(ĐTĐ) – Các thương tổn phối hợp trong chấn thương cột sống đôi khi nguy hiểm hơn nhiều so với bản thân các thương tổn của cột sống và tủy sống.
Trong chấn thương cột sống cổ, các thương tổn phối hợp thường ở vùng đầu mặt, đó là các thương tổn hàm mặt hoặc sọ não. Sẽ rất là nguy hiểm khi các bác sĩ và nhân viên y tế loay hoay với chấn thương sọ não hoặc lo cầm máu cho gãy xương hàm trên mà không phát hiện ra chấn thương cột sống cổ. Tuy nhiên, những thương tổn phối hợp này mới chỉ là các thương tổn riêng lẻ, xuất hiện cùng một lúc với chấn thương cột sống cổ.
Ở chấn thương cột sống ngực, các thương tổn phối hợp đôi khi rất nặng nề. Tràn máu hay tràn khí màng phổi có thể trở nên vô cùng nguy hiểm. Các thương tổn ống ngực (thuộc hệ bạch huyết) đôi khi làm cho việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Trong nhiều trường hợp các thương tổn này liên quan trực tiếp đến chấn thương cột sống, do các mảnh vỡ của cột sống chọc thủng các mạch máu hoặc màng phổi… Việc điều trị cả hai thương tổn cùng lúc đôi khi rất cần thiết và lúc đó có một khó khăn đặt ra: hai cách xử lí khác nhau, các con đường dẫn đến thương tổn cũng khác nhau mà tình trạng bệnh nhân lại rất nguy kịch.
Chấn thương vùng thắt lưng có thể phối hợp với các thương tổn trong ổ bụng như chảy máu trong ổ bụng, vỡ ruột hoặc các tạng rỗng khác, rồi thương tổn niệu quản, bàng quan.. Những thương tổn này đôi khi bị chấn thương cột sống che lấp, nhất là các trường hợp thủng ruột, đến khi viêm phúc mạc nặng nề mới phát hiện được thì bệnh nhân đã bị sốc nhiễm trùng rồi. Ngoài vỡ tạng rỗng (ruột, dạ dày, bàng quan…), các tạng đặc cũng có thể bị vỡ gây chảy máu như vỡ gan, lách… Riêng tuỵ tạng, nếu bị chấn thương gây vỡ nó thì tỉ lệ tử vong có thể nói là vô cùng cao.
Ở vùng lưng – thắt lưng, các thương tổn phối hợp vừa có thể là ở ngực, vừa có thể là ở bụng. Và có một loại thương tổn phối hợp hay gặp ở vùng này là thương tổn thận. Thường thì các thương tổn thận tự khỏi nhưng thỉnh thoảng cũng có trường hợp diễn tiến kéo dài. Ngoài ra vùng này còn hay gây chảy máu trong cơ hoặc sau phúc mạc, đôi khi số lượng máu mất lên tới vài lít. Hầu hết các thương tổn phối hợp với chấn thương cột sống đều gây mất máu, cho nên việc theo dõi mất máu trong chấn thương cột sống rất quan trọng.
Sự hiểu biết về các vấn đề liên quan đến các thương tổn phối hợp trong chấn thương cột sống không phảI là vấn đề riêng của các bác sĩ và nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân được trang bị các kiến thức về vấn đề này thì sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh hầu hết các bệnh viện đều quá tải như hiện nay.
Originally posted 2011-01-14 14:11:38.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !