(ĐTĐ) – U não và đột quỵ hiện là hai căn bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người, song nguyên nhân gây bệnh rất khó phát hiện. Vì vậy, cần quan tâm chẩn đoán bệnh sớm để có phương pháp điêu trị phù hợp.
Hiểu bệnh
Có hai nhóm u não. Nhóm thứ nhất là u não lành tính thường gặp như u màng não, u dây thần kinh thính giác, u tuyến yên. Nhóm thứ hai là u não ác tính, có nguồn gốc từ bên trong não, như u tế bào thần kinh đệm.
Ngoài ra, u não còn do di căn từ ung thư phổi, ung thư vú… Những loại u não này có thể gây yếu, liệt chi, điếc, gây mù loà, mất vị giác…
Triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của u não là người bệnh cảm thấy nhức đầu vào buổi sáng khi thức dậy và mỗi lúc mỗi đau thêm. Tùy vị trí của khối u não, có thể có những triệu chứng kèm theo như nhìn đôi (thấy hai hình ảnh), tê, yếu nửa bên cơ thể.
Đau đầu là triệu chứng thường gặp trong u não
Cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện mất khứu giác (không ngửi được mùi), hay động kinh. Nhưng tổn thương nguy hiểm nhất là những tổn thương ở vùng trung tâm của não bộ, gọi là vùng thân não.
Cách duy nhất để chẩn đoán u não là dùng hình ảnh học, và nên chụp MRI thay vì CT scan, do CT scan có sử dụng phóng xạ, và nếu trên CT không phát hiện được u não thì cũng chưa thể khẳng định không có bệnh.
U não khác với đột quỵ vì triệu chứng thường bất ngờ, người bệnh đột ngột mất khả năng vận động, tê, yếu, mất khả năng nói chuyện. Đột quỵ thường gặp ở những bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch.
Để phòng ngừa đột quỵ, cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt các bệnh huyết áp, tiểu đường, có chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tập thể dục, tránh thừa cân hay béo phì.
Bệnh u não thường gặp ở trẻ em và trên 50 tuổi. U não chiếm tỷ lệ từ 10 đến 20% trong bệnh lý u bướu ở trẻ em dưới 12 tuổi. Ở nhóm 50-60 tuổi, u não dễ có khuynh hướng ác tính hơn.
Các yếu tố nguy cơ gây u não cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình có người bị u não thì sẽ có nguy cơ u não cao hơn.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Ở người lớn tuổi, khoảng 1/3 u não là do di căn từ bệnh ung thư. Các yếu tố có nguy cơ gây đột quỵ thường là tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao, có tiền sử bệnh tim mạch.
Chữa bệnh
Khi được chẩn đoán u não, bệnh nhân cần được tư vấn với bác sĩ phẫu thuật thần kinh có kinh nghiệm, để bàn luận một số vấn đề như: khối u não có phẫu thuật được hay không, hay phải sử dụng các mô thức điều trị khác. Phẫu thuật nhằm mục đích lấy đi khối u não càng nhiều càng tốt.
Đối với đột quỵ có một chút khác biệt. Các nghiên cứu cho thấy nếu bệnh nhân được điều trị trong vòng ba giờ đầu tiên sau khi đột quỵ, khả năng hồi phục hoàn toàn rất cao.
Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ do đột quỵ, điều quan trọng là đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Điền này cũng tương tự như bệnh nhân nhồi máu cơ tim, khả năng hồi phục sẽ rất cao nếu được đưa đến bệnh viện trong ba giờ đầu tiên.
Việc điều trị u não và đột quỵ hiện nay đã có những tiến bộ mới. Đối với u não, những tiến bộ về kỹ thuật giúp cho việc lấy đi khối u dễ dàng hơn và hạn chế tối thiểu các biến chứng sau phẫu thuật.
Đó là nhờ vào kỹ thuật định vị GPS được trang bị ở những phòng mổ hiện đại, những trang thiết bị phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Nhờ đó có thể phẫu thuật u não bằng nội soi với vết mổ nhỏ hơn 2cm. Đây là điều mà 5-10 năm trước đây không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, những phương tiện xạ phẫu như Cyber knife, Gamma knife cũng được cải tiến rất nhiều, đem đến sự chính xác hơn, an toàn hơn và cho kết quả tốt hơn đối với bệnh nhân. Ngoài ra, hóa trị liệu trong u não ngày nay cũng an toàn hơn rất nhiều so với trước đây.
Một số tiến bộ mới được ứng trong việc điều trị đột quỵ, như phẫu thuật bắc cầu để thay thế mạch máu bị tắc nghẽn… Những loại thuốc phòng ngừa đột quỵ hiện nay cũng tốt hơn rất nhiều. Chỉ với việc làm giảm Cholesterol, nguy cơ đột quỵ đã giảm đi 30%.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách thay đổi chế độ ăn, cắt giảm thuốc lá, rượu bia, kiểm soát tốt bệnh cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol. Nếu thực hiện tốt những điều trên, có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ 50%.
Nguồn Doanhnhansaigon.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !