(ĐTĐ) – Đang cho con điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương sau khi các bác sĩ chẩn đoán con bị viêm khớp, mẹ bé Nguyễn Hồng Kiên, 11 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không hết ngỡ ngàng. Kiên còn nhỏ, lại đang trong độ tuổi hiếu động nên mỗi khi con kêu mỏi chân, tay cha mẹ đều nghĩ con hiếu động và nhắc nhở Kiên không nghịch nhiều nữa. Thế nhưng, những cơn đau nhức kéo dài, ảnh hưởng ngày càng nhiều đến sinh hoạt của Kiên thì cha mẹ mới đưa Kiên đi khám.
TS.BS Lê Thị Minh Hương, trưởng khoa miễn dịch – dị ứng – khớp, bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hàng ngày khoa này tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh nhi mắc bệnh cơ xương khớp do nguyên nhân khác nhau: từ đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương… cho đến những bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp… Một trong những bệnh khớp mãn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Bệnh này thuộc nhóm bệnh tự miễn, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất sáu tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi.
“Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virút hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella). Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu biết rõ nên đa số trẻ mắc bệnh thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số trẻ trước khi đến bệnh viện Nhi Trung ương đã đi khám, chữa cả năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện đúng bệnh, dẫn tới biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác”, BS Hương cảnh báo.
Mẹ bé Nguyễn Hồng Kiên kể lại, thời điểm bé kêu nhức mỏi tay chân nhiều cũng là lúc cháu thường có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân, đặc biệt có xuất hiện ban đỏ. Cả nhà nghĩ bé bị sốt virút chứ không nghĩ đến viêm khớp. Theo BS Hương, đó là những triệu chứng ban đầu của viêm khớp. Triệu chứng này có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều nơi như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân… Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi… Khi mắc phải, bệnh nhi cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp, nhằm kiểm soát sự tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá huỷ và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa…
Nguồn Sgtt.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !