(ĐTĐ) – Đau sau zona là chứng đau hay gặp và là biến chứng đáng sợ nhất của bệnh Zona. Đau thường kéo dài sau khi tổn thương da lành, và có xu hướng giảm dần theo thời gian (25% còn đau kéo dài sau 1 tháng đến 1 năm).
Bệnh zona (dân gian gọi là giời leo) gây nên do một loại virut giống như virut thủy đậu (virut zona – Varicelle). Lúc bé không bị thủy đậu, lớn lên dễ bị zona. Sau khi bị bệnh, cơ thể có kháng thể (miễn dịch) do đó bệnh không tái phát, cả đời chỉ bị một lần. Biểu hiện bởi những mụn nước ở da có kèm theo đau dọc chiều dài của dây thần kinh bị tổn thương. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng, châm kim hoặc đau dọc theo vạt da thuộc vùng chi phối của dây thần kinh bị tổn thương. Khoảng 2 – 3 ngày sau xuất hiện vệt đỏ lan tỏa dọc theo vùng da bị đau rát, đồng thời mụn nước xuất hiện kèm theo ngứa sau đó vỡ ra, biến mất và để lại sẹo sau 2 – 3 tuần lễ. Một số trường hợp có đau đầu hoặc sốt nhẹ. Bệnh có thể gây một số tổn thương: mù mắt nếu tổn thương vào dây thần kinh thị giác; liệt mặt, mất vị giác do tổn thương vào dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt); viêm não khi có tổn thương não; bệnh có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu phụ nữ đang mang thai mắc bệnh. Dịch ở mụn nước ngoài da có chứa mầm bệnh do đó nên tránh tiếp xúc trực tiếp (tiếp xúc thân thể) để tránh lây nhiễm và phòng bội nhiễm. Nếu xuất hiện đau rát và những mụn nước trên da, cần đến bác sĩ thần kinh hoặc da liễu để khám. Điều trị càng sớm, hiệu quả càng tốt. Trong trường hợp có zona ở mắt, nên đến các bác sĩ chuyên khoa để tránh nguy cơ mù mắt.
Điều trị bao gồm 2 giai đoạn: điều trị giai đoạn cấp và giai đoạn đau sau zona.
Tổn thương do zona. |
Giai đoạn cấp
Thường phải dùng một số thuốc sau:
* Thuốc giảm đau: efferalgan codein (paracetamol + codein). Thuốc là loại thuốc sủi bọt, có tác dụng giảm đau mạnh. Các trường hợp bệnh nhân dị ứng với thành phần của thuốc, hoặc bệnh nhân suy gan – thận không được dùng. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm không corticoid như aspirin. Lưu ý, uống sau ăn no. Chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày – tá tràng, dị ứng với thành phần của thuốc.
* Corticoid (prednisolon): Liều 1mg/kg/ngày x 3 ngày đầu, sau đó giảm dần (giảm 10mg mỗi 3 ngày) rồi cắt, thường uống trong vòng 15 ngày. Chống chỉ định trong trường hợp có mẫn cảm với thuốc. Thận trọng cho người bệnh loãng xương, loét dạ dày – tá tràng, tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, trẻ em đang lớn. Tác dụng không mong muốn: mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, đục thể thủy tinh, glôcôm, phù, tăng huyết áp, loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản, viêm tuỵ…
* Thuốc kháng virut (acyclovir, famyclovir…): viên nén 200mg, 400mg, 800mg. Liều 800mg x 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Thời gian điều trị từ 5-7 ngày. Thuốc được dùng ngay khi mới mắc bệnh hoặc khi có mụn nước xuất hiện. Thuốc có tác dụng làm giảm cường độ và thời gian đau sau zona, càng điều trị sớm hiệu quả càng cao. Chống chỉ định trong trường hợp có mẫn cảm với thuốc. Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu. Thận trọng trong trường hợp có thai và cho con bú.
* Thuốc bôi tại chỗ: trong thời gian mụn nước xuất hiện, vệ sinh nơi tổn thương sạch sẽ, mặc quần áo sạch sẽ thoáng mát tránh bội nhiễm. Khi mụn nước vỡ, có thể chấm bằng thuốc xanh methylen.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
* Ngoài ra có thể dùng thêm thuốc kháng histamin (chlorpheniramine…), thuốc không có tác dụng chống virut nhưng có tác dụng làm giảm ngứa tại nơi tổn thương và an thần nhẹ.
Điều trị đau sau zona
Hầu như trường hợp zona nào sau khi khỏi cũng để lại di chứng đau rát nhẹ hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, gọi là “triệu chứng đau sau zona”. Đây là một trong những chứng đau điển hình của loại đau thần kinh, hầu như không đáp ứng các thuốc giảm đau thông thường. Bệnh nhân càng cao tuổi triệu chứng này càng rõ và càng dai dẳng, khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều lần trong trạng thái ít nhiều bi quan lo lắng. Một số thuốc điều trị ở giai đoạn này là:
* Amitriptyline: viên nén 25mg, liều từ 25-75mg/ngày chia 2 lần. Lúc đầu dùng liều thấp sau tăng dần. Thuốc có tác dụng tốt trong trường hợp đau rát bỏng, đau như xé. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Chống chỉ định: glôcôm góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai.
Trong trường hợp đau từng cơn, đau như dao đâm, đau nhói hoặc co cơ hay máy cơ… có thể dùng các thuốc sau với liều thấp sau đó tăng dần tới liều tác dụng.
* Carbamazepin (tegretol): viên nén 200mg, liều lượng từ 400 – 1200mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị (hạn chế bằng cách tăng liều dần); hội chứng tiền đình tiểu não hoặc lú lẫn do quá liều; giảm nhẹ bạch cầu trung tính; rối loạn dẫn truyền tim; phản ứng đặc ứng (nhiễm độc da, viêm gan, thiểu sản tuỷ xương). Chống chỉ định: Block nhĩ – thất (nhịp tim chậm).
* Clonazepam (rivotril): viên nén 2mg, liều từ 1 – 4mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, giảm trí nhớ (người già). Chống chỉ định trong trường hợp mẫn cảm với thuốc.
* Gabapentin (neurontin): viên nén 300mg, liều từ 900mg-2.000mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Chống chỉ định trong trường hợp có thai hoặc cho con bú, dị ứng với các thành phần của thuốc.
* Pregabapentin (Lyrica): viên nén 75mg, 150mg. Liều 150-300mg/ngày
Bệnh nhân có thể dùng một số thuốc bôi tại chỗ: voltarel gel, aspirin gel… trong vòng 4 tuần. Ngoài ra, bệnh nhân cần được dùng thêm một số loại vitamin nhóm B, C, E… và có thể châm cứu phối hợp.
Originally posted 2010-08-17 10:27:35.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !