Tên chung quốc tế
Prazosin
Mã ATC
C02CA01
Loại thuốc
Chống tăng huyết áp loại chẹn alpha1 chọn lọc
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang: 1 mg, 2 mg, 5 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Prazosin, dẫn chất quinazolin là thuốc hạ huyết áp chẹn alpha1 adrenergic ngoại vi. Tác dụng hạ huyết áp là do giãn tiểu động mạch, nhờ tác dụng chẹn thụ thể alpha1 sau synap làm giảm sức cản của mạch ngoại vi. Ngược với các thuốc có tác dụng giãn mạch khác, prazosin hiếm khi gây tăng nhịp tim. Prazosin ảnh hưởng tốt đến lipid huyết thanh, chủ yếu là giảm cholesterol toàn phần và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Ở người bệnh suy tim sung huyết, các nghiên cứu về huyết động học cho thấy prazosin có tác dụng cả lúc nghỉ và lúc làm việc, làm giảm áp suất đổ vào thất trái, giảm lực cản của động mạch và tăng cung lượng tim. Dùng prazosin trong suy tim không gây tăng nhịp tim do phản xạ.
Prazosin làm giảm trương lực cơ trơn trong tuyến tiền liệt do đó làm tăng lưu lượng nước tiểu ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Prazosin không tác động đến dòng máu qua thận và chức năng thận.
Prazosin không ngăn cản dẫn truyền xung động thần kinh qua hạch giao cảm cũng như không gây chẹn nơron adrenergic.
Dược động học
Hấp thu: Có sự khác nhau trong từng cá thể và giữa các cá thể về tốc độ hấp thu và nồng độ trong huyết tương của prazosin. Sinh khả dụng đường uống cũng khác nhau nhưng thông thường ở khoảng 60% (43 – 82%). Thức ăn trong dạ dày có thể làm chậm hấp thu thuốc nhưng không làm giảm mức hấp thu thuốc.
Sau khi uống, nồng độ trong huyết tương đạt tối đa sau 1 – 3 giờ. Nồng độ trong huyết tương thường không tương ứng với tác dụng điều trị. Nồng độ trong huyết tương sau khi uống 1 liều 5 mg đạt khoảng 0,01 – 0,075 microgam/ml. Huyết áp bắt đầu giảm sau khi uống trong vòng 2 giờ, giảm tối đa sau 2 – 4 giờ và tác dụng kéo dài dưới 24 giờ. Với liều cố định phải điều trị 4 – 6 tuần mới đạt hiệu quả đầy đủ.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Sinh khả dụng của prazosin giảm đáng kể ở người già, do sự giảm hấp thu ở đường tiêu hóa, thuốc ở dạng không chuyển hóa đi vào vòng tuần hoàn ít hơn 40% khi so sánh với người trẻ tuổi. Thời gian bán thải cũng kéo dài hơn ở người già do tăng thể tích phân bố ở trạng thái ổn định. Tuy nhiên sự thay đổi này không có ý nghĩa lâm sàng lớn.
Phân bố: Prazosin phân bố rộng khắp các mô, cao nhất ở phổi, động mạch vành, động mạch chủ, tim, thấp nhất ở não. Khoảng 97% thuốc trong huyết tương liên kết với protein. Không biết rõ thuốc có qua nhau thai hay không. Prazosin phân bố vào sữa với lượng nhỏ.
Thải trừ: Nửa đời thải trừ của thuốc trong huyết tương sau khi uống là 2 – 4 giờ. Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm thấy rằng prazosin chuyển hóa chủ yếu ở gan, bằng cách khử methyl và liên hợp. Thải trừ chủ yếu ở dạng chuyển hóa và một ít ở dạng không biến đổi (5 – 11%). Bốn sản phẩm chuyển hóa của prazosin có tác dụng hạ huyết áp bằng 10 – 25% tác dụng hạ áp của prazosin. Khoảng 6 – 10% liều được đào thải qua nước tiểu, còn lại thải theo phân qua đường mật.
Tác dụng của thuốc chẹn thụ thể alpha1 adrenergic lên lipid huyết tương là có lợi về mặt lý thuyết. Thuốc chẹn alpha1 không được coi là thuốc hàng đầu trong điều trị hạ huyết áp.
Chỉ định
Tăng huyết áp: Có thể được dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác như chẹn beta và lợi tiểu, nhưng hiện nay không còn được coi là thuốc hàng đầu để điều trị tăng huyết áp.
Phì đại tuyến tiền liệt lành tính: Dùng trong thời kỳ chờ phẫu thuật. Suy tim sung huyết. Trong điều trị suy tim cũng có thể dùng prazosin khi không đạt được hiệu quả tối ưu với digitalis và thuốc lợi tiểu, nhưng hiện nay thường dùng thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin phối hợp với thuốc chẹn beta.
Chống chỉ định
Không dùng cho suy tim do tắc nghẽn như hẹp động mạch chủ, hẹp van 2 lá, nghẽn mạch phổi, các bệnh gây thu hẹp màng tim.
Ở người bệnh mẫn cảm với thuốc thuộc nhóm quinazolin.
Thận trọng
Khi dùng prazosin phối hợp với các thuốc lợi tiểu thiazid phải chú ý đến các chống chỉ định của các thuốc đó.
Cần thông báo cho người bệnh về khả năng thuốc có thể gây chóng mặt do hạ huyết áp tư thế (nên uống thuốc khi nằm nghỉ trên giường). Trong thời gian mới điều trị, chú ý tránh tổn thương do bị ngất. Người vận hành máy, lái xe, cần được báo trước là có thể bị chóng mặt, hoa mắt hoặc choáng váng.
Khi dùng prazosin điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt trước hết phải chẩn đoán loại trừ ung thư và các bệnh khác có triệu chứng tương tự.
Khi dùng phối hợp prazosin với các thuốc hạ huyết áp khác cần theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng tụt huyết áp quá nhanh và quá mức.
Cần chú ý khi dùng prazosin cho người bệnh suy thận mạn có thể chỉ cần 1 liều nhỏ.
Thận trọng khi dùng thuốc ở người già, bệnh nhân suy gan, thận, người bệnh phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Tính an toàn và hiệu quả của prazosin trên trẻ em chưa được biết. Vì nguy cơ ngất và hạ huyết áp thế đứng khi dùng prazosin, cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ khi bắt đầu dùng liều đầu tiên và khi tăng liều.
Nếu bệnh nhân có kế hoạch phẫu thuật đục thủy tinh thể mà đang dùng thuốc chẹn thụ thể alpha1 adrenergic, bác sĩ phẫu thuật nên lựa chọn kĩ thuật phẫu thuật để giảm thiểu hội chứng mềm mống mắt trong phẫu thuật (IFIS).
Thời kỳ mang thai
Thuốc đã dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác cho một số ít người mang thai để chữa tăng huyết áp nặng và chưa có thông báo về tai biến cho thai nhi. Tuy nhiên, do chưa có tài liệu nghiên cứu đầy đủ nên chỉ cho dùng khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Do prazosin có phân bố một lượng nhỏ vào sữa cho nên cần thận trọng khi dùng cho người cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Prazosin có thể gây ngất với triệu chứng mất ý thức đột ngột và xảy ra không dự đoán trước được và không liên quan đến nồng độ prazosin trong máu. Tỉ lệ ngất cao hơn rất nhiều ở bệnh nhân dùng liều khởi đầu 2 mg hoặc cao hơn (xấp xỉ 1%). Tỉ lệ hạ huyết áp cao hơn trên bệnh nhân luyện tập, thời tiết nóng hoặc bệnh nhân uống rượu. Hạ huyết áp với rối loạn ý thức xảy ra trên 3 bệnh nhân đang bị xuất huyết não khi dùng liều khởi đầu 500 microgam prazosin.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ gà, phù nề, lo âu.
Tuần hoàn: Đánh trống ngực, hạ huyết áp thế đứng, phù, tim đập nhanh.
Tiêu hóa: Buồn nôn, khô miệng, rối loạn tiêu hóa.
Hô hấp: Ngạt tắc mũi, sung huyết mũi.
Tiết niệu – sinh dục: Đái không tự chủ.
Mắt: Lóa mắt, nhìn mờ.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Ngất, liệt dương, ra mồ hôi, sốt.
Tuần hoàn: Nhịp nhanh.
Tiêu hóa: Ỉa chảy, viêm tụy.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Hạ huyết áp tư thế có thể xảy ra nhưng thường chỉ thời gian đầu, và dùng liều cao.
Các ADR giảm khi hạ liều.
Chứng cương đau dương vật.
Huyết học: Giảm bạch cầu thoáng qua. Tăng acid uric và urê huyết.
Mắt: Bệnh võng mạc nghiêm trọng, đốm sắc tố, đỏ củng mạc.
Tai: Ù tai.
Tiêu hóa: Tăng men gan.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
ADR có thể giảm trong quá trình tiếp tục điều trị hoặc khi giảm liều. Prazosin có thể gây ngất, mất ý thức đột ngột. Có thể cho dùng prazosin cùng với thức ăn, sẽ giảm tần số hạ huyết áp và choáng váng ở một số người bệnh.
Ngất có thể do tác dụng hạ huyết áp thế đứng quá mức và có thể được báo trước bởi một cơn tim đập nhanh 120 – 160 nhịp/phút.
Ngất thường xảy ra trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi dùng liều prazosin đầu tiên, và đôi khi do dùng tăng nhanh liều lượng hoặc dùng với các thuốc hạ huyết áp khác cho người bệnh đang dùng prazosin liều cao.
Liều lượng và cách dùng
1,1 mg prazosin hydroclorid tương đương với 1 mg prazosin.
Điều trị tăng huyết áp:
Đơn trị liệu:
Người lớn: Nên uống lần đầu vào buổi tối, lúc đi ngủ với liều thấp nhất 500 microgam, 2 – 3 lần/ngày, trong 3 – 7 ngày và nếu dung nạp được có thể tăng dần tới 1 mg, 2 – 3 lần/ngày, 3 – 7 ngày. Sau đó tăng dần liều tùy theo đáp ứng hạ huyết áp của người bệnh cho tới liều tối đa thông thường 20 mg/ngày chia thành nhiều liều nhỏ. Hầu hết các người bệnh phù hợp với liều duy trì từ 6 – 15 mg/ngày, chia thành 2 – 3 lần uống. Không nên dùng liều khởi đầu lớn hơn 1 mg do tác dụng phụ gây ngất của thuốc.
Để điều trị cấp tăng huyết áp nghiêm trọng: Liều khởi đầu là 1 – 2 mg, lặp lại liều này sau 1 giờ nếu cần.
Trẻ em:
Từ 1 tháng – 12 tuổi: 10 – 15 microgam/kg, 2 – 4 lần/ngày (uống liều khởi đầu vào giờ đi ngủ), tăng dần đến liều tối đa 500 microgam/ kg/24 giờ và chia thành nhiều liều (không quá 20 mg/24 giờ).
Từ 12 – 18 tuổi: Liều khởi đầu là 0,05 mg, 2 – 3 lần/ngày (uống liều khởi đầu vào giờ đi ngủ), tăng liều sau mỗi 3 – 7 ngày đến 1 mg, 2 – 3 lần/ngày. Tăng dần đến liều tối đa 20 mg một ngày và chia thành nhiều lần.
Liệu pháp kết hợp:
Người bệnh đang điều trị thuốc hạ huyết áp khác nhưng chưa đạt kết quả, cần giảm liều các thuốc huyết áp đang dùng và dùng thêm prazosin 500 microgam vào buổi tối. Tiếp tục với liều 500 microgam, 2 – 3 lần/ngày. Liều được tăng dần tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh. Thực tế cho thấy dùng thêm prazosin với thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, thuốc chẹn beta adrenergic hoặc đối kháng calci có thể làm giảm huyết áp mạnh. Do vậy lúc đầu nên dùng liều thấp. Hoặc khi bệnh nhân đang dùng prazosin mà cần phối hợp thêm với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác hoặc các thuốc lợi tiểu thì giảm liều prazosin 1 hoặc 2 mg, chia thành 3 lần và tăng dần liều tùy theo đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân.
Điều trị suy tim sung huyết:
Người lớn: Liều khởi đầu là 500 microgam, 2 – 4 lần/ngày (uống liều khởi đầu vào giờ đi ngủ), sau tăng dần tới 4 mg chia nhiều lần trong ngày. Liều dùng nên được điều chỉnh phù hợp với đáp ứng của bệnh dựa trên sự kiểm tra cẩn thận các dấu hiệu và triệu chứng của tim phổi và kết quả huyết động học. Liều có thể điều chỉnh thường xuyên cứ cách 2, 3 ngày dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Ở người bệnh nặng, mất bù, liều cần được điều chỉnh nhanh trong 1 – 2 ngày, tốt nhất là qua kiểm tra huyết động học. Các nghiên cứu lâm sàng đã xác định liều thường dùng là vào khoảng 4 – 20 mg/ngày, chia làm nhiều lần.
Trẻ em:
Dùng đường uống, có thể hòa tan viên thuốc vào nước.
Trẻ từ 1 tháng – 12 tuổi: 5 microgam/kg, 2 lần một ngày (uống liều khởi đầu vào giờ đi ngủ), tăng dần liều, liều tối đa là 100 microgam/kg/ngày chia thành nhiều liều.
Trẻ từ 12 – 18 tuổi: Liều khởi đầu là 500 microgam, 2 – 4 lần/ngày (uống liều khởi đầu vào giờ đi ngủ), sau tăng dần tới 4 mg/ngày chia nhiều lần trong ngày. Liều duy trì 4 – 20 mg/ngày, chia làm nhiều lần.
Hội chứng Raynaud và bệnh Raynaud:
Liều khởi đầu 500 microgam, 2 lần/ngày, 3 – 7 ngày có thể điều chỉnh tùy theo đáp ứng của người bệnh trên lâm sàng. Liều duy trì thông thường là 1 – 2 mg, 2 lần/ngày. Liều tối đa là 2 mg, 2 lần/ngày.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt:
500 microgam, 2 lần/ngày, 3 – 7 ngày. Liều đầu tiên dùng vào buổi tối. Sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng. Liều duy trì 2 mg, 2 lần/ngày. Liều này không nên vượt quá, trừ trường hợp dùng prazosin với mục đích hạ huyết áp.
Người bệnh đang dùng thuốc hạ huyết áp mà bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính, cần dùng prazosin để điều trị thì cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Người bệnh suy thận vừa và nặng: Cho tới nay đã có bằng chứng cho thấy, prazosin không làm tổn hại thêm chức năng thận. Một số người bệnh có đáp ứng với liều nhỏ, do đó nên dùng liều ban đầu là 500 microgam/ngày, và tăng dần một cách thận trọng.
Người suy gan: Chưa có thông tin về dùng prazosin cho nhóm người này, tuy nhiên prazosin thường phải qua chuyển hóa và đào thải ở gan, do đó liều dùng lúc đầu nên là 500 microgam/ngày rồi tăng dần dần một cách thận trọng.
Người cao tuổi: Do người cao tuổi dễ bị tụt huyết áp, nên liều dùng đầu tiên phải ở mức thấp nhất.
Tương tác thuốc
Khi dùng prazosin phối hợp với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ huyết áp khác, đặc biệt là các thuốc chẹn beta adrenergic (ví dụ propranolol), tác dụng hạ huyết áp của prazosin có thể tăng lên và có lợi cho điều trị, nhưng cần phải điều chỉnh liều.
Do prazosin liên kết mạnh với protein huyết tương nên cần xem xét khả năng tương tác với các thuốc khác có liên kết với protein huyết tương.
Các thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của prazosin do ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận và/hoặc gây giữ Na+ và nước. Do đó cần theo dõi người bệnh và điều chỉnh liều nếu cần để đạt hiệu quả mong muốn.
Khi dùng đồng thời prazosin với thuốc ức chế phosphodiesterase týp 5 (như sidenafil, tadalafil, vardenafil) có thể hiệp đồng tác dụng gây hạ huyết áp và gây các triệu chứng hạ huyết áp quá mức. Do đó cần phải bắt đầu dùng từ liều thấp các thuốc ức chế phosphodiesterase týp 5 ở bệnh nhân đang dùng prazosin.
Bệnh nhân đang uống amitriptylin và clorpromazin khi phối hợp prazosin xuất hiện cơn kích động cấp. Khi ngừng prazosin, triệu chứng kích động giảm nhanh. Các thuốc chống trầm cảm và các thuốc loạn thần tăng cường tác dụng hạ huyết áp của prazosin.
Verapamil làm tăng tác dụng hạ huyết áp của prazosin ở người có huyết áp bình thường có thể do làm tăng sinh khả dụng của prazosin. Sự hiệp đồng tác dụng hạ huyết áp cũng được báo cáo khi phối hợp prazosin với nifedipin.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ 15 – 30oC.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Huyết áp hạ thấp và rối loạn tim mạch.
Xử trí: Gây nôn, cho người bệnh nằm nghỉ, đầu thấp và sẽ hồi phục bình thường.
Nếu quá liều gây nên hạ huyết áp, cần điều trị hỗ trợ ngay. Cho người bệnh nằm, uống than hoạt tính trong vòng 1 giờ sau khi uống quá liều prazosin, nếu không hiệu quả cần chống sốc bằng truyền dịch tăng thể tích huyết tương và cho thuốc tăng áp. Nên kiểm tra chức năng thận và hỗ trợ khi cần. Prazosin có liên kết protein cao cho nên không loại thải được bằng lọc máu.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !