(ĐTĐ) – Kê huyết đằng (Millettia Reticulata L) còn gọi là hồng đằng, huyết rồng, khan dạ lùa, khan lượt (Tày), thuộc họ đậu (Fabaceae), là một dây leo, thân gỗ to, khỏe, hình tròn dẹt, có nhiều nhựa màu đỏ nâu. Thân và lá non có lông tơ mịn. Lá kép gồm 3 lá chét, lá giữa to hơn, cuống lá kép dài. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm chùy. Quả đậu dẹt.
Dược liệu kê huyết đằng là thân già được thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 8-10, chặt về cạo sạch vỏ ngoài, để vài ngày cho nhựa se lại (trong trường hợp thân khô cứng, phải ngâm nước 12 giờ, ủ 1 – 2 giờ, có khi còn đồ cho mềm). Thái phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô. Những người làm thuốc lâu năm có kinh nghiệm cho rằng loại kê huyết đằng thân dẹt, mặt cắt có 2 hoặc 3 vòng gỗ không đồng tâm và tiết nhiều nhựa mới là loại tốt.
Vị thuốc kê huyết đằng.
Theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, kê huyết đằng có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ẩm không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt, thường dùng trong những trường hợp sau:
– Chữa thiếu máu, hư lao:kê huyết đằng 200-300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 -10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như thục địa, đan sâm, hà thủ ô (liều lượng bằng nhau). Có thể dùng cao đặc cô từ nhựa, mỗi ngày uống 2 – 4g, pha với ít rượu.
– Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương:kê huyết đằng 12g, cây mua núi 12g, rễ gối hạc 12g, rễ phòng kỷ 10g, vỏ thân ngũ gia bì chân chim 10g, dây đau xương 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu uống. Ngày 50ml chia làm 2 lần.
Hoặc: kê huyết đằng, độc hoạt, dây đau xương, thiên niên kiện, phòng kỷ, rễ bưởi bung, chân chim, gai tầm xọng, cỏ xước, xấu hổ, quế chi, núc nác, mỗi vị 4-6g, sắc hoặc nấu cao thêm đường uống.
– Chữa đau dây thần kinh hông:kê huyết đằng 20g, ngưu tất 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 12g, nghệ vàng 12g, nhọ nồi 10g, cam thảo 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Hoặc: kê huyết đằng 20g, dây đau xương 20g, ngưu tất 20g, cẩu tích 20g, cốt toái bổ 12g, ba kích 12g, thiên niên kiện 8g, cốt khỉ củ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa đau lưng:kê huyết đằng 16g, rễ trinh nữ 16g, tỳ giải 16g, ý dĩ 16g, cỏ xước 12g, quế chi 8g, rễ lá lốt 8g, thiên niên kiện 8g, trần bì 6g. Sắc uống
– Chữa đau các khớp tứ chi:kê huyết đằng, ngũ gia bì hương, độc hoạt, uy linh tiên, tang chi mỗi vị 10 -12g. Sắc uống trong ngày.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
– Chữa viêm khớp dạng thấp:kê huyết đằng, hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cà gai leo, rễ cây cúc ảo, huyết dụ mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa kinh nguyệt không đều:kê huyết đằng 10g, tô mộc 5g, nghệ vàng 4g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm một lần trong ngày. Phụ nữ có thai không được dùng.
Hoặc: kê huyết đằng 16g, ích mẫu 16g, sinh địa 12g, nghệ 8g, xuyên khung 8g, đào nhân 8g. Sắc uống trong ngày.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !