(ĐTĐ) – Phình động mạch não là tổn thương phình ra bất thường tại một hoặc nhiêu vị trí của động mạch não, tạo thành một điểm yếu dễ vỡ. Khoa Đột quỵ não Bệnh viện 103 – địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch
Phình động mạch não – một bệnh lý nguy hiểm
Khi phình mạch vỡ ra sẽ gây chảy máu vào khoang dưới nhện chứa dịch não tủy bao quanh tổ chức não gây chảy máu dưới nhện. Chảy máu dưới nhện là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các nhóm bệnh đột quỵ não.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trước đây người ta cho rằng phình động mạch não là do bẩm sinh, nhưng ngày nay người ta đã chứng minh phình động mạch não là do tổn thương vi mô của thành động mạch, do dòng chảy bất thường ở vị trí phân chia của các động mạch. Tăng huyết áp, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và một số nguyên nhân khác như nấm ký sinh, nhiễm khuẩn, chấn thương, nghiện ma tuý đặc biệt Cocain gây viêm dẫn tới phình mạch.
Tỷ lệ mắc bệnh
Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% – 2% dân số. Trong số đó ≈ 1% bị vỡ gây đột quỵ não. Nguy cơ vỡ tăng dần theo thời gian: 0,2 % trong 5 năm đầu tiên, 0,6% trong khoảng 5-10 năm, và 1,3% sau 10 năm.
Triệu chứng
Khi chưa vỡ, đa số phình mạch tồn tại không gây triệu chứng. Một số bệnh nhân có biểu hiện đau đầu kéo dài, giảm thị lực, nhìn một hình thành hai hình.
Khi phình mạch vỡ, bệnh nhân thường có cơn đau đầu đột ngột, cường độ rất dữ dội. Sau đó xuất hiện các triệu chứng: buồn nôn, đau và cứng vùng gáy, huyết áp tăng vọt. Nặng hơn, sẽ có biểu hiện rối loạn ý thức, liệt chân tay một bên, rối loạn chức năng sống và tử vong.
Xét nghiệm chẩn đoán phình động mạch não
Các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên hiện đều đã được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán chảy máu dưới nhện. Tuy nhiên, để chẩn đoán phình mạch với vai trò là nguyên nhân gây bệnh thì cần chụp cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ mạch hoặc chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) bằng ống thông.
Điều trị phình động mạch não
Khi phát hiện phình động mạch não chưa vỡ, tùy theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa đánh giá nguy cơ vỡ để lựa chọn có can thiệp hay không.
Với phình mạch đã vỡ, cần xử trí loại bỏ phình mạch khỏi hệ tuần hoàn để ngăn nguy cơ vỡ lại. Có 2 phương pháp cơ bản:
1. Can thiệp nội mạch: bác sĩ rạch da vùng bẹn bệnh nhân khoảng 5mm, luồn một ống thông đường kính 2mm vào động mạch đùi, đi qua buồng tim lên hệ động mạch não, tiếp cận vị trí phình mạch và thả lò xo kim loại vào làm bít tắc phình mạch. Đây là phương pháp ưu việt nhất, hạn chế tổn thương cho bệnh nhân. Thời điểm can thiệp tối ưu là trong vòng 72 giờ sau đột quỵ.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
2. Phẫu thuật kẹp clip: bác sĩ mở cửa sổ xương sọ, phẫu thuật tìm phình mạch nằm xen lẫn cạnh tổ chức não, kẹp một clip kim loại vào cổ túi phình.
Khoa Đột quỵ não Bệnh viện 103 – địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch
Khoa đột quỵ não Bệnh viện 103 được thành lập tháng 7 năm 2006 với đội ngũ nhân viên và điều kiện cơ sở vật chất ban đầu rất khiêm tốn. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa đã tích cực học hỏi, tìm tòi phát triển kỹ thuật chụp DSA và can thiệp mạch não. Kể từ ca chụp DSA đầu tiên tháng 8 năm 2007 tới ca can thiệp mạch nút coil đầu tiên tháng 11 năm 2009, đến nay các kỹ thuật này đã trở thành phương pháp cấp cứu thường quy cho các bệnh nhân chảy máu dưới nhện. Nhờ đó làm giảm tỉ lệ tử vong, hạn chế tàn phế và di chứng cho các bệnh nhân.
Bệnh nhân điển hình: trường hợp 2 anh em ruột cùng bị chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não.
Anh trai: Đinh Trọng Hùng, sinh năm 1962, bị vỡ phình động mạch não gây chảy máu dưới nhện ngày 25.12.2010. Triệu chứng: đột ngột đau đầu và đau gáy dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều lần, rối loạn ý thức, kích thích vật vã, đại tiểu tiện không tự chủ, huyết áp tăng cao 200/130mmHg. Được cấp cứu can thiệp mạch não tại khoa Đột quỵ não Bệnh viện 103 ngày 26.12.2010.
Em trai: Đinh Trọng Điệp, sinh năm 1974, bị vỡ phình động mạch não ngày 29.12.2012. Triệu chứng: đau đầu đột ngột dữ dội, nôn nhiều lần. Vào bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng được chẩn đoán chảy máu dưới nhện. Vận chuyển ra khoa Đột quỵ bệnh viện 103, được can thiệp mạch não ngày 31.12.2012. Sau 2 tuần ra viện, hồi phục hoàn toàn.
Hiện tại cả 2 bệnh nhân hồi phục tốt, trở lại công việc và sinh hoạt bình thường.
Nguồn Laodong.com.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !