(ĐTĐ) – Ergotamin và ergometrin đều là hoạt chất lấy từ nấm cựa gà. Do có nguồn viện trợ nên hai loại thuốc này có nhiều ở một số cơ sở y tế. Tuy nhiên do chưa hiểu rõ về thuốc nên đã nhiều nơi không sử dụng hoặc sử dụng nhầm lẫn…
Ergotamin (tartrat): Có tác dụng làm co mạch ngoại vi (do kích thích thụ thể alpha – adrenergic) được dùng phòng chống cơn đau nửa đầu (migraine).
Nguyên nhân đau nửa đầu còn chưa biết rõ, nhưng yếu tố được ghi nhận là “có sự co giãn mạch máu não”. Biểu hiện đầu tiên là hoa mắt, giảm thị lực, nhức mắt, sau đó cơn đau khu trú ở nửa đầu, đau giật giật theo nhịp mạch đập, kèm theo nôn. Thời gian đau có thể ngắn 1-2 giờ nhưng có khi dài 1-2 ngày, mỗi tháng một lần hay 2-4 lần hoặc hơn. Khi mới có biểu hiện ở mắt (như trên) nếu dùng ergotamin ngay, làm cho cơn đau không xảy ra nên gọi là thuốc phòng cơn đau, chứ không phải là thuốc phòng bệnh. Nếu dùng phòng bệnh lâu dài sẽ sinh hoại thư. Cách dùng: đặt viên thuốc dưới lưỡi cho đến khi thuốc tan hết (không nhai, nuốt, không được hút thuốc lá). Chỉ được dùng cho trẻ trên 6 tuổi khi không có thuốc khác thay thế.
Không dùng ergotamin khi có các bệnh: Tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ tim, đau thắt tim do gắng sức, bệnh gan thận, loét dạ dày, suy dinh dưỡng, rối loạn mạch máu ngoại vi. Thận trọng dùng ergotamin trong bệnh cường giáp (vì làm nặng thêm các triệu chứng tim). Không dùng cho người có thai (vì gây sẩy thai), cho con bú (vì bài tiết qua sữa, hại cho trẻ). Không dùng chung với propanolol, erythromycin (vì gây tương tác làm co mạch ngoại vi nặng, giống như ngộ độc nấm cựa gà).
Ergometrin (maleat) có tác dụng làm co mạch tử cung, với liều cao, cơn co sẽ kéo dài, đặc biệt là đối với sản phụ. Thuốc được dùng cầm máu sau khi đẻ hay sẩy thai (thai không còn trong tử cung). Không bao giờ được dùng ergometrin khi đang chuyển dạ. Nếu như sau đẻ không cần cầm máu nhanh, hoặc khi dùng oxytocin thấy không hiệu lực thì dùng ergometrin (sẽ có hiệu lực sau khi uống 15 phút, sau khi tiêm 2-5 phút).
Không dùng ergometrin trong các bệnh: Đau thắt ngực không ổn định, mới bị nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiền sử có tai biến mạch máu não, có cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua, co thắt mạch vành, sản giật, tiền sản giật, mạch máu ngoại vi tắc nghẽn, dọa sẩy thai tự nhiên, dị ứng với thuốc. Không dùng thuốc này khi đang mang thai (gây co cứng cơ như uốn ván làm hại thai), cho con bú (gây hại cho trẻ, giảm tiết sữa). Thận trọng trong bệnh suy gan, giảm canxi máu, suy thận nhiễm khuẩn. Hai thuốc này có tên gần giống nhau nhưng tác dụng chữa bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Cần chú ý để không dùng nhầm lẫn.
Nguồn Sức khỏe và Đời sống
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !