(ĐTĐ) – Mới 30 – 40 tuổi mà nhiều người đã thường xuyên bị đau vai gáy, cổ. Bệnh có thể gây biến dạng cột sống, chèn ép thần kinh dẫn đến mất khả năng vận động.
Bác sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết bệnh lý đau vai gáy, cổ tập trung nhiều ở nhóm nhân viên văn phòng, người béo phì, lười vận động. Trong số 900 bệnh nhân đến đây khám và điều trị mỗi ngày, gần 80% trường hợp có biểu hiện đau vai gáy, cổ.
Thói quen xấu gây bệnh
Theo Phạm Trọng Thoan, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng đau vai gáy, cổ. Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, chỉ khi về già, cơ thể bắt đầu quá trình loãng xương mới hay bị đau vai gáy, cổ hoặc các khớp, chi. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít người chỉ mới 30 – 40 tuổi là dân văn phòng thường xuyên bị các cơn đau tại vai gáy, cổ hành hạ.
“Những người làm văn phòng có nhiều thói quen, hành vi có hại cho sức khỏe như ngồi làm việc sai tư thế với máy vi tính trong thời gian dài, kẹp điện thoại vào vai vừa nghe vừa ghi chép, gối đầu trên bàn để ngủ trưa hay thường xuyên nằm ngủ co quắp, vặn vẹo trên ghế…”, tiến sĩ Thoan nói.
Hội chứng đau vai gáy, cổ còn có thể gặp ở người béo phì, trọng lượng cơ thể tạo áp lực lên cột sống quá nhiều, hoặc hay gặp ở người bị thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, viêm, chấn thương, dị tật vùng cổ. Cũng có trường hợp bị đau vai gáy, cổ không xác định được nguyên nhân.
Có thể mất khả năng vận động
Theo bác sĩ Thanh, biểu hiện của hội chứng đau vai gáy, cổ là đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng cổ, vai gáy, có khi đau nhói như điện giật, cảm giác nhức nhối khó chịu. Một số trường hợp bị đau lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, hai cánh tay. Đau vai gáy, cổ thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc sau khi ngồi làm việc với thời gian kéo dài, không có giải lao, vận động.
Biểu hiện đau cũng thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, hắt hơi …, giảm khi nghỉ ngơi. Đôi khi thời tiết thay đổi cũng làm tăng tần suất xuất hiện cơn đau.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Tuy nhiên, đau vai gáy, cổ khác với bệnh viêm quanh khớp vai là không bị hạn chế vận động. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người chủ quan, bỏ qua các cơn đau. “Đau vai gáy, cổ có thể gây biến dạng cột sống, chèn ép thần kinh khiến người bệnh mất khả năng vận động”, bác sĩ Thanh cảnh báo.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy cần giữ cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu. Khi ngủ không nên gối đầu cao quá 10 cm hoặc nằm xem ti vi lâu ở một tư thế. Do yêu cầu nghề nghiệp, khi ngồi lâu trong một thời gian dài nên giải lao, làm vài động tác vận động như cúi xuống, đứng lên, quay đầu, xoay cổ nhẹ nhàng vài phút sau một giờ làm việc. Khi ra ngoài đường, mọi người nên đội mũ, nón che nắng vùng cổ, gáy. Người đã xuất hiện cơn đau nên bỏ thuốc lá, thuốc lào vì chất độc trong thuốc gây thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý, đối với người được chẩn đoán đau vai gáy, cổ do thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ tuyệt đối không nên xoay cổ, vặn cổ hoặc xoay lưng mạnh. Bởi các động tác này sẽ khiến bệnh càng nặng hơn. Do đó, khi thấy đau vai gáy, cổ thường xuyên, nên đi khám tại các cơ sở y tế đã có những chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng nhất.
Nguồn Baodatviet.vn
Originally posted 2010-12-09 08:15:07.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !