SKĐS – Mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau, bệnh gì cũng phải dùng kháng sinh mới yên tâm – Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ. Những hệ lụy việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết.
Mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau, bệnh gì cũng phải dùng kháng sinh mới yên tâm – Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ. Những hệ lụy việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết. Một số vi khuẩn có khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gien tạo ra các chủng vi khuẩn mói. Số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng không còn tác dụng đối với chúng nữa.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, về vấn đề xung quanh lạm dụng, tác hại với sức khỏe và gánh nặng về kinh tế do kháng thuốc kháng sinh.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, ông nhận định như thế nào về tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam hiện nay?
GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao, do tình trạng lạm dụng và tùy tiện sử dụng thuốc của người dân. Thực trạng này đặt chúng ta trước nguy cơ đối mặt với việc không còn thuốc kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh nhiễm trùng.
Theo kết quả khảo sát của ngành y tế, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sĩ, ở khu vực thành thị là 81%, ở nông thôn tới 91%. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng khi nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh mà nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Phóng viên:Sự ra đời của kháng sinh và tại sao vi khuẩn lại kháng được thuốc kháng sinh,thưa ông ?
GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Trong môi trường sống có vi khuẩn có hệ sinh thái hoàn chỉnh. Vi khuẩn tồn tại trong thiên nhiên, trong cơ thể người trên bề mặt da, trong đười ruột… cộng sinh với chúng ta. Vi khuẩn gây bệnh là khi chúng xâm nhập vào hệ thống các cơ quan của cơ thể, ví dụ: đi vào trong máu, vào các mô, ổ bụng, phổi … và nhân lên gây ra hàng loạt phản ứng có hại phá hủy các cơ quan trong người dẫn đến tử vong. Kể từ khi nhà khoa học Fleming phát hiện ra kháng sinh penicilline đến nay, rất nhiều loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh, đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Không chỉ dùng để điều trị bệnh cho con người, kháng sinh còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt. Việc sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh và cả thú y khi được kê đơn và điều trị đúng.
Tuy nhiên trong vài chục năm trở lại đây tình hình vi khuẩn kháng kháng sinh đã nổi lên và phát triển ngày càng mạnh và lan rộng ra toàn cầu, nguy cơ con người không còn thuốc kháng sinh có hiệu quả để điều trị ngày càng tăng.
Có rất nhiều cách để vi khuẩn làm mất tác dụng của kháng sinh, nhưng nguyên nhân chính để vi khuẩn có cách đề kháng là:
+ Hạn chế việc xâm nhập của các kháng sinh vào bên trong tế bào vi khuẩn. Dẫn đến kháng sinh sẽ ít có cơ hội tác động để tiêu diệt vi khuẩn. Ở nhóm nguyên nhân này, vi khuẩn có thể gia tăng thay đổi cấu trúc các màng bảo vệ của chúng làm cho thuốc kháng sinh không ngấm vào được hoặc một cơ chế khác nữa là vi khuẩn dùng bơm trong màng của chúng bơm đẩy kháng sinh ra ngoài.
+ Một nguyên nhân phổ biến khác là vi khuẩn sản xuất ra các men (enzymes) để phá hủy các kháng sinh. Hiện tượng tổng hợp nên các enzym phân huỷ kháng sinh là một hiện tượng rõ nét ở vi khuẩn tụ cầu vàng và các vi khuẩn đường ruột.
+ Và còn hiện tượng biến đổi các đích tác động của kháng sinh làm mất hiệu lực của kháng sinh. Nghĩa là kể cả khi thuốc đã ngấm được vào bên trong tế bào vi khuẩn nhưng không đến được vị trí cần tác động thì cũng không có giá trị
Tính chất đề kháng có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt gần đây người ta nói nhiều đến vi khuẩn siêu kháng thuốc kháng lại được tất cả các kháng sinh thường dùng kể cả các loại kháng sinh mới và đắt tiền vừa nêu ở trên. Ở nhóm nguyên nhân này, ngoài các gien kháng thuốc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì còn có hiện tượng di truyền ngoài nhiễm sác thể (Plasmid ) từ các vi khuẩn khác , chủng khác lan truyền sang dẫn đến một vi khuẩn có thể có rất nhiều các cơ chế khác thuốc khác nhau .
Như vậy, vi khuẩn đã sử dụng đủ cách để chống lại các kháng sinh mà loài người chúng ta tạo ra để tiêu diệt chúng. Trong tình hình như vậy buộc chúng ta phải phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, sử dụng liều cao hơn , hoặc phải thay đổi phác đồ điều trị theo tình hình đề kháng và phải tiếp tục nghiên cứu tìm ra các thuôc kháng sinh mới để chống lại hiện tượng đề kháng dẫn đến cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn gây bệnh.
Phóng viên: Vậy xin ông cho biết hệ lụy do lạm dụng kháng sinh?
GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là thảm họa chung đối với sức khỏe cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân như: Bác sĩ lạm dụng kháng sinh trong kê đơn, người dân dùng thuốc điều trị vô tội vạ, những lỗ hổng trong quản lý … tất cả đã khiến nhân loại phải đối mặt với thảm họa kháng thuốc.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, dùng thuốc sai liều, dùng thuốc không đủ thời gian…, thuốc kháng sinh sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Điều này làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí không thể chữa được các vết thương nhiễm khuẩn và các bệnh nhiễm khuẩn. Từ đó kéo dài quá trình điều trị của người bệnh, tăng số lượng và chi phí điều trị, cuối cùng tăng nguy cơ tử vong.
Việc lạm dụng kháng sinh dài kỳ còn gây hại cho vi khuẩn có lợi. Kháng sinh phổ rộng tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và tốt. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng sinh ngoài tác dụng chống lại nhiễm khuẩn nhưng cũng gây ảnh hưởng có hại trên nhiều cơ quan của cơ thể đặc biệt là thận và gan..
Sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, nhất là dùng tự ý, không theo đơn của bác sĩ có thể tạo ra hiện tượng siêu vi khuẩn kháng thuốc. Khi vi khuẩn liên tục tiếp xúc với một loại thuốc nào đó, nó trở nên nhờn thuốc, như: hiện tượng gia tăng vi khuẩn tụ cầu trùng vàng kháng methicilin (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus- MRSA) là những vi khuẩn gây nhiễm trùng không đáp ứng điều trị khi dùng kháng sinh nhóm betalactam nữa kể cả thế hệ mới
Phóng viên: Trên thực tế lâm sàng những bệnh nào đã kháng kháng sinh và nguyên nhân do đâu, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn đa kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động. Số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh nhóm carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50- 60%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. Cụ thể là tại các khoa hồi sức tích cực của hầu hết các bệnh viện, vấn đề này rất nan giải khi nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị nhất, dễ nhiễm khuẩn bệnh viện nhất dẫn đến điều trị khó khăn nhất do xuất hiện vi khuẩn kháng đa kháng sinh.
Trước đây, chỉ cần một liều kháng sinh đã đủ điều trị bệnh, thì nay, nhiều trường hợp tăng liều cao nhất mà bác sĩ vẫn bất lực. Có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc, đến mức, các bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với nhiều kháng sinh khác. Nhưng đôi khi loại kháng sinh kết hợp lại là loại thuốc đã sử dụng trong chăn nuôi và chính bệnh nhân này đã hấp thụ từ thịt lợn, cá, gà vv… dẫn đến nhờn thuốc. Khi bác sĩ đã thất bại trong điều trị khiến gia tăng tỷ lệ tử vong cao.
Về nguyên nhân, tình trang mua kháng sinh dễ, lạm dụng ở mọi lĩnh vực là nguyên nhân chính. Tại Việt Nam, đến bất cứ cửa hàng dược phẩm nào đều có thể mua được kháng sinh với số lượng không hạn chế. Dược tá bán thuốc cũng có thể tư vấn dùng thuốc kháng sinh, hoặc nhiều người có thói quen tự chữa trị và lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc về điều trị cho mình….
Việc dùng kháng sinh, thuốc kích thích, thậm chí, thuốc ngoài danh mục lưu hành, để thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa bệnh tật trong chăn nuôi, nhưng lại không kiểm soát hợp lý, dẫn đến sản sinh và phát tán ra môi trường ( đất, nước …) góp phần gây ra kháng thuốc ở người. Theo các tài liệu công bố hiện nay chăn nuôi lợn và gia cầm, kể cả thủy sản thường được bổ sung kháng sinh, góp phần gia tăng tình trạng kháng sinh trầm trọng hiện nay.
Phóng viên: Vậy xin ông cho biết nguyên tắc sử dụng kháng sinh để giảm nguy cơ gây ra các chủng kháng kháng sinh?
GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm khuẩn của mình nhất. Những biện pháp sau được xem là có tác dụng:
Tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn như: rửa tay với xà phòng sát khuản , làm vệ sinh tốt hơn, sử dụng nước sạch, xử lý rác thải đúng quy định , kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế, và thực hiện tiêm phòng đầy đủ ….
Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường.ví dụ: không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh chứ không tiêu diệt vi rút. Mà muốn xác định được nhiễm vi khuẩn vi rút cần làm các xét nghiệm cụ thể hoặc qua các cuộc điều tra khảo sát dịch tễ , hoặc dựa trên lâm sàng chứ không nên chỉ nghe kể sơ qua một vài triệu chứng rồi kết luận là nhiễm khuẩn. Nhiều bệnh nhân nhiễm cả vi rút lẫn vi khuẩn. Vì vậy, chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp như phẫu thuật hoặc thủ thuật vô trùng dự đoán nhiễm khuẩn sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng nên nhớ chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.
Cần ngừng sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi.
Nhưng đây là việc không đơn giản người bác sĩ sẽ quyết định đựa trên các bằng chứng về lâm sàng và xét nghiệm cụ thể của từng bệnh nhân vào từng thời điểm. Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tuỳ tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ giúp điều trị hiệu quả , thành công hoá mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc.
Xin cảm ơn GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã chia sẻ thông tin hữu ích này!
Việc tiêu thụ những loại thực phẩm còn tồn dư kháng sinh cũng là một cách khiến con người bị kháng kháng sinh, có khả năng tử vong khi bị bệnh vì không có thuốc chữa. Trong chăn nuôi nông nghiệp, người dân thường cho lợn, gà ăn cám trộn kháng sinh để phòng bệnh nhưng không có sự kiểm soát liều lượng. Khi kháng sinh dùng cho động vật không đúng cách sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra, khi thịt động vật đến tay người tiêu dùng chưa đủ thời gian để làm tiêu tan lượng kháng sinh có trong thịt thì chính cơ thể người ăn sẽ hấp thụ lượng kháng sinh này.
Mai Lê (ghi)
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !