(ĐTĐ) – Ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi, ngồi trước quạt, máy lạnh (máy điều hoà) lâu, tắm rửa ban đêm… đều có thể dẫn đến đau vai gáy.
Hội chứng đau vai gáy còn có thể do các nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, viêm, chấn thương vùng cổ… Ngoài ra, người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy.
Để phòng đau cổ, vai, gáy bạn chú ý không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ 1 giờ nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu. Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ.
Nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu để hết mỏi cổ nhưng thực tế thói quen đó lại làm bệnh thêm trầm trọng.
Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp. Ngoài ra người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. Vận động, nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng.
Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần có thể giảm đau. Nếu cơn đau kéo dài thì cần tới khám bác sỹ để có liệu pháp chữa trị kịp thời.
Nguồn Laodong.vn
Originally posted 2011-01-08 06:51:19.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !