(ĐTĐ) – Vẹo cột sống có thể gây chèn ép hệ tuần hoàn và hô hấp, dẫn đến suy tim hoặc rối loạn thông khí ở phổi, làm chậm phát triển về chiều cao và giảm tuổi thọ sau này.
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Phó Giám đốc BV Việt Đức, ở nước ta có nhiều trẻ bị vẹo cột sống không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nên ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của cơ thể.
Hiện nay, phẫu thuật vẹo cột sống cho trẻ em ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số trung tâm chỉnh hình lớn như BV Việt Đức, BV 108, BV chỉnh hình TPHCM. Còn lại, hầu hết các BV chỉ phẫu thuật các bệnh lý về đĩa đệm; kỹ thuật chỉnh hình cột sống gần như chưa có.
Cùng với đó, đa phần các bác sĩ chỉ khám về cong vẹo cột sống cho trẻ, chứ không làm phẫu thuật. Trong khi đó, phẫu thuật mới có thể chữa dứt điểm các bệnh lý về cong vẹo cột sống.
“Cho đến nay, các thầy thuốc mới chỉ điều trị bằng phương pháp bảo tồn, được điều trị đến hết giai đoạn trưởng thành của trẻ, nhưng hiệu quả lại không cao. Đến khi ấy, trẻ mới được gửi đến các trung tâm phẫu thuật chỉnh hình thì đã quá muộn, không thể chỉnh hình được”, PGS-TS. Nguyễn Văn Thạch chia sẻ.
Mặt khác do trẻ bị cong vẹo cột sống nhưng vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường, nên nhiều bậc phụ huynh chủ quan. Bên cạnh đó do cũng chưa thấy được những biến chứng sau này của trẻ nếu không đi phẫu thuật sớm, nên nhiều trẻ đến viện trong tình trạng quá muộn.
Vẹo cột sống là sự biến dạng làm cột sống cong từ bên này sang bên kia. Nhìn từ phía sau cột sống của trẻ vẹo có thể hình chữ S hoặc chữ C.
Vẹo cột sống có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó vẹo cột sống mắc phải (thường gặp ở lứa tuổi học đường do ngồi tư thế không hợp lý trong thời gian dài) là dễ điều trị nhất, vì với nguyên nhân này, nếu được phát hiện sớm, trẻ chỉ cần tập luyện sẽ chữa khỏi bệnh.
Ngoài vẹo cột sống mắc phải, còn có vẹo cột sống vô căn, chiếm khoảng 65%; vẹo bẩm sinh chiếm 15%, còn lại 10% do thứ phát của bệnh lý thần kinh cơ (vẹo cột sống mắc phải).
Vẹo cột sống có thể gây sự chèn ép đối với hệ tuần hoàn và hô hấp, dẫn đến triệu chứng suy tim hoặc rối loạn thông khí ở phổi, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là chậm phát triển về chiều cao và giảm tuổi thọ sau này.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Theo các chuyên gia y tế, vẹo cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt phát triển nhanh ở tuổi dậy thì, thường gặp ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Đa số vẹo cột sống ở trẻ dưới 3 tuổi có nguyên nhân bẩm sinh.
Tại Việt Nam, rất nhiều trẻ bị vẹo cột sống không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, nên tình trạng bệnh ngày càng nặng. Khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị vẹo nặng do phát hiện muộn không được điều chỉnh kịp thời, hoặc do điều trị không đúng cách.
Trước thực trạng trên, Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam (VOA) đã phối hợp với Hội Hàn lâm phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Mỹ, Viện Chấn thương chỉnh hình tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên đề phẫu thuật cột sống cho trẻ em.
Tại các khóa tập huấn, các phẫu thuật viên và giảng viên của Việt Nam được các chuyên gia giảng bài và thảo luận về các kỹ thuật xung quanh các bệnh lý về vẹo cột sống vô căn ở thiếu niên; các biến chứng và cách kiểm soát các biến chứng phẫu thuật; dị dạng cột sống bẩm sinh; gù cột sống ở trẻ em; dị dạng thần kinh cơ…
Trong năm nay, khóa tập huấn này sẽ diễn ra trong 5 này từ 31/3-4/4, thuộc khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa VOA và Hội Hàn lâm phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Mỹ. Đây là lần thứ 4, chương trình hợp tác này tổ chức khóa tập huấn phẫu thuật cột sống trẻ em tại Việt Nam.
Riêng trong hai năm 2012 và 2013, các khóa tập huấn đã khám tư vấn miễn phí cho tổng cộng gần 300 trẻ em vẹo cột sống; tiến hành phẫu thuật cho hơn 20 trẻ em vẹo cột sống và đào tạo cơ bản cho hơn 40 phẫu thuật viên cột sống Việt Nam về chỉnh vẹo trẻ em.
Nguồn Baodientu.chinhphu.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !