SKĐS – Khống chế dịch bệnh thành công, đi đầu trong khu vực Mekong về loại trừ Sốt rét, chương trình phòng chống Lao là một trong những chương trình tốt nhất khu vực, thành tựu đạt bao phủ bảo hiểm y tế, Việt Nam một mô hình thành công để chia sẻ với nhiều nước là nhận định của TS. Mark Dybul, Giám đốc Quỹ Toàn cầu. Đó cũng là nhận định chung của GS. Francois Barre-Sinoussi, người đoạt giải Nobel Y học 2008 và có nhiều kỷ niệm gắn bó với Việt Nam cũng như Đại sứ HIV và bệnh truyền nhiễm Michele Boccoz.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho GS. Francois Barre-Sinoussi, người đoạt giải Nobel 2008 và có nhiều năm gắn bó với Việt Nam
Ngày 6.3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp đoàn đại biểu Quỹ Toàn cầu (Global Fund) tới thăm và làm việc tại Bộ Y tế. Dẫn đầu đoàn đại biểu là ông Mark Dybul – Giám đốc Quỹ Toàn cầu; GS. Francoise Barre-Sinoussi, Giải Nobel Y học năm 2008, Cố vấn cao cấp Viện Pasteur Paris và bà Michele Boccoz, Đại sứ HIV và bệnh truyền nhiễm, thành viên Ban điều hành Quỹ Toàn cầu.
Tại buổi tiếp, ông Mark Dybul, Giám đốc Quỹ Toàn cầu (Global Fund) đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét trong thời gian vừa qua, đồng thời đánh giá cao việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn viện trợ của Quỹ Toàn cầu cho 3 bệnh với kết quả cụ thể bao gồm: Đại dịch HIV được kiểm soát với tỷ lệ tử vong và ca nhiễm mới giảm; Giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh Lao; Bệnh sốt rét tiến vào giai đoạn tiền loại trừ.
GS. Francoise Barre-Sinoussi, Giải Nobel Y học năm 2008, Cố vấn cao cấp Viện Pasteur Paris và bà Michele Boccoz, Đại sứ HIV và bệnh truyền nhiễm, thành viên Ban điều hành Quỹ Toàn cầu cũng đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu của Việt Nam trong loại trừ 3 căn bệnh nói trên và coi Việt Nam là một mô hình tốt.
Nhân dịp này, ngài Mark Dybul cũng gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng về những nỗ lực to lớn trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam. Ông Mark Dybul cũng nhấn mạnh Việt Nam được coi là hình mẫu cho các quốc gia nhận viện trợ khác trong việc thiết kế và quản lý các chương trình sức khỏe thành công với chi phí hiệu quả.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Các thành viên của Quỹ Toàn cầu (Global Fund) trong buổi làm việc với Bộ Y tế 6.3.2017
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn sự đóng góp to lớn của Quỹ Toàn cầu trong thời gian vừa qua dành cho ngành y tế Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu các vấn đề như HIV cần giải pháp mới, methadone chưa đạt kết quả như mong muốn; lao đa kháng thuốc và tỷ lệ tử vong do lao kháng thuốc vẫn cao. Bộ trưởng cũng mong muốn Quỹ Toàn cầu hỗ trợ Việt Nam trong việc mua thẻ BHYT cho người dân để điều trị các bệnh trên. Ngoài ra, còn vấn đề tăng cường hệ thống y tế và y tế cơ sở, phòng ngừa bệnh không lây (NCDs) góp phần tương tác đạt chỉ tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như giảm tỷ lệ đái tháo đường cũng góp phần giảm tỷ lệ tử vong do lao.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc cùng Quỹ Toàn cầu ngày 6.3.2017
Bộ trưởng một lần nữa gửi lời cảm ơn tới Quỹ Toàn cầu, nước Pháp- nhà tài trợ lớn thứ hai trong Quỹ Toàn cầu và Viện Pasteur Paris và bà Francois Barre-Sinoussi, người đã đến với Việt Nam từ ca đầu tiên phát hiện HIV ở Việt Nam. Bà là người đã dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Global Fund qua 15 năm sát cánh cùng Việt Nam.
Giám đốc Quỹ Toàn cầu Mark Dybul nhận định về thành tựu y tế Việt Nam
“Tôi xin khẳng định sự hợp tác, sự thống nhất trong vai trò hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, và đặc biệt là nước Pháp, nhà tài trợ lớn thứ hai trong Quỹ Toàn cầu với các hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam.
Sắp tới kỷ niệm 15 năm quan hệ giữa Quỹ Toàn cầu (Global Fund) và Việt Nam, Quỹ Toàn cầu nhận thấy trong vòng 15 năm qua, Việt Nam có những thành tựu trong khống chế dịch bệnh, cải thiện nền kinh tế nói chung và đạt được những thành công đáng kể. Về HIV/AIDS, Việt Nam đã mở rộng số lượng người được điều trị, giảm số lượng người mắc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho TS. Mark Dybul, Giám đốc Quỹ Toàn cầu
Đối với bệnh Lao, Chương trình phòng chống Quốc gia của Việt Nam là một trong những chương trình tốt nhất trong khu vực, và cũng có những nỗ lực trong giảm Lao đa kháng.
Trong cuộc trao đổi với 7 Bộ trưởng Y tế của các nước Đông Âu, tôi cũng đã chia sẻ về thành công của Việt Nam mà các nước có thể tham khảo với Bộ Y tế Việt Nam về phương pháp điều trị.
Xin chúc mừng Việt Nam đã đạt thành tựu bao phủ y tế nói chung. Đây là bước tiến của Việt Nam trong bao phủ y tế toàn dân, tăng cường chăm sóc sức khỏe y tế cũng như mục tiêu cho Lao và Sốt rét.
Về sốt rét, Việt Nam đi đầu trong khu vực Mekong về loại trừ Sốt rét. Trường hợp của Việt Nam rất thành công. Chúng ta cũng cần tăng cường ngân sách quốc gia và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam.
Việt Nam là một mô hình thành công liên quan tới loại trừ sốt rét, lao đa kháng thuốc,…”
Đảm bảo nguồn lực phát triển bền vững cho công tác phòng chống Lao, Sốt rét và HIV/AIDS
Quỹ Toàn cầu (Global Fund) đánh giá cao sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ Việt Nam cho chương trình điều trị ARV thông qua chương trình Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của Việt Nam. Quỹ Toàn cầu cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Lộ trình bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân thông qua chương trình phòng, chống HIV/AIDS cụ thể bằng việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.
Tháng 5 năm 2016, PEPFAR cũng đã đệ trình kế hoạch chuyển giao thuốc ARV, methadone, đo tải lượng virus, sinh phẩm CD4. Quỹ Toàn cầu cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng để tiếp nhận các bệnh nhân vào chăm sóc điều trị trong chương trình của PEPFAR.
Bộ trưởng Y tế trao quà lưu niệm cho bà Michele Boccoz, Đại sứ HIV và bệnh truyền nhiễm
“Sau thời gian 10 năm quay trở lại Việt Nam, tôi thấy đã có rất nhiều thay đổi đối với Việt Nam và ngành y tế Việt Nam, đặc biệt dưới sự lãnh đạo rất sít sao từ phía Bộ trưởng, lãnh đạo ngành y tế. Và tôi cho rằng là y tế Việt Nam cũng là một mô hình cho các quốc gia khác học tập. Pháp là nhà tài trợ thứ 2 trong Quỹ Toàn cầu, và tôi rất quan tâm sít sao tới hoạt động triển khai trong hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu….”
Bà Michele Boccoz, Đại sứ HIV và bệnh truyền nhiễm, thành viên Ban điều hành Quỹ Toàn cầu
Đối với chương trình phòng chống Sốt rét, Quỹ Toàn cầu bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước đi đầu trong khu vực Mekong trong việc thực hiện mục tiêu Loại trừ Sốt rét trước năm 2030 như cam kết tại Hội nghị kế hoạch chiến lược 2016-2020 của Liên minh châu Á-Thái Bình Dương chống bệnh Sốt rét (APLMA) mà Việt Nam và Australia là đồng chủ tịch. Trong năm 2016, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong các nước khu vực tiểu vùng sông Mekong (3 trường hợp tử vong do sốt rét). Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tăng cường nguồn vốn đầu tư bền vững để duy trì các kết quả đã đạt được cũng như mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc cùng Quỹ Toàn cầu ngày 6.3.2017
Đối với chương trình phòng chống Lao: Chương trình phòng chống Lao quốc gia của Việt Nam được xem như là một trong những chương trình thành công nhất trên thế giới và tỷ lệ mắc Lao đã được giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình hình Lao Đa kháng thuốc vẫn còn là thách thức lớn đối với Việt Nam và Quỹ Toàn cầu. Quỹ Toàn cầu hy vọng các chi phí thanh toán cho chẩn đoán và điều trị của người bệnh sẽ sớm được đưa vào chương trình BHYT của Việt Nam.
Nguyễn Vân
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !