(ĐTĐ) – Liệt vận động do nguyên nhân thần kinh là một vấn đề thường gặp trong thực hành lâm sàng ở nhiều chuyên khoa: thần kinh, nhi khoa, nội khoa, ngoại khoa… Bệnh nhân có thể bị bại liệt vận động ở một chi, nửa người, hai chân hoặc tứ chi với các mực độ nặng nhẹ khác nhau.
GS.TS. Lê Đức Hinh (Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam) cho biết, nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut hướng thần kinh, ký sinh vật), nhiễm độc (kim loại nặng, thuốc men, chất độc hóa học, ma túy…), rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa (thiếu vitamin B1, B12, đái tháo đường…), chấn thương hệ thần kinh, khối u hệ thần kinh, các bệnh mạch máu ở não, tủy sống, các bệnh thoái hóa, các bệnh hệ thống…
Luyện tập phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.
Hiện nay có rất nhiều hướng để xử trí liệt vận động như điều trị nội khoa, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, y học cổ truyền…
Thuốc được dùng trong điều trị như: các thuốc giảm đau, vitamin (vitamin B1, B6, B12), các thuốc giãn cơ (mephenesin, chlorphenesin, diazepam…), thuốc phong bế tiêm cục bộ (phenol, độc tố botulinum A)…
Các thuốc điều trị di chứng liệt vận động có thể sử dụng: benzadol (có tác dụng đối với di chứng bại liệt polio và một số bệnh lý rễ và dây thần kinh do viêm), galantamin (là alcaloid chiết xuất từ cây Galantus nivalis có tác dụng đối với di chứng bại liệt polio, viêm rễ và viêm dây thần kinh, loạn dưỡng cơ tiến triển).
Theo GS.TS. Lê Đức Hinh, muốn xử trí đúng liệt vận động cần thăm khám lâm sàng kết hợp với các thăm dò chức năng và xét nghiệm cận lâm sàng giúp xác định nguyên nhân và chỉ ra hướng xử trí thích hợp.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !