(ĐTĐ) – Theo BS Trần Ngọc Hải (BV Từ Dũ), 24 giờ sau sinh, những em bé non tháng nhẹ cân, sinh mổ, sinh khó… sẽ được chuyển đến Khoa Phục hồi chức năng để tầm soát.
Những trường hợp trật khớp háng bẩm sinh, bàn chân bị nghiêng ngoài, chân khoèo, gãy xương đòn, vẹo cổ, chậm vận động, gối quật ngược… sẽ phải tập vật lý trị liệu ngay, có khi quá trình tập luyện phải bắt đầu từ ngày thứ hai sau sinh.
Sử dụng băng keo để nẹp vuốt chỉnh bàn chân cho bé
Can thiệp sớm, hiệu quả cao
Mỗi ngày, Khoa Phục hồi chức năng của BV Từ Dũ tiếp nhận khoảng 150 trường hợp trẻ sơ sinh đến khám và điều trị các dị tật bẩm sinh bằng vật lý trị liệu. Bé Hà Thị H.D. (2009, Q.10, TPHCM) bị khoèo chân từ khi mới chào đời. Tại Khoa Vật lý trị liệu, bé H.D. đã được bó chân đến tám lần. Sau đó, bé còn phải trải qua một thủ thuật nhỏ, cắt gân gót và tiếp tục mang giày chuyên dụng cho đến khi được sáu tuổi. Bàn chân và dáng đi của D. hiện đã gần như trở lại bình thường. Bé Nguyễn Thị M.Tr. (sinh tháng 11/2011, Q.9) bị gối quật ngược, đã được cố định bằng mousse và băng thun trong tư thế gối gập 90 độ. Sau gần nửa năm, tình trạng trên đã cải thiện rõ rệt.
BS Lê Thị Hiền Nhi – Khoa Phục hồi chức năng (BV Từ Dũ) cho biết: “Trẻ sơ sinh bị chân khoèo chiếm khoảng 4/1.000. Nhờ được tập vật lý trị liệu, các cơ, khớp của trẻ mềm dẻo hơn, cho dù sau này trẻ phải phẫu thuật thì kết quả điều trị cũng sẽ tốt hơn. Nếu áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu ngay từ đầu, trẻ có thể chỉ cần chỉnh hình mà không phải trải qua phẫu thuật.
Đặc biệt trong các trường hợp chân khoèo, hầu như có thể điều trị bảo tồn, tỷ lệ phẫu thuật hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 15 – 20%. Phụ huynh cần lưu ý, trường hợp bé bị chân khoèo và đã từng phẫu thuật, nếu không được tập vật lý trị liệu, nguy cơ dị tật sẽ tái phát, chức năng đi đứng của bàn chân sẽ yếu đi và bé dễ bị đau khi di chuyển”.
Trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật thường gặp khác, cũng có thể được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu cho trẻ trước sáu tháng tuổi. Chỉ cần vài miếng mousse, tã đặc biệt, nẹp cố định không cần phẫu thuật, tỷ lệ thành công lên đến 90%…
Cần tuân thủ đúng hướng dẫn
Với những trường hợp bị trật khớp háng, trẻ phải mang tã và mousse suốt thời gian điều trị. BS Lê Thị Hiền Nhi tư vấn: “Bé vẫn được tắm rửa, vệ sinh thân thể như những bé bình thường, chỉ khác là các bậc cha mẹ không được nắm chân bé lên khi thay tã mà phải dùng tay để nâng mông bé. Điều đáng ngại là các bậc cha mẹ vẫn rất hay quên điều cơ bản này.
Mặt khác, nhiều bà mẹ do xót con khóc, nên thường tháo giày nẹp hoặc mousse chỉnh hình, làm cho bàn chân, khớp háng đã được nắn chỉnh của bé bị dị tật trở lại. Vì vậy, khi bé khóc, nên kiên nhẫn dỗ dành, bế bồng bé”.
Bé Nguyễn Thị T.V. (tám tháng, H. Củ Chi) đã bắt đầu tập vật lý trị liệu khi được hai tuổi vì bàn chân khoèo. Sau hơn 10 lần bó ép và cắt gân gót, bé phải mang giày nẹp ponseti. Tuy nhiên, khi bé bắt đầu tập bò, người nhà đã tự ý bỏ giày ra và bé chỉ mang giày khi đi ngủ. Hậu quả là bàn chân của bé bị cong trở lại và có nguy cơ phải trải qua một cuộc phẫu thuật chỉnh hình.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Theo các BS chuyên khoa vật lý trị liệu, các bé sử dụng băng keo và đế nhựa, khi thấy các ngón chân bé bị tím, trắng bạch hoặc ẩm ướt, cha mẹ có thể kiểm tra bằng cách tháo băng, sau đó băng lại theo phương pháp đã được hướng dẫn hoặc đưa bé đến BV. Khi tháo băng, có thể dùng loại dầu dành cho trẻ như baby oil để thấm vào mặt trong của băng keo, bề mặt của da; sau đó rửa chân bé bằng dầu tắm và nước ấm. Đế nẹp chuyên dụng phải được lau chùi hằng ngày bằng dầu khuynh diệp, sau đó rửa lại bằng xà bông.
Nguồn Phunuonline.com.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !