(ĐTĐ) – Sản phụ Nguyễn Thu Hường (26 tuổi), ở 27/424 Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, chuyển dạ đẻ được đưa vào Khoa Phụ sản Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần) ngày 9-4-2012 trong tình trạng bụng đau dữ dội… Sau khi thăm khám, các thầy thuốc nhận định, đây là một ca đẻ khó nên bệnh nhân được chỉ định mổ. Ca mổ đã thực hiện thành công, chị Hường sinh bé gái khỏe mạnh.
Sau khi mổ đẻ khoảng 3 giờ, mặc dù được điều trị nội khoa tích cực nhưng các bác sĩ phát hiện sản phụ có dấu hiệu chảy máu cấp tính và đờ tử cung (tử cung không co lại được). Trước tình hình trên chiều ngày 11-4, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để cầm máu và bảo tồn tử cung. Nhưng do thể trạng, để mổ được, bệnh nhân Hường phải cần một số lượng máu khá lớn, mà bệnh viện không có máu dự trữ, nếu đi lấy ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương thì không kịp. Bệnh nhân thuộc nhóm máu A, những người nhà có mặt tại viện không ai có cùng nhóm máu để có thể cho. Ban giám đốc Bệnh viện quyết định vận động các thầy thuốc hiến máu cứu bệnh nhân. Hai thầy thuốc là Thượng úy Cao Chí Trung, bác sĩ Khoa Phụ sản, đồng thời là thành viên kíp mổ và Thượng úy QNCN Trần Văn Đông, y sĩ Khoa Xét nghiệm có cùng nhóm máu với bệnh nhân đã tự nguyện hiến ngay 600ml máu để cứu người bệnh.
Thượng úy Cao Chí Trung (bên trái) và Thượng úy QNCN Trần Văn Đông
Sáng 12-4, khác với những gì tôi tưởng tượng về thể trạng sau khi hiến máu, hai thầy thuốc trẻ Cao Chí Trung và Trần Văn Đông vẫn nụ cười hiền hậu thường trực trên môi. Tôi hiểu, các anh đang rất vui vì biết rằng nhờ những giọt máu của mình mà tính mạng của bệnh nhân được cứu sống. Gặng hỏi mãi, Thượng úy QNCN Trần Văn Đông mới nói: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp” mà anh.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 2, Chủ nhiệm Khoa Phụ sản Tô Thiên Lý cho biết: “Đây là một ca phức tạp, tập thể thầy thuốc trong khoa chịu áp lực rất lớn từ phía hoàn cảnh của bệnh nhân, tâm nguyện của sản phụ và gia đình. Ngoài cầm máu, điều quan trọng đặc biệt là phải bảo tồn được tử cung… Nhưng nhờ tinh thần hết lòng vì người bệnh của các thầy thuốc, đặc biệt là hai đồng chí Cao Chí Trung và Trần Văn Đông, có máu truyền kịp thời nên ca mổ đã được thực hiện thành công”. Trò chuyện với bác sĩ Tô Thiên Lý chúng tôi được biết thêm, sau khi mỗi người hiến 300ml máu, nước da hai đồng chí có tái đi, nhưng tính mạng của người bệnh đang chờ đợi nên họ lại lao ngay vào công việc. Nhờ được tiếp máu, cứu chữa kịp thời, hiện sức khỏe của bệnh nhân Hường đang tiến triển tốt, hồi phục nhanh. Gia đình người bệnh từ chỗ băn khoăn, lo lắng, muốn chuyển chị Hường đi viện khác, giờ đã yên tâm phấn khởi và hết lòng cảm ơn các thầy thuốc Bệnh viện 354 nói chung và Khoa Phụ sản cùng hai thầy thuốc trẻ nói riêng.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Du, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện 354 cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên các thầy thuốc ở Khoa Phụ sản và Bệnh viện 354 có những nghĩa cử như vậy. Trong quá trình khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, các thầy thuốc bệnh viện luôn sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh”. Những việc làm của các thầy thuốc Bệnh viện 354 nói chung, Khoa Phụ sản và đặc biệt là hai thầy thuốc Cao Chí Trung và Trần Văn Đông nói riêng đã thể hiện rõ tinh thần “Lương y như từ mẫu”, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh và nhân dân.
Nguồn Qdnd.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !