SKĐS – Ngày 10.4, TS. Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Y tế Việt Nam.
Clip Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO và TS. Shin Young-Soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. (Video: BV)
Tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế đã tiếp đón bà cùng đoàn đại biểu Tổ chức Y tế Thế giới. Cùng đi với TS. Margaret Chan còn có TS. Shin Young-Soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO và ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho TS. Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Tại buổi tiếp đón, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi tới TS. Margaret Chan lời cảm ơn trân trọng tới Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan chuyên môn y tế cao nhất của Liên Hợp Quốc đã hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong 10 năm qua, WHO đã và đang nỗ lực vì một thế giới khỏe mạnh hơn. WHO lấy thế mạnh của mình làm đòn bẩy để tạo dựng sự hợp tác, xây dựng niềm tin thế giới có thể đạt mục tiêu chung. WHO xây dựng chính sách bao phủ y tế toàn dân là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững, chuyển trọng tâm từ kiểm soát dịch bệnh sang sức khỏe tổng quan; chuyển từ can thiệp kỹ thuật sang tư vấn chính sách, ưu tiên an ninh sức khỏe toàn cầu và tạo dựng hợp tác chiến lược mới. WHO đã phối hợp với các đối tác toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia đạt được những thành quả ấn tượng về chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia và cộng đồng. 10 năm qua, WHO đã ứng phó tốt hơn với khủng hoảng dịch bệnh và thảm họa, nâng cao sức khỏe và nâng cao tuổi thọ người dân.
“Người gác cổng” cho hệ thống y tế
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong thời gian tới (Kế hoạch Phát triển Y tế giai đoạn 2016-2020), Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, công bằng và bền vững; củng cố và nâng cao hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường bảo vệ tài chính hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao sức khỏe thể chất của người dân.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho TS. Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt một số thành tựu y tế trong lĩnh vực ghép tạng, nội soi, tế bào gốc, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại làm tốt. Tuy nhiên, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, ứng dụng CNTT kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường đổi mới y tế cơ sở, đặc biệt ở tuyến xã, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình ở thành thị, ở nông thôn phát triển trạm y tế. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn WHO giúp đỡ Bộ Y tế triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản để BHYT chi trả,…
Tư vấn chính sách phát triển y tế cho Việt Nam, TS. Margaret Chan cho rằng, cần chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo cơ chế “gác cổng” cho hệ thống y tế, góp phần giải quyết các các căn bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây, nâng cao tuổi thọ người dân, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giảm nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Theo bà, cần có cơ chế tiếp cận đa ngành cho vấn đề này. Chẳng hạn như, khi vấn đề giao thông được giải quyết tốt, hạn chế tai nạn giao thông, cũng chính là nâng cao sức khỏe người dân và tiết kiệm được ngân sách BHYT. Trong nông nghiệp, một khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quản lý tốt, cũng là ngăn chặn bệnh và giảm chi phí cho y tế. Chính vì vậy mà cần một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết vấn đề này.
Việt Nam giành tỷ lệ GDP cao cho y tế
Còn TS. Shin Young-Soo, người đã làm việc với Việt Nam nhiều năm thì nhận định, Việt Nam đạt thành tựu đáng tự hào không chỉ về kinh tế mà còn cả tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ, và trở thành một trong những mô hình phát triển cho thế giới. Việt Nam không phải là quốc gia thu nhập cao nhưng đã giành 7% GDP cho y tế, lớn hơn so với nhiều nước khác (so với Trung Quốc là 5% GDP, Lào và Campuchia chưa đến 5% GDP).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng TS. Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Cả TS. Margaret Chan và TS. Shin Young-Soo đều cho rằng cần cơ chế quản lý tốt và cần đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có hệ thống bác sĩ gia đình và sự nhập cuộc của y tế tư nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang đổi mới y tế toàn diện, trong đó có phương thức chi trả theo giá dịch vụ y tế cơ bản. Những thách thức đối với Việt Nam hiện nay là kết nối tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội, chi trả, những thách thức lớn như già hoá dân số, bệnh không lây, bệnh mới nổi. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, tốc độ già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất châu Á và thế giới, đặt ra những thách thức về dân số và phát triển. Sắp tới, Việt Nam sẽ trình lên quốc hội nhằm tăng cường phát triển y tế toàn diện, tập trung vào y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo y học gia đình. Thành lập các phòng khám, phát triển mạnh các trạm y tế ở nông thôn, đào tạo nhân lực, đưa ra các gói dịch vụ y tế cơ bản,…
Đề xuất hợp tác với WHO thời gian tới
Trong thời gian tới, phía Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn của y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010-2020, cũng như từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực y tế.
Về mặt ngoại giao y tế toàn cầu, Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ (đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật) cho Bộ Y tế đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 2016-2019 và các vai trò quốc tế khác đồng thời ủng hộ và tạo điều kiện tiếp nhận các ứng viên là người Việt Nam vào làm việc tại WHO và các tổ chức Liên Hợp Quốc có liên quan.
•Tài khóa 2016-2017: Tổng vốn ODA: 20.778.000 USD, trong đó kinh phí có sẵn: 11.136.487 USD, kinh phí cần vận động: 9.641.513 USD. Phân bổ vốn: 80% ngân sách cho các lĩnh vực ưu tiên, 20% ngân sách cho các lĩnh vực còn lại
•Mục tiêu chung: góp phần hỗ trợ ngành y tế Việt Nam thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
•6 mục tiêu cụ thể: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm; không truyền nhiễm; nâng cao sức khỏe thông qua cải thiện lối sống; tăng cường hệ thống y tế; tăng cường công tác chuẩn bị, giám sát và ứng phó; hỗ trợ triển khai một số nội dung ưu tiên khác của ngành y tế Việt Nam.
Nguyễn Vân
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !