(ĐTĐ) – Viêm mũi dị ứng (VMDư) là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay, nó không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh…
Bản chất của viêm mũi dị ứng chính là sự phản ứng miễn dịch của mũi xoang trước các tác nhân kích thích từ môi trường như: thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, mùi lạ… Các tác nhân kích thích gây dị ứng có thể xâm nhập theo các đường: hít thở, ăn uống, hoặc qua da. Như vậy chúng ta có thể thấy bệnh viêm mũi dị ứng phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương… mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, có khi cùng một tác nhân kích thích nhưng có người bị viêm mũi dị ứng (mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau) nhưng có người hoàn toàn lại không việc gì. Do phụ thuộc vào cơ địa của từng người nên viêm mũi dị ứng thường mang yếu tố di truyền, người bị viêm mũi dị ứng được coi là người có cơ địa dị ứng.
Hắt hơi – chảy nước mũi… là một trong những biểu hiện của VMDư.
Viêm mũi dị ứng cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người.Khi sức khoẻ suy giảm, chức năng gan yếu, lệch vách ngăn… cũng dễ bị viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng nếu kéo dài và liên tục có thể dẫn đến viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, viêm xoang mãn tính hoặc pôlip mũi – xoang…
Biểu hiện của viêm mũi dị ứng
Hắt hơi: là triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng. Với người viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ hắt hơi rất nhiều khi gặp lạnh, có thể vào buổi sáng hoặc khi thời tiết thay đổi. Khi hắt hơi nhiều sẽ kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ phải co thắt.
Ngứa mũi: Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
Chảy nước mũi: Khi mới bị bệnh, người bệnh bị chảy dịch trong suốt, không có mùi ở cả hai bên mũi. Ở những ngày sau, nước mũi trở nên đục hơn do tình trạng bội nhiễm. Người bệnh bị chảy cả 2 bên mũi.Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi.
Tắc ngạt mũi: Do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi. Có khi ngạt từng bên, có khi ngạt cả 2 bên khiến người bệnh phải thở bằng miệng.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Đau: Ngoài cảm giác đầy, ngạt cứng trong mũi vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác đau nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não.
Chụp Xquang cũng không cho hình ảnh rõ rệt (khác với bệnh viêm xoang mãn tính sẽ cho thấy các hốc xoang chứa mủ).
Phân biệt VMDƯ với viêm xoang
Viêm xoang và viêm mũi dị ứng là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai bệnh dẫn đến việc trị bệnh không đúng phương pháp làm bệnh tiến triển nặng hơn.Vì vậy cần phân biệt được các triệu chứng của hai bệnh này sẽ giúp cho việc chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn và phòng tránh được những biến chứng của bệnh.
Đối với bệnh viêm xoang, do có triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi giống với viêm mũi dị ứng nên nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này. Tuy nhiên, ở viêm xoang mũi, hiện tượng chảy dịch còn tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà dịch nhầy sẽ có màu trắng đục, màu vàng, màu xanh hoặc có mùi hôi. Ngoài ra, so với bệnh viêm mũi dị ứng, bệnh viêm xoang còn có triệu chứng:
Đau nhức: Vùng bị nhức tùy theo xoang bị viêm như xoang hàm nhức vùng má, xoang trán nhức giữa 2 lông mày, xoang sàng trước nhức giữa 2 mắt, xoang sàng sau, xoang bướm nhức trong sâu, nhức vùng gáy.
Điếc mũi (mất ngửi): Thường xảy ra ở người bị viêm xoang mũi nặng do cuốn mũi bị phù nề nhiều, làm cho mùi sẽ không đến được thần kinh khứu giác nên người bệnh sẽ không ngửi thấy và cảm nhận được mùi.
Như vậy, nếu bạn đau nhẹ vùng mặt, tức hoặc đau đầu vùng sau mắt hoặc trán, hoặc mất khả năng ngửi mùi và ngạt mũi, bạn có thể đã bị viêm xoang.Nếu bạn bị tình trạng này từ 3 lần trở lên trong một năm, bạn có thể đã bị viêm xoang mãn tính.Cần lưu ý, đôi khi người bị viêm xoang mà không chảy nước mũi, ngạt mũi hay khó thở, bởi chất nhày nằm kẹt sâu trong xoang.Bệnh viêm xoang nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ có thể biến chứng thành một số bệnh nguy hiểm như: viêm họng mãn tính, viêm màng não, viêm n ão, viêm xoang mũi mãn tính…
Các thể viêm mũi dị ứng
Viêm mũi theo mùa: Thường gặp ở người trẻ, trẻ em lớn, hiếm gặp ở người già, có yếu tố gia đình, di truyền rõ. Dị nguyên thường là phấn hoa với điển hình là viêm mũi dị ứng mùa xuân với dị nguyên là hoa, cỏ… Các triệu chứng điển hình là hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi chỉ xảy ra 7-15 ngày, thường kèm theo chảy nước mắt, viêm kết mạc, dị ứng đường hô hấp dưới gây khó thở, hen phế quản nhưng không gặp mẩn, ngứa ngoài da.
Viêm mũi quanh năm: Các cơn tái phát thường xuyên, quanh năm, cũng thường có yếu tố gia đình. Dị nguyên rất đa dạng, thường gặp như bụi nhà, nấm mốc… và nhiều khi không xác định được dị nguyên. Các triệu chứng không điển hình như viêm mũi theo mùa, ngạt tắc mũi là triệu chứng thường gặp và gây khó chịu nhất, đôi khi gặp chảy nước mũi ra sau, xuống vòm.
Viêm mũi nghề nghiệp: Xảy ra với dị nguyên đặc biệt trong môi trường lao động sản xuất, liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Triệu chứng điển hình: hắt hơi, chảy nước mũi thường gặp, ở một số người có sốt nhẹ, ho, tức ngực hay cơn hen suyễn.
Điều trị như thế nào?
Tránh các dị nguyên: Muốn điều trị viêm mũi dị ứng trước hết phải tránh dị nguyên gây bệnh khỏi môi trường sống như bụi nhà, nấm, mốc… Nghĩa là, tách hoàn toàn các dị nguyên được chẩn đoán là gây bệnh khỏi môi trường sống của bệnh nhân hoặc bệnh nhân tránh những nơi có dị nguyên gây bệnh.Nếu thực hiện được điều này là lý tưởng nhất, nhưng trên thực tế là rất khó.Tuy nhiên việc giảm tối đa số lượng dị nguyên cũng cải thiện được kết quả điều trị bệnh.
Giải mẫn cảm đặc hiệu: Đây là liệu pháp miễn dịch, giải mẫn cảm hệ miễn dịch của bệnh nhân phải đối đầu với các dị nguyên gây bệnh đã được xác định.
Ăn nhiều rau quả tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Điều trị triệu chứng: Đây là liệu pháp điều trị bằng thuốc, chỉ dùng khi các biện pháp điều trị theo nguyên nhân kể trên không đỡ hoặc không thể tiến hành điều trị theo nguyên nhân được. Có thể dùng các thuốc kháng histamin (là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng). Nặng hơn dùng corticoid hoặc kháng sinh (nếu bội nhiễm). Ngoài ra trong dân gian cũng dùng cây thuốc như: kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cây cỏ hôi trong điều trị viêm mũi dị ứng. Biện pháp phẫu thuật chỉ thực hiện để giải quyết các dị hình ở hốc mũi gây viêm mũi dị ứng.
Và phòng tránh
Những trường hợp có cơ địa dễ bị dị ứng cần đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng tránh, bạn cần hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích dị ứng: Giảm, tránh bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc với lông động vật (không nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường), phấn hoa, mùi lạ, không hút thuốc lá. Cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa.Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ thay đổi hoặc khi chuyển mùa, nhất là về sáng hoặc mùa lạnh… Cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, và tăng cường hệ miễn dịch (ăn nhiều rau quả, bổ sung vitamin khi cần thiết…) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !