(ĐTĐ) – Cháu đang học đại học năm thứ 2, từ nhỏ cháu khỏe mạnh. Cách đây hơn 1 tháng cháu bị một đợt sốt dai dẳng. Cháu nghĩ là sốt dịch nên chỉ dùng thuốc hạ sốt. Nhưng mấy ngày nay cháu thấy khớp gối bên phải sưng, sờ hơi ấm nhưng không đỏ và đau ít. Cháu đi khám bác sĩ nói bị viêm khớp mạn tính. Xin quý báo giải thích về bệnh này, nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm không? (Nguyễn Văn Dương – Nam Định)
Trả lời:
Bệnh viêm khớp mạn tính còn gọi là bệnh viêm khớp màng hoạt dịch (của các khớp) không có mủ và kéo dài. Bắt đầu bao hoạt dịch bị phù, xung huyết, chứa nhiều protein và các tế bào viêm, dần dần nó đầy lên rồi dính vào sụn khớp, khiến mô sụn bị gậm mòn rồi bị phá hủy.
Khởi phát bệnh nhân có sốt dao động, dai dẳng hàng tháng rồi khớp bắt đầu sưng. Có khi chỉ thấy sưng các khớp nhỏ (khớp ngón tay và cổ tay). Đó là thể viêm nhiều khớp hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lớn và người lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu là ở khớp to như khớp gối, khớp khuỷu, khớp háng. Có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng, sự vận động bị hạn chế và các cơ ở chi đó có thể bị teo. Hiện nay người ta cho là do bệnh tự miễn. Song tác nhân kích thích là gì, vi khuẩn hay virut thì chưa được khẳng định. Do vậy, việc điều trị chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng (giảm đau, chống viêm). Nếu ở giai đoạn muộn sẽ rất tốn kém và cần phối hợp nhiều chuyên khoa như chuyên khoa khớp, vật lý trị liệu, chỉnh hình… Rất may là bệnh của cháu được phát hiện sớm và thuộc thể viêm ít khớp, vì vậy cháu nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nhớ tái khám đúng hẹn, không được tự ý dùng hay bỏ thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Originally posted 2011-01-07 12:36:52.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !