(ĐTĐ) – Đau thắt lưng và thần kinh hông to do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó 2 nguyên nhân chủ yếu là thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.
Thoái hóa cột sống.
Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của xương, sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp.
Nguyên nhân.
– Sự lão hóa: Ở người trưởng thành các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo, mặt khác khi người ta già đi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit, làm cho chất lượng sụn kém dần nhất là tính đàn hồi và chịu lực.
– Yếu tố cơ giới: Là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa nhất là thể thoái hóa thứ phát, thể hiện bằng sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp và đĩa đệm, còn được gọi là hiện tượng quá tải, bao gồm:
+ Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.
+ Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống.
+ Sự tăng tải trọng do tăng cân quá mức như béo phì, tăng tải trọng do nghề nghiệp…
– Các yếu tố khác.
+ Di truyền: cơ địa già sớm.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
+ Nội tiết: tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.
+ Chuyển hóa: bệnh gout, bệnh da sạm màu nâu.
Thoái hoá đốt sống (Spondylosis):
– Là sự thoái hoá các thành phần của xương cùng các dây chằng cột sống. Dây chằng quanh cột sống bị kéo giãn ra và đóng vôi ở đoạn sát bờ đĩa đệm để tạo nên các gai xương. Gai xương thường xuất hiện ở bờ trước thân đốt sống, ít khi thấy ở bờ sau, nếu có thì dễ chèn ép vào tủy sống. Quá trình thoái hoá này nặng dần theo tuổi dẫn đến phì đại mỏm khớp và lỏng lẻo dây chằng.
– Hậu quả của thoái hoá đốt sống dẫn đến hẹp lỗ ghép (do mọc gai xương, phì đại mỏm khớp, hẹp đĩa đệm); trượt thân đốt (do mỏm khớp thoái hoá nặng, dây chằng lỏng lẻo, hở eo) và hẹp ống sống.
Thoái hoá đĩa đệm (Disc degeneration): gồm tổn thương nhân nhày mất nước, vòng sợi giảm chiều cao và có nhiều vết rách (nứt), dẫn tới thoát vị đĩa đệm (làm ép rễ thần kinh, chèn tuỷ hoặc đuôi ngựa).
Hư xương sụn cột sống (Osteochondrosis): Là sự thoái hoá loạn dưỡng đĩa đệm và sự phản ứng của các tổ chức kế cận (dày mâm sụn, co cứng cơ cạnh sống, đau rễ thần kinh), biến đổi tăng dần theo lứa tuổi.
Bốn giai đoạn của hư xương sụn cột sống:
Giai đoạn 1: biến đổi nhân nhày, co cứng cơ do bị kích thích.
Giai đoạn 2: cột sống mất vững, hẹp đĩa đệm, giả trượt đốt sống.
Giai đoạn 3: vòng sợi bị vỡ, gây lồi hoặc thoát vị đĩa đệm.
Giai đoạn 4: mỏ xương, cầu xương, hẹp lỗ ghép.
Nhìn chung: các bệnh lý đau cột sống đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tổn thương thoái hoá và thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Bệnh căn và bệnh sinh.
– Yếu tố dịch tễ học:
+ Về giới: nam nhiều hơn nữ, thường chiếm tới 82%.
+ Tuổi: thường xảy ra ở lứa tuổi lao động từ 20-49 chiếm tới trên 90%.
+ Vị trí hay gặp: thường xảy ra ở đĩa đệm L4-L5 và L5-S1, do hai đĩa đệm này là bản lề vận động chủ yếu của cột sống.
+ Nghề nghiệp: đa số là những người lao động chân tay nặng nhọc.
– Yếu tố chấn thương: là nguyên nhân hàng đầu. Trong đó chấn thương cấp tính, mạn tính và vi chấn thương đều là những nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên chấn thương gây ra thoát vị đĩa đệm chỉ phát sinh khi bệnh nhân bị bệnh lý hư xương sụn cột sống thắt lưng hoặc thoái hóa đĩa đệm.
– Thoái hóa đĩa đệm: đĩa đệm có thể bị thoái hóa sinh lý (lão hóa) hay thứ phát đến một mức độ nào đó sẽ không chịu đựng được một lực chấn thương nhẹ hay một tác động của tải trọng nhẹ cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm.
– Những yếu tố gây nên thoát vị đĩa đệm:
+ áp lực trọng tải cao.
+ áp lực căng phồng của tổ chức đĩa đệm cao.
+ Sự lỏng lẻo trong từng phần với sự tan rã của tổ chức đĩa đệm.
+ Lực đẩy, nén ép, xoắn vặn quá mức vào đĩa đệm cột sống.
Nói tóm lại có thể khái quát, thoái hóa đĩa đệm là nguyên nhân cơ bản, tác động cơ học là nguyên nhân khởi phát và sự phối hợp của hai yếu tố đó là nguồn phát sinh thoát vị đĩa đệm.
Triệu chứng.
Hội chứng cột sống: Biểu hiện có thể cấp tính hoặc mạn tính gồm các triệu chứng đau và hạn chế vận động cột sống.
Hội chứng rễ thần kinh: Gồm các biểu hiện đau dọc rễ và dây thần kinh hông to, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động và rối loạn phản xạ gân xương.
Trên lâm sàng, hội chứng cột sống xuất hiện độc lập dược gọi là hội chứng thắt lưng cục bộ, nếu kết hợp cùng hội chứng rễ được gọi là hội chứng thắt lưng hông.
Điều trị.
Điều trị bảo tồn:
Được chỉ định cho tất cả các thể thoái hoá cột sống và thát vị đĩa đệm mức độ vừa và nhẹ, các phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm:
– Dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ: Phương pháp này chỉ dùng được trong giai đoạn đầu, khi bệnh còn nhẹ. Bên cạnh đó còn có nhiều tác dụng phụ của thuốc như dị ứng, viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hoá, loãng xương.
– Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp dùng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp khác, có tác dụng rất tốt, hầu như không có tai biến. Bao gồm: điện trị liệu, nhiệt trị liệu, xoa bóp-bấm huyệt-tác động cột sống, kéo giãn cột sống, điện châm…
Điều trị phẫu thuật:
Chỉ định cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm mức độ nặng, đã điều trị bảo tồn không có hiệu quả. Không có chỉ định phẫu thuật đối với thoái hoá cột sống. Các phương pháp phẫu thật gồm:
– Mổ hở: là phương pháp can thiệp ngoại khoa khá nặng nề phá huỷ một phần đốt sống, kết quả rất hạn chế do sẹo có thể co kéo gây thoát vị đĩa đệm các đốt sống tiếp theo
– Ăn mòn bằng men: có thể có tai biến rất nặng nề
– Mổ nội soi.
– Kỹ thuật giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da.
– Phương pháp điều trị bằng sóng radio cao tần.
Originally posted 2010-08-18 13:35:08.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !