(ĐTĐ) – Chúng ta đều biết tập thể dục có lợi cho sức khỏe tim mạch. Những người tập thể dục thường xuyên ít bị các bệnh mạch vành hơn.
Thậm chí, nếu có bệnh lý mạch vành thì nó cũng ít nặng nề hơn và bị muộn hơn những người không tập. Ngay cả những bệnh nhân suy tim, việc tập thể dục theo một chừng mực nào đó cũng giúp cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân suy tim. Dẫu vậy không có nghĩa chúng ta cứ lao vào tập thể dục, bởi tập không đúng cách cũng có những nguy cơ nhất định của nó. Bài viết này muốn nêu những lợi điểm của tập thể dục, những nguy cơ nào khi chúng ta tập thể dục và chúng ta nên bắt đầu tập thể dục như thế nào.
Tập thể dục là một trong những biện pháp dự phòng rẻ tiền, dễ làm nhất để tránh nguy cơ mắc bệnh tim.
Lợi ích của thể dục với sức khỏe
Tập thể dục là một trong những biện pháp dự phòng rẻ tiền, dễ làm nhất trong 5 nguy cơ tim mạch chính (bên cạnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá và béo phì). Bằng chứng từ nhiều nhà khoa học đã cho thấy giảm các yếu tố nguy cơ này sẽ làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc các biến cố tim mạch khác như tai biến mạch não. Tập thể dục đều đặn có rất nhiều lợi điểm lên các yếu tố nguy cơ tim mạch. Ví dụ, tập thể dục giúp cho giảm cân nặng, tránh béo phì. Tập thể dục cũng làm giảm huyết áp. Người ta thấy rằng chỉ bằng việc tập thể dục đều đặn, huyết áp của những người có tăng huyết áp có thể giảm trung bình từ 10 – 20mmHg. Tập thể dục cũng làm giảm cả cholesterol “xấu” như LDL cholesterol, cholesterol toàn phần và làm tăng cholesterol “tốt” như HDL cholesterol. Ở người bệnh đái tháo đường, tập thể dục đều đặn có thể làm giảm liều dùng insulin (giúp cho khống chế đường máu tốt hơn). Dù gắng sức bản thân nó chỉ làm giảm rất ít nếu chỉ tính trên một chỉ số nào đó nhưng trên tổng thể, nó tác động lên nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch; vì vậy, khi nó kết hợp với các thay đổi lối sống khác như chế độ ăn, bỏ thuốc lá và dùng thuốc đều đặn sẽ làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch.
Có một số lợi điểm sinh lý khi tập thể dục. Tập thể dục làm cải thiện sức mạnh và chức năng của các cơ, làm cải thiện khả năng sử dụng oxy. Vì khả năng sử dụng oxy cải thiện, các hoạt động hàng ngày của chúng ta sẽ ít mệt mỏi hơn. Điều này cũng rất quan trọng với các bệnh lý tim mạch. Nó làm cải thiện khả năng của các mạch máu.
Những bệnh nhân mới được chẩn đoán bệnh tim, tập thể dục sẽ giúp cho bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống hàng ngày, giúp họ tự tin hơn, ít căng thẳng hơn và giảm mệt mỏi hơn. Quan trọng hơn, các nghiên cứu cho thấy việc tham gia vào tập luyện thể dục đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim sẽ giúp làm giảm 20-25% tỷ lệ tử vong. Điều này là bằng chứng rõ ràng cho tập thể dục có lợi cho bệnh nhân có bệnh tim.
Nguy cơ nào khi tập thể dục?
Khi tập thể dục cũng có các nguy cơ thoáng qua liên quan đến bệnh lý tim mạch (ví dụ như tăng nhồi máu cơ tim hoặc tăng rối loạn nhịp nguy hiểm). Tuy nhiên, nguy cơ này là rất nhỏ. Với người không có bệnh tim, nguy cơ các biến cố hoặc biến chứng tim mạch xảy ra là 1/400.000 – 800.000 giờ tập thể dục. Với người có bệnh tim, nguy cơ này là 1/62.000 giờ tập thể dục. Tuy nhiên, quan trọng hơn, các nguy cơ biến cố này giảm thấp rõ ràng ở những người tập thể dục đều đặn. Các bằng chứng cho thấy những người ít hoạt động có nguy cơ cao hơn 50 lần những bệnh nhân có tập thể dục 5 lần/1 tuần. Kể cả có các nguy cơ khi tập thể dục thì tập thể dục vẫn tốt hơn hẳn không rèn luyện thể dục. Nếu chúng ta tập thể dục đều đặn thì nguy cơ có thể khi tập thể dục là rất thấp. Hơn nữa, ngược với suy nghĩ nhiều người, phần lớn bệnh nhân nhồi máu cơ tim (hơn 90%) xuất hiện là trong tình trạng nghỉ ngơi chứ không phải khi gắng sức.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Tập thể dục vì thế cho thấy là rất an toàn. Một vài triệu chứng chúng ta nên lưu ý và dừng ngay khi chúng ta tập thể dục là khi có đau ngực, khó thở, choáng váng, cảm thấy tim bỏ nhịp hoặc tim đập rất nhanh hay thấy đánh trống ngực. Nếu các triệu chứng này xuất hiện khi ta tập thể dục, nên đến khám thầy thuốc ngay.
Tập thể dục thế nào khi có bệnh tim?Nếu bạn có bệnh tim và tuổi của bạn trên 45 và có trên 2 yếu tố nguy cơ tim mạch (như gia đình có người bệnh tim, hút thuốc lá, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, lối sống ít hoạt động hoặc béo phì), bạn nên đến tư vấn của thầy thuốc trước khi bắt đầu tập thể dục. Thầy thuốc sẽ khuyên bạn nên bắt đầu như thế nào và có thể tập những môn gì. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần các hoạt động tập thể dục mức độ trung bình khoảng nửa giờ/ngày là đủ. Các hoạt động thể dục trung bình là những hoạt động như đi bộ nhanh từ 4 – 5 cây số/giờ, các công việc nhà, đạp xe, bơi, chơi gôn, chơi tennis, chạy bộ tốc độ chậm… Các hoạt động này sẽ làm tiêu thụ khoảng 600 – 1.200 calo mỗi ngày. Nếu chúng ta không thể có thời gian để tập thể dục, hãy cố gắng làm các hoạt động nhiều hơn như thay vì đi thang máy, bạn có thể đi thang bộ hoặc thay vì đi xe máy và ôtô trên đoạn đường ngắn, hãy đi bộ. Thay vì tập thể dục thời gian dài, chúng ta có thể đi bộ trong thời gian ngắn, mỗi lần đi lại 10 phút với nhiều lần trong ngày. |
(Viện Tim mạch Việt Nam)
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !