(ĐTĐ) – Đã hơn 30 năm làm việc trong ngành y, nhớ lại những ngày mới ra trường với bao bỡ ngỡ, bao khó khăn trong nghề. Tài liệu cho một bác sĩ mới ra trường ngày đó chủ yếu là các bài chép tay khi nghe các thầy giảng, không có sách chuyên khoa như ngày nay, không có các tạp chí chuyên ngành, không có internet để tra cứu cập nhật thông tin mới. Do vậy, năng lực của bác sĩ mới ra trường còn hạn chế. Bây giờ, nhớ lại có những bệnh nhân khi đến khám tại phòng khám, tôi đã chẩn đoán sai, điều trị không được tốt.
Tôi còn nhớ mãi một số sai sót đã xảy ra khi hành nghề. Đó là một lần một đồng nghiệp đưa người nhà đến nhờ tôi khám. Bệnh nhân nữ tuổi 15-16, bị đỏ bừng mặt, đôi khi ngứa, nhưng do thiếu kinh nghiệm lâm sàng, thiếu thận trọng, tỉ mỉ trong khi khám bệnh, tôi đã kết luận luôn là cháu mắc dị ứng.
Sau đó, cháu được một bác sĩ khác giàu kinh nghiệm khám cẩn thận hơn, được xét nghiệm và chẩn đoán là bệnh luput ban đỏ hệ thống, một bệnh tự miễn dịch. Tiên lượng và cách điều trị bệnh hoàn toàn khác. Sai lầm của tôi tuy chưa dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh nhưng tôi luôn dằn vặt và coi đó là một bài học lớn mà sau này tôi đã cẩn thận, tỉ mỉ hơn trong khám bệnh, chẩn đoán và điều trị.
Cũng là bệnh này, có một cháu bé 8-9 tuổi (N.T.Th.) được tôi chẩn đoán mắc luput ban đỏ hệ thống. Cháu được điều trị bằng prednisolon, khi đó không có thuốc nào tốt hơn loại này. Cháu đỡ nhiều, ăn được, khỏe hơn, không bị đau khớp nữa. Cháu được ra viện, về học tiếp. Tuy nhiên, bệnh này cho đến nay vẫn chưa có cách nào chữa khỏi mà chỉ cải thiện được sức khỏe, hạn chế các triệu chứng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Cháu phải vào viện nhiều lần đến mức quen thân tất cả các bác sĩ, y tá, hộ lý của khoa. Một cháu gái rất dễ mến, hiền hậu, ngoan và rất tự trọng. Điều trị được mấy năm, bệnh tình của cháu ngày càng xấu đi. Một lần, tôi đi công tác xa ít ngày, khi về, nhân viên trong khoa báo tin cháu đã mất. Trước khi mất, cháu được gia đình đưa đến viện, trên đường đi viện, cháu nói với mẹ: “Mẹ hãy đưa con đến bác sĩ Hưng để bác sĩ chữa cho con, con đau lắm”. Thật đau lòng khi nghe và được kể lại những đau đớn của một người bệnh trước khi chết.
Dù tôi có ở nhà thì cũng không thể cứu được cháu, nhưng ít ra tôi có thể xoa dịu được nỗi đau của cháu, ở bên cháu trong những phút cuối cùng của cuộc đời. Đã bao lần tôi nhớ đến cháu với nỗi đau của người thầy thuốc bất lực trước bệnh tật, trước mong muốn cứu chữa một sinh linh nhỏ bé. Tôi biết rằng đối với những căn bệnh nan y, ngoài y thuật của thầy thuốc thì tinh thần và nghị lực của người bệnh là điều rất cần quan tâm.
Tôi cũng muốn nhắc lại một kỷ niệm buồn khác, đó là thời bao cấp khám chữa bệnh theo tuyến. Việc bệnh nhân vượt tuyến khám bệnh là rất hãn hữu, nhân viên y tế không được phép khám các trường hợp này. Có một lần, tôi gặp phải trường hợp như vậy. Đó là một bà mẹ trẻ đưa con đến khám. Cháu bị eczema ở mặt. Thoáng nhìn qua là chẩn đoán được ngay. Nhưng cháu lại không thuộc tuyến mà Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên nơi tôi làm việc khám, cháu phải khám ở y tế thành phố.
Tôi đã từ chối khám cho cháu. Nỗi ân hận về hành vi vô cảm trong thời bao cấp đó cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Khi đó, tôi có thể khám cho cháu và mặc dù quy định khám theo tuyến của ngành nhưng chắc hẳn cấp trên cũng không thể kỷ luật tôi vì tôi đã khám bệnh. Cháu bé đó ngày nay cũng đã gần 30 tuổi rồi. Chắc bà mẹ đó đã rất buồn và nghĩ về tôi với nỗi ác cảm, mong rằng chị hiểu và cảm thông với tôi, tha thứ cho tôi…
TS.BS.TTƯT. Nguyễn Duy Hưng – BV da liễu TW
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !