(ĐTĐ) – Người Anh đã đặt tên cho những căn bệnh mới này: “text neck”: đau ở cổ và “text thumb injury”, đau ngón tay, do việc sử dụng quá mức điện thoại di động và máy tính bảng. Theo một cuộc thăm dò được công bố gần đây, tại Anh, hiện có đến 44% người sử dụng điện thoại di động, ngoài việc nói chuyện còn bỏ ra từ nửa tiếng đến hai tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm chuyện khác như gửi tin nhắn, truy cập internet, mạng xã hội…
Nhưng theo bà Sammy Margo – một thành viên của Liên đoàn Các nhà liệu pháp vận động Anh, cơ thể của chúng ta không được cấu tạo để hoạt động như thế. Bà lưu ý là bàn phím của các điện thoại di động quá nhỏ, buộc các ngón tay của chúng ta phải làm việc rất nhiều. Bà Margo cho biết, một bệnh nhân của bà vì bị đau quá mức đã phải ngưng sử dụng bàn phím và dùng một phần mềm nhận biết giọng nói để thực hiện những thao tác với điện thoại di động. Ngoài vấn đề bàn phím, màn ảnh cũng là nguyên nhân làm trẹo cổ, đau tay. Trọng lượng trung bình của đầu từ 4,5-5,5kg. Trong tư thế “lý tưởng”, ta có thể kẻ một đường thẳng giữa tai, vai, hông, đầu gối và mắt cá chân. Khi đó, trọng lượng của đầu được chia đều ra toàn cơ thể. Nhưng khi ta nhìn màn ảnh, đầu của chúng ta có khuynh hướng nghiêng về phía trước, cho nên ta sẽ cảm nhận trọng lượng của đầu nặng hơn gấp bốn lần.
Ngồi trước màn hình vi tính nhiều cũng là nguyên nhân làm trẹo cổ.
Hiện nay, việc sử dụng các tablet kỹ thuật số và các máy đọc điện tử ngày càng phổ biến và theo kết quả thăm dò nói trên, 18 người sử dụng những thiết bị đó bỏ ra từ 2 – 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ấy là chưa kể thời gian sử dụng máy vi tính, công cụ làm việc phổ biến nhất hiện nay. Bà Emmanuelle Rioval, một bác sĩ chuyên về xương ở Paris cũng thấy là trong số các bệnh nhân của bà ngày càng có nhiều người bị đau đến liệt cả người vì mỗi ngày ngồi trước màn ảnh máy vi tính hơn 5 tiếng đồng hồ. Vấn đề chủ chốt ở đây là thị lực. Dùng điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính buộc các cơ mắt làm việc rất nhiều. Mà khi một cơ mắt được huy động thường xuyên thì các cơ ở những bộ phận khác cũng phải tham gia để hỗ trợ cho nó: quai hàm, cổ, vai. Từ cơ này sang cơ kia, bệnh nhân có thể sẽ có cảm giác kiến bò trên các ngón tay, rồi bị viêm gân, đau gáy, đau lưng…
Những triệu chứng này đang trở thành một dịch bệnh ở Pháp, đến mức trở thành bệnh nghề nghiệp chiếm hàng đầu ở nước này, với 9,7 triệu ngày nghỉ bệnh trong năm 2010. Tại Anh, 1/50 người lao động bị những triệu chứng nói trên. Cho nên, các nhà chuyên môn khuyên là không nên sử dụng các điện thoại thông minh smartphone quá 40 phút mỗi ngày, phải thường xuyên tạm nghỉ vài phút, ngẩng đầu lên cho thẳng với vai. Họ cũng khuyên là nên thường xuyên ngước mặt lên nhìn về phía xa, nên ngáp vài cái để làm thư giãn các cơ, vươn vai, ưỡn dài người ra như những con mèo. Làm như thế cũng giống như là ta “khởi động” lại các tế bào, để chúng “cảnh giác” trở lại. Nếu không, các cơ sẽ bắt đầu co lại dẫn đến đau nhức.
Bên cạnh text neck, gút cũng bị coi là “dịch” của thời hiện đại vì mức độ phát triển nhanh. Hơn nữa, căn nguyên từ việc nhậu nhẹt quá chén, mà có thể xem các bàn nhậu, buổi nhậu vô độ là nơi phát sinh. Tỷ lệ bệnh gút ngày một gia tăng ở cả các nước Âu Mỹ và nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand. Tỷ lệ bệnh gút ở Anh và Đức từ năm 2000 – 2005 là 1,4% và ở Mỹ vào năm 1996 là 0,94%. Tỷ lệ bệnh gút trong dân cư của 5 thành phố lớn ở phía Tây Trung Quốc chiếm 1,14%. Trung Quốc là một nước có nền kinh tế phát triển, bệnh gút ở đây có sự liên quan đến béo phì, bệnh tăng huyết áp, mức độ tiêu thụ thịt, cá và rượu. Phần lớn, bệnh nhân gút có nồng độ axit uric máu trên 416,5 mmol/l. Khuyến cáo của Hội Thấp khớp học châu Âu (EULAR), mục đích đạt được trong điều trị giảm axit uric dưới 360mmol/l. Tăng axit uric máu chịu tác động của yếu tố gen và thực phẩm. Nghiên cứu ở Trung Quốc còn cho thấy, nam giới có mức tiêu thụ nhiều nước giải khát (soda) dẫn đến nguy cơ gút rất cao. Tăng insulin máu làm giảm bài tiết urat niệu và dẫn đến tăng axit uric. Sử dụng thực phẩm giàu chất purin, các loại rượu mạnh dẫn đến tăng sản xuất urat và tăng tổng hợp axit uric.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !