(ĐTĐ) – Với sự phát triển của khoa học nói chung cũng như khoa học ngành y nói riêng, các nước phát triển có thể sử dụng những thiết bị y tế hiện đại, đắt tiền để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp với các nước nghèo. Vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho ra đời những thiết bị y tế rẻ tiền nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh cho người dân như 6 thiết bị y tế tiêu biểu dưới đây.
Thiết bị chữa bệnh vàng da
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, căn bệnh vàng da ảnh hưởng tới 13 triệu trẻ em, 9 triệu trong số này là ở các nước đang phát triển. Để khắc phục căn bệnh nói trên, phương pháp đơn giản nhất là dùng ánh sáng xanh, vì vậy, các nhà khoa học đã chế tạo ra các thiết bị sử dụng liệu pháp quang trị (Phototherapy device) để tắm cho trẻ trong môi trường ánh sáng xanh tăng cường. Liệu pháp này có tác dụng bẻ gãy mối liên kết bilirubin giúp chất này được đào thải dễ dàng. Các loại máy dùng ánh sáng xanh của các bệnh viện hiện đại rất đắt, giá tới trên 3.000USD và sử dụng nguồn điện lớn, nhưng thiết bị mới nói trên có tên D-Rev chỉ có giá 350USD. D-Rev sử dụng các bóng đèn LED vừa rẻ lại có thể kéo dài tuổi thọ 30.000 – 50.000 giờ, cao gấp 10 lần các bóng đèn CFL dùng trong các máy truyền thống. D-Rev rất cơ động và được xem là giải pháp tình thế chữa bệnh rất tốt cho người dân ở các nước nghèo, vì vậy tại Ấn Độ hiện nay người ta đã đưa thiết bị này vào sử dụng đại trà.
Khớp gối nhân tạo
Khớp gối nhân tạo
Để thay được khớp gối nhân tạo bằng công nghệ cao, người bệnh phải bỏ ra ít nhất 100.000USD (trên 2,2 tỷ VND), nhưng mới đây tại Ấn Độ, người ta đã đưa ra thị trường một loại khớp gối nhân tạo giá chỉ có 20USD có tên JaipurKnee. Đây là sản phẩm của một sinh viên ĐH Stanford, sản phẩm có giá thành thấp, bền, chịu được mọi môi trường kể cả đường lầy lội. Nó có cấu trúc đơn giản gồm 5 miếng nhựa và 4 chiếc vít nên có thể sản xuất được hàng loạt, đặc biệt là hợp với túi tiền của nhiều người nghèo. Tại Ấn Độ hiện nay đã có tới trên 1.300 người sử dụng sản phẩm khớp gối nhân tạo nói trên.
Xe lăn đòn bẩy
Thay vì sử dụng những loại xe lăn đắt tiền, giá từ 2.000 – 5.000USD, các chuyên gia ở phòng thí nghiệm Mobility Lab thuộc Viện công nghệ Massachussett Mỹ (MIT), đứng đầu là kỹ sư Amos Winter đã thiết kế và cho ra đời một loại xe lăn dạng đòn bẩy có tên Leveraged Wheelchair phù hợp với đường đất ở những nước đang phát triển, kể cả đường dốc ghồ ghề với giá chỉ 200USD. Người dùng chỉ cần chuyển đổi bánh răng bằng cách dùng tay để nâng hạ cần hai bên là xe đi nhanh hay chậm. Phương pháp dùng đòn bẩy có tác dụng điều chỉnh tốc độ phù hợp với mọi địa hình, xe đã được thử nghiệm tại Kenya, Ughanda và Tanzania đạt hiệu quả cao, phù hợp với nhóm người nghèo bị tàn tật để làm phương tiện đi lại và lao động.
Phương pháp kiểm tra thuốc thật, giả
Để chống nạn hàng giả, hàng nhái, các hãng sản xuất dược phẩm thường phải dùng đến kỹ thuật đắt tiền. Ví dụ như kỹ thuật tích hợp hình ảnh 3 chiều trên nhãn mác hoặc thẻ RFID nhưng nhược điểm là đắt tiền, không phù hợp với các nước đang phát triển. Để khắc phục tình trạng này, công ty Pedigree của Mỹ đã cho ra đời một giải pháp đơn giản có tên Pedigree. Đây là hệ thống phát hiện nhanh thuốc thật, thuốc giả qua nhắn tin text message. Phương pháp này kết hợp giữa điện thoại di động, điện toán đám mây và mã 10 chữ số trên nhãn mác thuốc. Thông thường, các hãng sản xuất đều có ghi mã số trên các sản phẩm của mình nên người dùng chỉ cần ghi vào điện thoại di động và gửi qua dịch vụ SMS miễn phí, kết quả sẽ nhận được câu trả lời đúng hoặc sai. Được biết, Pedigree hiện đang hợp tác với hãng Hewlett Packerd và một số hãng dược phẩm khác để thương mại hóa chương trình này tại châu Phi, giúp người dân ở đây đối phó với nạn thuốc sốt rét, thuốc đau dạ dày… giả đang có chiều hướng phát triển, gây bức xúc tại khu vực này.
Thiết bị tiệt khuẩn dụng cụ y tế bằng năng lượng mặt trời
Nhóm chuyên gia đến từ Đại học Rice (Mỹ) mới đây đã chế tạo thành công một thiết bị tiệt khuẩn dụng cụ y tế có tên Solarclave dùng năng lượng mặt trời. Đây là thiết bị khử khuẩn không cần nguồn điện truyền thống nên rất phù hợp với những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh ở các nước đang phát triển. Nó đã được Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm chứng đạt yêu cầu. Ưu điểm của Solarclave là dùng năng lượng mặt trời, kim loại tái chế và các hạt nano carbon. Khi hòa trộn trong dung dịch nước, các hạt nano hấp thụ năng lượng nhanh hơn chất lỏng. Ánh nắng mặt trời sẽ được gom vào gương dạng chảo làm cho dung dịch nóng lên và chuyển đổi các phân tử nước thành hơi nước nên có hiệu quả sử dụng năng lượng rất cao, có khả năng diệt khuẩn Geobacillus stearothermophilus, loài khuẩn rất khó tiêu diệt bằng nhiệt.
Sản xuất băng vệ sinh từ cây chuối
Ở các nước phát triển, phụ nữ sử dụng băng vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt là chuyện nhỏ nhưng ở các nước đang phát triển, nhất là những nước nghèo thì không hề nhỏ chút nào, thậm chí có người còn không đủ tiền để mua băng và hậu quả mắc phải nhiều căn bệnh viêm nhiễm do vệ sinh không đảm bảo gây ra. Một trong những mẹo hay tận dụng tối đa cây chuối để sản xuất băng vệ sinh đã được nữ kỹ sư Viện MIT của Mỹ, Katie Smyth nghĩ ra, đó là chiếc máy có tên Komera có thể biến cây chuối, quả chuối thành băng vệ sinh cho phụ nữ. Cỗ máy này của Smyth rất đơn giản, có thể chế tạo tại chỗ, giá khoảng 1.000USD, chưa kể tiền điện. Smyth hiện đang nghiên cứu tiếp để có thể sản xuất băng vệ sinh từ nhiều loại cây trồng khác có sẵn tại các nước đang phát triển. Những cỗ máy đầu tiên hiện đang được thử nghiệm tại Rwanda và cho kết quả tốt, sản phẩm vừa rẻ tiền lại đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và phù hợp với điều kiện kinh tế của những người dân địa phương.
Theo PM, 1/2014 – Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !