1. Đau đầu từng chuỗi (cluster headache).
– Đau đầu từng chuỗi cũng là loại đau đầu căn nguyên mạch máu. Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên, hay hút thuốc.
– Các cơn đau đầu thường xuất hiện sau khi ngủ 1-3 giờ làm bệnh nhân tỉnh giấc và thấy đầu nặng trĩu. Cơn đau chỉ khu trú ở một nửa bên đầu, đau nhiều ơe sau mắt lan ra trán và thái dương. Đau có đặc điểm đau sâu và không có cảm giác mạch đập, kèm theo một số triệu chứng khác như mắt nề, chảy nước mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ra nhiều mồ hôi, sa mi mắt và co đồng tử (hội chứng Horner) cùng bên; không buồn nôn và không nôn. Các cơn đau này hay tái phát, có khi đau 2-3 lần trong ngày, đợt đau kéo dài vài ngày hoặc vài tuần (nên có tên gọi là đau đầu từng chuỗi). Trong thời gian này nếu uống rượu thì sẽ đau, nhưng ngoài thời kỳ đau, nếu uống rượu cũng không xuất hiện đau.
2. Đau đầu Horton.
– Còn gọi là bệnh viêm động mạch sọ, viêm động mạch thái dương, hay bệnh Horton. Thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân bệnh là do tổn thương viêm hạt các động mạch trung bình, phần lớn là động mạch thái dương.
– Đau đầu có đặc điểm tăng dần, thường xuyên với tính chất đập theo mạch, khu trú ở một bên thái dương hoặc cả hai bên. Khám thấy các các động mạch thái dương bên đau bị dầy, nắn đau, không đập, nhưng cũng có khi thấy bình thường. Bệnh nhân có thể thấy người khó chịu, chán ăn, sốt nhẹ, một số người thấy đau cơ. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng tăng cao, chẩn đoán xác định bằng sinh thiết động mạch thái dương. Cần chẩn đoán và điều trị sớm nếu không có thể mù do viêm động mạch mắt. Do đó nếu nghi ngờ phải điều trị ngay bằng corticoid.
3. Đau đầu kiểu căng thẳng thần kinh (Tension type headache).
– Còn gọi là đau đầu co cơ hoặc đau đầu tâm lý, rất hay gặp trong thực tế, nữ gặp nhiều hơn nam, chủ yếu ở tuổi trung niên, ít gặp ở trẻ em và vị thành niên.
– Đau khởi phát từ từ, thường cả hai bên đầu, bắt đầu từ vùng dưới chẩm hoặc ở hai bên thái dương rồi lan ra cả đầu. Đau có tính chất thường xuyên, không đập theo mạch, có cảm giác như đầu bị thít chật lại ở hai bên thái dươnghoặc vùng chẩm hay cổ. Đau có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh nhân thường là những người trầm cảm hoặc lo âu. Khi điều trị thường phải kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
4. Đau đầu do u.
Đau đầu do khối u có đặc điểm đau sâu, âm ỉ, từng cơn, thay đổi theo tư thế và khi hoạt động, đau nhiều vào buổi sáng và có thể làm bệnh nhân tỉnh giấc trong đêm. Khi khối u lớn lên, đau đầu ngày càng mau và nặng hơn. Nếu khối u ở trên lều tiểu não thì đau xuất hiện ở vùng trán; nếu u ở hố sau thì đau vùng dưới chẩm hoặc cổ. Nếu đau đầu một bên thì hay ở cùng bên với khối u. Tùy thuộc vị trí khối u mà ở giai đoạn muộn có thể có những dấu hiệu thần kinh khu trú, dấu hiệu tăng áp lực nội sọ (buồn nôn, nôn).
5. Đau đầu trong hội chứng màng não.
– Trong chảy máu dưới nhện (máu chảy từ một phình mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch) thường khởi phát bằng đau đầu rất nặng, đột ngột. Sau đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu cứng gáy, thay đổi về ý thức và thần kinh khu trú.
– Trong viêm màng não, bệnh nhân đau đầu kiểu mạch đập ở cả đầu kèm theo dấu hiệu cứng gáy. Nếu tổn thương lan rộng ra toàn bộ các màng não thì thấy cả đau lưng. Triệu chứng và dấu hiệu kèm theo phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh.
Originally posted 2010-08-07 11:36:51.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !