Đánh giá chức năng hô hấp là xét nghiệm đo chức năng hô hấp có vị trí đặc biệt quan trọng trong phục hồi chức năng hô hấp. Kết quả xét nghiệm cho các thông tin về các chỉ số chức năng hô hấp của người bệnh, xác định được kiểu rối loạn thông khí và mức độ các kiểu rối loạn thông khí từ nhẹ đến nặng.
I. CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG HÔ HẤP
1. Thể tích khí lưu thông (Tidal Volume – TV): là lượng khí hít vào, thở ra trong 1 nhịp thở bình thường.
– Ở người khỏe mạnh TV từ 0,3 – 0,7 lít (trung bình: 0,5 lít), và bằng 12% VC.
– Thể tích này tăng trong khi làm việc gắng sức, lao động nặng, và giảm trong nhịp thở nhanh nông.
2. Tần số hô hấp: là số nhịp thở tính trong 1 phút.
– Người lớn: 12 – 16 nhịp/phút
– Vận động viên: 6 – 8 nhịp/phút
– Trẻ < 8 tuổi: 23 – 25 nhịp/phút
– Trẻ > 8 tuổi: 22 – 24 nhịp/phút
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
3. Các kiểu hô hấp
– Kiểu thở nhanh nông.
– Kiểu thở Cheynes Stock.
– Kiểu thở Kussmaul (thở vào – ngừng thở – thở ra).
– Kiểu thở Apnee (ngừng hô hấp ở thì thở ra).
– Kiểu thở Apneusis (ngừng thở ở thì thở vào).
– Kiểu thở Apneustique Respiration (bị ngắt khi thở ra).
– Kiểu thở Gaspa (ngáp cá – hít vào cố, co cứng đột ngột và kết thúc cũng đột ngột, có thể đều nhịp nhàng).
– Kiểu thở Biot (bệnh nhân viêm màng não) thở không đều, có giai đoạn ngừng thở.
II. Ý NGHĨA CÁC CHỈ SỐ HÔ HẤP
A. CÁC CHỈ SỐ HÔ HẤP
1. Các thể tích hô hấp
1.1. Thể tích khí lưu thông (Tidal Volume – TV) (V)
Thể tích khí lưu thông là thể tích khí của một lần hít vào và thở ra bình thường. Ở người lớn trưởng thành, bình thường thể tích khí lưu thông khoảng 500m.
1.2. Thể tích dự trữ hít vào (V) (Inspirratorry Reserrve Volume – IRV).
Thể tích dự trữ hít vào là thể tích hít vào thêm tối đa sau khi đã hít vào bình thường. Thể tích này ở người bình thường khoảng 1500-2000 ml, chiếm khoảng 56% dung tích sống.
1.3. Thể tích dự trữ thở ra (Expiratory Reserve Volume – ERV) (V)
Thể tích dự trữ thở ra là thể tích khí thở ra thêm được tối đa sau khi đã thở ra bình thường. Thể tích này ở người bình thường khoảng 1100- 1500 ml, chiếm 32% dung tích sống.
1.4. Thể tích khí cặn (Residual Volume – RV) (V)
Thể tích khí cặn là thể tích khí còn lại trong phổi sau khi đã thở ra tối đa. Bình thường thể tích khí cặn khoảng 1000-1200ml.
2. Các dung tích hô hấp (L)
Dung tích hô hấp là tổng của 2 hay nhiều thể tích thở. Ký hiệu C.
2.1. Dung tích sống (L) (Vital Capacity: VC hoặc SVC còn gọi dung tích sống thở chậm). Là thể tích lớn nhất mà người ta có thể huy động được bằng cách thở ra hết sức, sau khi đã hít vào tối đa. Là tổng của thể tích khí lưu thông + thể tích dự trữ hít vào và thể tích dự trữ thở ra: VC = VT + IRV + ERV.
Là chỉ số quan trọng để đánh giá dung tích phổi. Người Việt Nam bình thường ở tuổi trưởng thành VC khoảng 3,5 đến 4,5 lít ở nam giới và 2,5 đến 3,5 lít ở nữ giới. Thường dùng để xác định hội chứng hạn chế khi VC < 80% số LT.
2.2. Dung tích sống thở mạnh (Forced Vital Capcity – FVC) (L). Còn gọi là dung tích sống gắng sức. Dung tích sống thở mạnh là thể tích khí thu được khi ta hít vào thật tối đa rồi thở ra thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức.
Là chỉ số rất quan trọng để đánh giá dung tích phổi.
Người bình thường FVC bằng VC, sự khác biệt không có ý nghĩa. Ở những người có tắc nghẽn đường thở FVC tụt xuống thấp hơn VC. Do vậy, để đánh giá các rối loạn thông khí phổi cần được đo cả VC và FVC, sự tương quan số đo được của 2 chỉ số này với FEV1 đo được trên cùng một bệnh nhân có giá trị chẩn đoán và ứng dụng lâm sàng quan trọng, được xem là yếu tố hàng đầu khi đánh giá chức năng thông khí phổi (xem xét thêm ở phần sau).
Cách đo FVC cũng như VC chỉ khác là khi thở ra hết sức phải thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức.
2.3. Dung tích hít vào (Inspiratory Capcity – IC) (L)
Bao gồm thể tích khí lưu thông và thể tích khí dự trữ hít vào: IC = TV + IRV.
Dung tích hít vào thể hiện khả năng hô hấp thích ứng với nhu cầu cung cấp oxy tăng lên của cơ thể. Bình thường IC vào khoảng 2000 – 2500 ml.
Đo IC bằng cách hít vào hết sức sau khi thở ra bình thường.
2.4. Dung tích cặn chức năng (L) (Functional Residual Capacity- FRC)
Bao gồm thể tích khí cặn và thể tích dự trữ thở ra:
FRC = RV + ERV
Bình thường FRC vào khoảng 2000ml đến 3000ml. Dung tích cặn chức năng có ý nghĩa rất quan trọng vì chính lượng khí này được pha trộn với lượng không khí mới hít vào tạo thành hỗn hợp khí sau khi pha trộn sẽ không làm nồng độ O2 trao đổi bị thay đổi quá lớn sau mỗi lần hô hấp.
Dung tích cặn chức năng càng lớn thì nồng độ O2 ở đó càng thấp, mức độ trao đổi khí với máu giảm không có lợi cho cơ thể.
Dung tích cặn chức năng tăng lên trong một số trường hợp bệnh gây khí phế thũng phổi, hoặc giãn phế nang như trong bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh bụi phổi ở giai đoạn nặng.
Để đo được FRC người ta dùng phương pháp thể tích ký toàn thân, hoặc phương pháp pha loãng heli, yêu cầu cần có máy móc và các thiết bị tương đối phức tạp.
2.5. Dung tích toàn phổi (L) (Total Lung Capacity- TLC)
Dung tích toàn phổi là số lít khí có trong phổi sau khi đã hít vào tối đa, bao gồm dung tích sống và thể tích khí cặn:
TLC=VC + RV
Bình thường TLC khoảng 5 lít, thể hiện khả năng chứa đựng của phổi. Đây là thông số quan trọng để đánh giá các rối loạn thông khí của phổi. TLC tăng trong các bệnh phổi mạn tính (COPD, khí phế thũng, giãn phế nang…).
3. Các lưu lượng thở (L/s)
Là số lượng thể tích khí di chuyển trong 1 đơn vị thời gian, đơn vị tính L/s. Còn được gọi là tốc độ dòng thở. Lưu lượng thở phụ thuộc vào sự thông thoáng của đường giãn khí, tính đàn hồi của phổi và lồng ngực.
Có giá trị chẩn đoán trên lâm sàng chủ yếu là các lưu lượng khí trong quá trình thở ra.
3.1. Thể tích thở ra gắng sức trong một giây đầu ( L)
(Forced Expiratory Volume in the first second – FEV1)
Là thể tích khí lớn nhất có thể thở ra được trong một giây đầu tiên. Là chỉ số thông dụng và có nhiều ứng dụng trong thực tiễn.
Ở một người bình thường FEV1 chiếm khoảng 80% dung tích sống, được dùng để đánh giá khả năng làm việc của phổi, mức độ đàn hồi của phổi, của lồng ngực và cơ hoành cũng như độ thông thoáng của đường hô hấp. FEV1 được sử dụng như là một chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sự tắc nghẽn của đường dẫn khí, khi FEV1 < 80%, là có hội chứng tắc nghẽn.
Trị số FEV1 còn được dùng để đánh giá các rối loạn chức năng thông khí phổi dưới dạng tương quan % so với VC và FVC (xem phần các chỉ số dưới đây).
3.2. Các thể tích thở ra gắng sức ở những thời điểm khác nhau: (L/s) 1 giây, 2 giây, 3 giây… được ký hiệu lần lượt là FEV1, FEV2, FEV3…
3.3. Lưu lượng quãng giữa của FVC (L/s) (MMEF: Maximal mid Expiratory Flow)
Là lưu lượng trung bình của quá trình thở ra mạnh bắt đầu từ vị trí 25% của FVC đến vị trí 75% của FVC. Chỉ số này hiện nay được sử dụng rộng rãi, coi là có độ nhạy cao trong phát hiện sớm mức độ tắc nghẽn, khi các rối loạn còn ít.
Chỉ số này rất có giá trị trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cho phép đánh giá sớm các rối loạn thông khí, khi mới chỉ bắt đầu ở các đường thở nhỏ ngoại vi, lúc này chỉ số FEV1 và các chỉ số khác vẫn còn có giá trị bình thường. Từ đó có lời khuyên hiệu quả cho người bệnh về các phương pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển (dùng thuốc y học cổ truyền, phục hồi chức năng hô hấp…).
FEF25-75 < 70% số LT được coi là bất thường.
3.4. Các lưu lượng tức thì (còn được gọi là lưu lượng tối đa hoặc lưu lượng thở ra gắng sức tại một điểm xác định của FVC – Forced expiratory flow of FVC)
Gồm có:
3.4.1. Lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 75% của FVC (L/s)
( Ký hiệu là FEF 25 hoặc MEF75)
3.4.2. Lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 50% của FVC (L/s)
(Ký hiệu là FEF50 hoặc MEF50)
3.4.3. Lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 25% của FVC (L/s)
(Ký hiệu là FEF75 hoặc MEF25)
3.5. Lưu lượng thở ra đỉnh (Peak Expiratory Flow- PEF) L/s)
Thường được gọi là lưu lượng đỉnh hay tốc độ dòng thở ra cực đại. Là lưu lượng có giá trị cao nhất ở 1/10 giây đầu tiên khi thở ra thật nhanh. Bình thường PEF có giá trị gần bằng dung tích toàn phổi, PEF phụ thuộc rất nhiều vào khả năng gắng sức của đối tượng. Do đó một xét nghiệm thông khí phổi không đạt được các yêu cầu kỹ thuật chỉ là sự lãng phí vì không có giá trị chẩn đoán lâm sàng.
Khi PEF giảm < 80% số lý thuyết là có sự tắc nghẽn của đường dẫn khí. Chỉ số PEF được dùng để đánh giá chức năng hô hấp của bệnh nhân hen. Hiện nay, người ta sử dụng một thiết bị đơn giản đo PEF hay còn gọi là lưu lượng đỉnh kế. Người bệnh có thể đo PEF thường xuyên ở nhà nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của cơn hen và việc theo dõi PEF cho phép đánh giá đúng tình trạng bệnh và sự đáp ứng của người bệnh khi sử dụng các thuốc hen.
Ở bệnh nhân hen nếu PEF > 80% người bệnh có thể yên tâm duy trì liều thuốc đang sử dụng, nếu PEF dao động từ 60 đến 80%, người bệnh cần phải có tư vấn của bác sĩ về liều lượng thuốc đang sử dụng, nếu PEF < 60% cần phải đến bác sĩ ngay để có kế hoạch điều trị thích hợp.
3.6. Lưu lượng hít vào đỉnh (L/s) (Peak Inspiratory Flow- PIF)
Là lưu lượng cao nhất trong lúc hít vào, thường được dùng để đánh giá tắc nghẽn đường hô hấp trên.
4. Chỉ số Tiffeneau (%)
Là tỷ lệ FEV1/VC (tính bằng %) được coi là chỉ số cho phép xác định hội chứng tắc nghẽn nếu < 75%. Chỉ số này phụ thuộc vào tính đàn hồi của phổi, lồng ngực và cơ hoành, mức độ thông thoáng của đường dẫn khí.
5. Chỉ số Gaensler (%)
Là tỷ lệ FEV1/FVC (tính bằng %) được dùng như chỉ số Tiffeneau.
Ở người bình thường VC và FVC tương tự nhau, cho nên tỷ lệ FEV1/VC cũng tương tự FEV1/FVC (sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê). Ở người có chít hẹp đường thở, hạn chế đường thở ra thì FVC sẽ giảm nhiều hơn VC, ở những người này càng thở ra mạnh thì FVC càng tụt xuống thấp hơn VC và tỷ lệ FEV1/FVC sẽ trở nên cao hơn FEV1/VC. Do vậy, ở người có tắc nghẽn đường dẫn khí rất cần thận trọng khi sử dụng tỷ lệ Gaensler, nhất là trong tắc nghẽn nặng.
B. XÁC ĐỊNH HỘI CHỨNG RỐI LOẠN THÔNG KHÍ
1. Xác định có hội chứng rối loạn thông khí tắc nghẽn khi
– Chỉ số Tifeneau FEV1/VC < 75 %.
– Hoặc Gaensler FEV1/FVC < 75%.
– FEV1 < 80% số lý thuyết.
Mức độ tắc nghẽn được phân chia theo % FEV1 so với số lý thuyết:
– 60% < FEV1 < 80% : tắc nghẽn nhẹ
– 40% < FEV1 < 60% : tắc nghẽn trung bình
– FEV1 < 40% : tắc nghẽn nặng
Khi được xác định có rối loạn thông khí tắc nghẽn một xét nghiệm cần được tiến hành là test hồi phục phế quản, để đánh giá tình trạng của đường dẫn khí còn hồi phục hay không hồi phục.
2. Xác định hội chứng rối loạn thông khí hạn chế khi
– VC, FVC < 80% số lý thuyết.
– FEV1/VC > 75% hoặc FEV1/FVC > 75%.
Phân loại mức độ hạn chế theo VC (FVC) so với số lý thuyết:
– 60% < VC < 80% : hạn chế nhẹ
– 40% < VC < 60% : hạn chế trung bình
– VC < 40% : hạn chế nặng
3. Xác định hội chứng rối loạn thông khí hỗn hợp
Khi có cả hai hội chứng tắc nghẽn và hội chứng hạn chế trên một kết quả đo.
– VC < 80% số lý thuyết.
– FEV1/VC < 75% hoặc FEV1/FVC < 75%.
Do vậy khi đã xác định có rối loạn thông khí hỗn hợp thì xét nghiệm cần được tiến hành tiếp theo cũng chính là test hồi phục phế quản, để đánh giá tình trạng đáp ứng đường dẫn khí của người bệnh phục vụ cho chẩn đoán lâm sàng.
4. Test hồi phục phế quản
4.1. Mục đích
– Xác định sự tắc nghẽn của phế quản có thể còn hồi phục được hay không còn hồi phục được. Bởi sự đáp ứng của phế quản bằng việc giãn cơ trơn đường thở dưới ảnh hưởng của thuốc giãn phế quản sẽ làm tăng khẩu kính đường thở dẫn đến tăng thông khí phổi.
– Test được thực hiện để so sánh kết quả Fev1 trước và sau khi chỉ định dùng thuốc giãn phế quản (thời gian 20”).
– Thuốc sử dụng theo hướng dẫn của GINA là Salbutamol dạng bình xịt định liều 100mcg cho 1 lần xịt. Liều sử dụng là 200 mcg – 400 mcg cho 1 lần thực hiện test.
Dùng thuốc qua buồng đệm Spacer, ở những nơi không có buồng đệm có thể dùng bình xịt trực tiếp, yêu cầu các bước sử dụng bình xịt định liều phải đúng phương pháp thì kết quả thu được mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
– Áp dụng cho tất cả các đối tượng có chỉ số Gaensler FEV1 / FVC) < 70% và FEV1 < 80% số lý thuyết.
4.2. Tiến hành đo test hồi phục phế quản
– Bước 1: đo FEV1 trước test, các bước được tiến hành như đo FVC.
– Bước 2: hướng dẫn người bệnh hít thở qua buồng đệm hoặc hít trực tiếp qua bình xịt định liều với bình xịt Salbutamol liều 400 mcg trong 15-20 phút.
– Phải hướng dẫn người bệnh cùng phối hợp theo các bước để thuốc có thể vào được phổi tối đa nhất.
– Bước 3: sau 20 phút đo FEV1 lần 2, các bước được tiến hành như đo FVC.
– Bước 4: in kết quả.
– Bước 5: nhận định kết quả.
+ Nếu FEV1 lần 2 tăng hơn lần 1 ≥ 200 ml hoặc FEV1 tăng ≥ 12 % test được kết luận là dương tính.
+ Nếu FEV1 lần 2 không tăng hoặc tăng so với lần 1 < 200 ml, hoặc tăng < 12% test được kết luận âm tính.
Originally posted 2017-12-24 01:03:50.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !