I. ĐẠI CƯƠNG
Hầu hết người bệnh cắt cụt ngang xương chày đều sử dụng chân giả dưới gối tốt vì có tay đòn dài để điều khiển bàn chân giả và cổ chân nên tiêu hao năng lượng ít hơn so với các mức cắt cụt cao hơn. Khi khớp gối còn nguyên, người bệnh có thể tái rèn luyện dáng đi và đạt được dáng đi bình thường. Chân giả chịu sức nặng ở gân xương bánh chè dành cho người bệnh cắt cụt dưới gối đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ và khó phát hiện ra dáng đi sai về phục hồi chức năng vận động, di chuyển.
II. CHỈ ĐỊNH
Cắt cụt ngang xương chày
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật, mỏm cụt bị sưng và phù nề lâu.
– Tổn thương trầm trọng và rách phần mềm mỏm cụt.
– Khớp gối bị co rút gấp (do mất cân bằng cơ), đau, viêm khớp xương và không vững chắc dây chằng.
– Tình trạng cơ của chân cắt cụt không hoạt động, sẹo dính, đầu xương không đều, da ghép và cảm giác kém.
– Chân giả dưới gối không vừa vặn.
– Tái rèn luyện dáng đi với chân giả không còn phù hợp
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
2. Phương tiện: Chân giả dưới gối, ghế ngồi, thanh song song, gương tập.
3. Người bệnh: Được giải thích rõ mục đích tập luyện để hợp tác tốt.
4. Hồ sơ bệnh án: Có chỉ định của Bác sỹ về tập luyện với chân giả dưới gối.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Người bệnh đứng giữa hai thanh song song, hai bàn chân cách nhau 12 cm
– Giữ tư thế đúng, chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia.
– Không gấp gối phía chân lành.
– Người bệnh chuyển trọng lượng bằng cử động của khớp hông chứ không phải của thân mình.
– Hai vai và xương chậu phải được giữ ở vị thế ngang, cân xứng hai bên.
3.2. Đứng trước gương tập và giữa thanh song song
– Đặt hai bàn tay trên hai thanh song song ở hai bên thân mình.
– Bước chân giả một bước ngắn về phía trước, trên chân lành.
– Giữ nguyên chân giả ở vị trí này, bước chân lành về phía trước và ra sau.
– Dồn hết trọng lượng trên chân lành ở giai đoạn đầu và cuối của bước.
– Khớp gối chân giả gấp khi chân lành bước về phía trước.
– Bàn chân lành nên bước qua sát bàn chân giả nhằm chuyển trọng lượng thân mình trực tiếp trên chân giả.
3.3. Dồn trọng lượng trên chân lành đã đặt trước chân giả một bước
– Gấp khớp gối chân giả.
– Chuyển trọng lượng từ gót tới các ngón của bàn chân lành.
– Bước chân giả lên phía trước một bước.
– Dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể trên chân giả ở giai đoạn cuối của bước (khớp gối chân lành phải gấp khi trọng lượng dồn lên gót chân giả)
3.4. Bước ngang
3.4.1. Về phía chân lành
– Bước 1 bước ngắn về phía chân lành.
– Khớp gối chân giả gấp.
– Vẫn giữ bàn chân tiếp xúc với sàn nhà, kéo bàn chân giả sát sàn nhà đến bên chân lành.
3.4.2. Về phía chân giả
Dồn toàn bộ trọng lượng lên chân lành:
+ Di động chân giả, hơi gập nhẹ gối.
+ Chịu ngay sức nặng trên chân giả, khi bàn chân đặt xuống.
3.5. Ngồi xuống ghế
– Đứng đối mặt với ghế, chân lành gần chân trước của ghế, phía trên chân giả.
– Xoay bàn chân lành về phía chân giả, kéo chân giả bằng mức với chân lành.
– Gập thân mình về phía trước và ngồi xuống ghế (đối với người già bị cắt cụt dưới gối có thể chống một tay trên mặt ghế trong khi đặt bàn tay kia trên khớp gối lành).
3.6. Đứng dậy khỏi ghế
– Đặt gót chân lành gần phía dưới ghế trong khi bàn chân giả ở phía trước.
– Gấp thân mình về phía trước và đứng dậy trên chân lành.
– Chuyển trọng lượng sang chân giả và bước tới với chân lành (với người già bị cắt cụt dưới gối có thể chống thêm hai bàn tay trên gối).
3.7. Đứng dậy từ mặt sàn nhà
– Đặt bàn tay phía chân lành trên nền sau thân mình.
– Đặt bàn chân lành sát mặt nền.
– Đặt bàn tay kia bên cạnh bàn tay phía chân lành.
– Xoay thân mình về phía chân lành và xoay trụ quanh bàn chân lành.
– Nhún đứng dậy với hai tay và duỗi chân lành.
3.8. Ngồi xuống sàn nhà
– Đặt chân giả hơi về phía sau.
– Cúi xuống chống tay và chịu sức nặng trên hai bàn tay.
– Hạ thân mình xuống, xoay về phía chân lành và ngồi xuống mông phía ấy.
3.9. Bước lên cầu thang
– Chuyển, dồn trọng lượng cơ thể lên chân giả, sau đó bước chân lành lên bậc thang đầu tiên bằng.
– Duỗi mỏm cụt ra rồi gấp hông để gấp gối lại và bước chân giả lên cùng bậc, đặt bàn chân giả bên cạnh bàn chân lành.
– Người mang chân giả dưới gối có thể tập bước mỗi chân lên một bậc thang.
3.10. Bước xuống cầu thang
– Đặt gót chân giả trên cạnh bậc cầu thang:
– Chuyển trọng lượng cơ thể lên chân giả và giữ vững khớp gối bằng cách ấn mỏm cụt vào vách sau vỏ nhựa.
– Gập khớp gối giả bằng cách gập mỏm cụt lại và chuyển sức nặng thân người trên chân lành ở bục kế dưới.
– Bước xuống bậc thang đầu tiên nhịp nhàng bằng chân lành.
3.11. Vượt chướng ngại
– Bước qua chướng ngại vật bằng cách đi tới:
+ Mặt đối diện với vật chướng ngại, đặt chân lành cách xa vật khoảng 7-8 cm.
+ Chuyển trọng lượng cơ thể lên chân lành.
+ Duỗi mỏm cụt ra rồi gập mạnh hông lại để đem chân giả qua chướng ngại vật.
+ Khi gót chân giả chạm đất, duỗi mạnh mỏm cụt vào vách sau để giữ vững khớp gối và chuyển sức nặng thân người lên chân giả.
+ Bước chân lành qua chướng ngại vật.
– Bước qua chướng ngại vật bằng cách đi ngang (bước qua chướng ngại vật cao hơn 10 – 12 cm):
+ Người bệnh đứng một với bên chân giả cạnh chướng ngại vật và bàn chân giả cách chướng ngại vật 12 – 13cm.
+ Gập mạnh hông chân cụt để duỗi gối và bước qua chướng ngại vật.
+ Lúc gót chân giả chạm đất, ấn mỏm cụt vào vách sau vỏ nhựa để giữ vững gối.
+ Bước qua chướng ngại vật với chân lành và xoay người về phía chân giả.
VI. THEO DÕI
– Sau mỗi buổi tập, cần kiểm tra xem mỏm cụt có bị những điểm tỳ đè hay các vệt trầy xướt nào không?
– Nếu người bệnh có tập đi trước khi đạt được sự thăng bằng thì dễ bị những thói quen xấu rất khó sửa chữa sau này.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
– Tập quá sức: Nghỉ ngơi.
– Ngã khi tập: Chú ý cẩn thận, tránh ngã.
Trong trường hợp sử dụng gậy chống thì nên dùng hai cây gậy trong suốt thời gian luyện tập để đảm bảo sự phân bố đều sức nặng hai bên. Sau giai đoạn tập luyện, nếu người bệnh vẫn phải dùng một cây gậy thì cầm gậy ở tay phía đối bên với phía chân giả.
Theo QUYẾT ĐỊNH Số: 54/QĐ-BYT, ngày 06/01/2014 Của Bộ Y Tế
“VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG”
Originally posted 2018-10-15 03:35:36.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !