(ĐTĐ) – Thuốc giảm đau chỉ là những thuốc chữa triệu chứng. Theo Hiệp hội quốc tế nghiên cứu về đau (1979): “Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác và cảm xúc liên quan đến tổn thương thực thể có thật hoặc được mô tả như là có tổn thương”.
Người ta đã tính có tới 50% bệnh nhân đến gặp thầy thuốc vì triệu chứng đau. Thực ra, đau là một trong những phản ứng tự vệ của cơ thể; qua mức độ và tính chất đau, điểm đau… thầy thuốc có thể chẩn đoán bệnh. Song, đau là nỗi thống khổ của bệnh nhân, nhiều khi còn có thể gây ra những rối loạn chức năng. Bởi vậy, dù chỉ là thuốc chữa triệu chứng, nhưng vẫn cần dùng, nhiều trường hợp cần sử dụng với các thuốc điều trị khác để chữa tận gốc căn nguyên bệnh.
Thang chỉ định điều trị đau của WHO
Các thuốc giảm đau có thể chia thành 3 nhóm tùy theo mức độ hiệu lực giảm đau:
Với các chứng đau nhẹ, đau vừa (bậc 1, theo thang bậc điều trị đau của WHO):
Dùng một trong các thuốc giảm đau thông dụng nhất là paracetamol, aspirin, ibuprofen… việc chọn lựa tùy theo sự nhạy cảm của từng người, những chống chỉ định khác nhau, và sự tương tác của chúng với những thuốc khác. Các thuốc này có thể mua tại các hiệu thuốc không cần đơn bác sĩ, nhưng cần lưu ý:
– Paracetamol (còn có tên khác là acetaminophen): Tác dụng giảm đau (nhức đầu, đau răng, đau khớp) và hạ sốt hiệu quả nhanh. Người lớn nên dùng 1-2 viên 500mg/lần và tối đa là 6 lần/ngày (24 giờ). Paracetamol dễ dùng hơn aspirin hay ibuprofen… Nó vô hại cho hệ tiêu hóa. Tác dụng phụ chỉ là dị ứng nhưng rất hiếm và chỉ là nổi mẩn. Tương tác với thuốc khác hầu như không có. Nhưng khác với aspirin, ibuprofen… paracetamol không có tác dụng chống viêm. Hiện nay paracetamol là thuốc được khuyến cáo nên dùng vì có tác dụng tốt và độ an toàn cao. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao có thể gây độc tính với gan, nên không được dùng liều cao trong thời gian dài. Do vậy thuốc này có chống chỉ định đối với những người bị suygan. Hiện nay paracetamol có tới 180 tên thương mại (biệt dược) khác nhau, mà trong thành phần có paracetamol, hoặc paracetamol phối hợp với dược chất khác. Bởi vậy cần lưu ý không được dùng phối hợp các thuốc biệt dược này vì có thể dẫn đến tai biến quá liều.
– Aspirin (acetylsalicylic acid): Có tác dụng giảm đau và hạ sốt tốt. Còn tác dụng chống viêm thì rất yếu nếu dùng liều thấp; nó chỉ thực sự hữu hiệu với liều lượng 3,5-4,5g/ngày, nhưng việc sử dụng như vậy cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị. Để giảm đau hay hạ sốt dùng tối đa 1,5-3g/ngày cho người lớn. Tác dụng phụ khó chịu nhất là những kích thích đường tiêu hóa có thể gây ra cảm giác nóng rát ở dạ dày, và có khi chảy máy ở đường tiêu hóa, nhất là những người trước đây đã bị loét dạ dày – tá tràng. Điều này đôi khi chỉ cần một liều đối với những người nhạy cảm; với liều cao hơn (2g/ngày trong một tuần) có thể gây loét dạ dày. Để giảm nhẹ tác dụng phụ nên uống thuốc vào bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn xong. Aspirin làm loãng máu, do đó nó có thể gây chảy máu mũi hay nướu răng ở những người bị rối loạn về đông máu dù dùng với liều thấp (150-300mg/ngày); gây hiện tượng đa kinh. Cũng nên thận trọng với sản phụ ở đầu thai kỳ (do chảy máu) và cuối thai kỳ (aspirin ngăn chặn sự tiết chất tạo dễ dàng cho việc sinh đẻ). Điều cuối cùng là nó gây dị ứng nổi mẩn, rối loạn hô hấp đôi khi rất nghiêm trọng, nhất là với những người có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định…). Với trẻ em có thể gây nên hội chứng Reye – một bệnh nặng có tỷ lệ tử vong rất cao. Về tương tác thuốc: nói chung đừng bao giờ dùng aspirin với một loại thuốc chống viêm khác. Mặt khác, nó còn làm giảm tác dụng của những thuốc lợi tiểu và thuốc trợ tim. Ngược lại, nó tăng cường tác dụng của các thuốc chống đông máu, và đôi khi là thuốc chống đái tháo đường.
– Nhóm thuốc ibuprofen, phenylbutazon, indomethacin: nhóm thuốc này có tác dụng tốt chống viêm, giảm đau và hạ nhiệt, thường được dùng vào điều trị các triệu chứng đau do thấp khớp, thoái hóa cột sống, thống phong (goutte). Nhóm thuốc này nói chung có tác dụng phụ kích ứng dạ dày, do đó chống chỉ định đối với những người loét dạ dày – tá tràng.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Với các chứng đau dữ dội (bậc 2):
Có thể dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn như codein hoặc dextropropoxyphen. Hai thuốc này thường phối hợp với một trong 3 thuốc thông dụng kể trên như các biệt dược viên sủi giảm đau efferalgan – codein (paracetamol + codein), viên Di-altalvic (paracetamol + dextropropoxyphen), alaxan (paracetamol + ibuprofen)…
Với các chứng đau quá nặng (bậc 3):
Thường gặp trong các trường hợp đau do ung thư, do bỏng nặng, hoặc chấn thương nặng… thì phải dùng đến morphin và các dẫn chất của nó. Vì dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian ấn định.
Ngoài ra, không xếp vào đây các thuốc giảm đau như: Thuốc điều trị đau thắt ngực (nitroglycerin, isosorbid dinitrat) vì chúng thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc giảm đau chống co thắt do làm dãn cơ trơn (alverin, drotaverin, papaverin, spasfon…). Thuốc đặc trị bệnh đau nửa đầu (ergotamin, dihydroergotamin). Thuốc giảm đau do viêm thần kinh đau cơ (các vitamin hướng thần kinh B1, B6, B12). Thuốc loại corticoid. Thuốc an thần gây ngủ (diazepam, hydroxyzin…). Thuốc tê novocain… Cuối cùng cũng không tính đến các loại thuốc giảm đau dùng ngoài như thuốc dán, thuốc bôi xoa, thuốc xịt có tác dụng tại chỗ, không có tác dụng toàn thân.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Originally posted 2010-09-22 14:19:26.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !