ngoài dễ thương hiền lành, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt. Chỉ đến khi đã hơn 2 tuổi mà không chịu nói gì hoặc không nói nữa (nếu trước đó đã bập bẹ vài từ) và có vài ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi, cha mẹ mới nghi ngờ về sự phát triển của con mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ cho đó là biểu hiện của cá tính của trẻ hoặc không chấp nhận thực tế con mình có thể mắc bệnh tự kỷ nên kiên quyết không đưa con đi khám.
Để phát hiện sớm, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc tự kỷ như sau:
– Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ. Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi, không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.
– Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14 – 16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện…
– Rất ít hứng thú kết bạn. Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi. Không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay. Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên. Rất ít hoặc không có tiếp xúc mắt. Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.
– Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc. Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể. Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường. Không thích người khác động chạm vào người.
Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ em bình thường, nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy một số dấu hiệu xuất hiện đồng thời và dai dẳng, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra hoạt động thần kinh, não và gặp các nhà chuyên môn về tâm lý để được can thiệp sớm. Việc phát hiện muộn bệnh tự kỷ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng tương tác xã hội của trẻ.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Can thiệp sớm để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng
Trẻ bị tự kỷ cần được can thiệp sớm trong 5 năm đầu nhằm kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ làm giảm nhẹ hay khắc phục những khuyết tật của trẻ, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để trẻ có cơ hội học tập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt, dễ hòa nhập hơn với cộng đồng.
Biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ bao gồm: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân. Trẻ tự kỷ cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ được hướng dẫn, tư vấn để hỗ trợ trẻ ngay tại gia đình và cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất. Việc can thiệp có thể không dừng lại ở 5 tuổi mà có thể kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ. Sự cảm thông thấu hiểu của gia đình và xã hội là một trong những phương pháp điều trị về mặt tâm lý rất tốt, có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả điều trị của trẻ tự kỷ.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !