1. Định nghĩa
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (Hội chứng De quervain) là bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái do nhà phẫu thuật người Thụy Sĩ De Quervain phát hiện năm 1895. Bệnh thường gặp ở nữ giới từ 30 đến 50 tuổi.
2. Nguyên nhân
* Các chấn thương vùng cổ bàn tay
* Các nghề nghiệp phải sử dụng bàn tay nhiều như làm ruộng, giáo viên, phẫu thuật, cắt tóc, nội trợ, vi chấn thương (các động tác lập lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái) là điều kiện thuận lợi gây nên viêm bao gân.
* Có thể kết hợp với một số bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán xác định
* Dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ
- Đau vùng mỏm trâm quay, đau tăng khi vận động ngón cái đau liên tục nhất là về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay.
- Sưng nề vùng mỏm trâm quay
- Sờ thấy bao gân dầy lên, có khi có nóng, đỏ, ấn vào đau hơn.
- Khi vận động ngón cái có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.
- Test Finkelstein: Gấp ngón cái vào trong lòng bàn tay. Nắm các ngón tay trùm lên ngón cái. Uốn cổ tay về phía trụ. Nếu bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hoặc ở gốc ngón cái là dấu hiệu dương tính của nghiệm pháp. Các triệu chứng bắt buộc để chẩn đoán là đau chói vùng mỏm trâm quay và test Finkeistein dương tính.
* Ngoài ra có thể sử dụng siêu âm. Siêu âm cho thấy gân dạng dài và duỗi ngắn dầy lên. Bao gân dầy, có dịch quanh gân.
* Cần làm thêm các xét nghiệm cơ bản (đường máu, chức năng gan, thận) cần làm trước khi tiêm corticoid trong bao gân hay dùng thuốc.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
* Viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay
* Thoái hóa khớp gốc ngón tay cái
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
* Viêm bao hoạt dịch gân cơ duỗi cổ tay quay ngắn và dài
* Chèn ép nhánh nông thần kinh quay.
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc điều trị
* Kết hợp nhiều phương pháp điều trị: không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa.
* Dự phòng bệnh tái phát: Loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, chú ý tư thế lao động đúng…
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Các phương pháp không dùng thuốc
* Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái (thường 4-6 tuần)
* Trường hợp sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục trong 3-6 tuần ở tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái dạng 45 độ so với trục xương quay và gấp 10 độ.
* Chườm lạnh.
4.2.2. Dùng thuốc
* Thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ: volrtaren emulgen bôi 2-3 lần/ngày.
* Thuốc giảm đau: Paracetamol, Efferalgan, Tylenol… 0,5g x 2-4 viên/24h.
* Thuốc chống viêm không streroid đường uống. Dùng một trong các loại thuốc sau: Diclofenac (Voltaren) 50mg x 2 viên/24h; Meloxicam (Mobic) 7,5mg x 1-2 viên/24hh; Celecoxib (Celebrex) 200mg x 1-2 viên/24h.
* Tiêm corticoid trong bao gân De Quevain. Cần tránh tiêm vào mạch máu. Do vậy tốt nhất là nên tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm do tính chính xác, độ an toàn cao. Chỉ các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa khớp mới được tiêm corticoid trong bao gân vì có nguy cơ đứt gân khi tiêm vào gân hay nhiễm trùng.
+ Các chế phẩm:
* Hydrocortison acetat là loại tác dụng nhanh, thời gian bán hủy ngắn. Liều cho 1 lần tiêm quanh khớp 0,3ml. Tiêm không quá 3 lần cho mỗi đợt điều trị.
* Depo-Medrol (Methyl prednisolon acetat): tác dụng kéo dài, liều dùng 0,3ml/1 lần, mỗi đợt tiêm 2 lần. Mỗi năm không quá 3 đợt.
* Diprospan (1ml = 5mg Betamethasone dipropionate + 2mg Betamethasone sodium phosphate). Liều dùng 0,3ml/1 lần tiêm.
4.2.3. Điều trị ngoại khoa
Chỉ áp dụng khi tất cả các biện pháp trên không hiệu quả. Can thiệp phẫu thuật tạo ra nhiều không gian hơn cho gân hoạt động để gân không cọ sát vào hường hầm nữa. Sau mổ, có thể tham gia phục hồi chức năng. Sau khi cắt chỉ, tập các bài tập chủ động để tăng dần biên độ và sức mạnh của các cơ.
5. Theo dõi và quản lý
* Tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lập đi lập lại trong thời gian dài; cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cũng cần tập luyện cho gân dẻo dai qua những bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.
* Không nên xoa bóp thuốc rượu, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân khớp.
* Ngoài ra, nên có chế độ ăn đầy đủ sinh tố, đặc biệt ở phụ nữ khi mang thai hay sau khi sinh. Ở người lớn tuổi, nên bổ sung thêm calci, dùng sữa và các sản phẩm của sữa (sữa chua, phomat).
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc
Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai
Originally posted 2012-10-19 04:52:12.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !