(ĐTĐ) – SKĐS – Những năm trước đây, bệnh tay-chân-miệng (TCM) chỉ gặp ở các tỉnh phía Nam nước ta, nhưng mấy năm gần đây, bệnh này có xu hướng tiến ra phía Bắc và hiện tại……
Những năm trước đây, bệnh tay-chân-miệng (TCM) chỉ gặp ở các tỉnh phía Nam nước ta, nhưng mấy năm gần đây, bệnh này có xu hướng tiến ra phía Bắc và hiện tại, Hà Nội xuất hiện rải rác ở một số quận, huyện. Bệnh TCM là do Enterovirus gây ra, typ virut hay gặp là A16, nhưng đáng lưu ý nhất là typ EV71 vì typ này gây nhiều biến chứng nguy hiểm do chúng có độc tính rất mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng. Vì vậy, việc phòng và khống chế bệnh TCM là hết sức cần thiết.
Mọi lứa tuổi có thể bị nhiễm Enterovirus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus. Thống kê cho thấy trẻ nhũ nhi, trẻ em và ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh TCM.
Rửa tay là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Nhận biết bệnh TCM
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 – 7 ngày. Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Các ban đỏ này có thể hình thành các bọng nước. Đặc điểm của bệnh TCM là các ban, bọng nước thường xuất hiện ở tay, chân, gan bàn tay, gan bàn chân, mông và đùi. Các bọng nước ở miệng thường vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ không dám ăn cho nên trẻ gầy sút nhanh. Khi các bọng nước ở tay, chân vỡ ra, nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh phức tạp thêm.
Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ qua khỏi nhưng có một số nếu do typ EV71 gây ra, có thể bệnh diễn biến phức tạp hơn. Virut sẽ làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thể hiện một bệnh viêm màng não điển hình. Biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt. Tiên lượng đối với bệnh TCM tuỳ thuộc vào căn nguyên gây bệnh là do typ A16 hay do typ EV71. Nếu do typ A16, thường là bệnh nhẹ và có thể tự khỏi sau từ 7 – 10 ngày, nhưng do typ EV71 thì có thể có biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim cấp hoặc viêm màng não, thậm chí gây tử vong.
Có phòng tránh được không?
Để phòng bệnh TCM, người dân cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt cho trẻ, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi (lứa tuổi mắc bệnh này nhiều nhất hằng năm). Đây là một bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của trẻ bị bệnh TCM. Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM, nên cho trẻ ở nhà, không cho trẻ đến lớp, không cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ nghi bị bệnh TCM.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu (chưa có vaccin) cho nên cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng. Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ bị bệnh TCM sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hoá chất cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành. Các chất thải của trẻ bị TCM cần quản lý thật tốt không để vương vãi ra môi trường xung quanh.
Khi trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường (sốt cao, tiêu chảy…), cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là khoa Nhi, bệnh viện Nhi hoặc các cơ sở khám, điều trị bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nhân TCM nên ăn uống thế nào?
Cần cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng mà thường ngày trẻ ưa thích. Không nên cho trẻ ăn thức ăn rắn, cay, nóng và không làm đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ làm cho trẻ càng đau miệng thêm và trẻ sẽ sợ hãi không dám ăn. Nếu để xảy ra những sai sót như vậy, vô hình trung trẻ sẽ bị gầy sút ảnh hưởng đến sự hình thành kháng thể của trẻ.
Cần cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả tươi, sữa, nếu trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và tăng thời lượng bú. Nếu trẻ sốt cao, cần cho trẻ uống thêm dung dịch Oresol (ORS), lau mát cho trẻ. Nếu trẻ vẫn sốt trên 38 độ, có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol đơn chất, liều trung bình không vượt quá 10mg/kg cân nặng của trẻ và cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !