Teniposid là thuốc độc tế bào, đặc hiệu theo giai đoạn, tác động ở cuối giai đoạn S hoặc đầu giai đoạn G2 của chu trình tế bào, do vậy ngăn tế bào đi vào gián phân.
Tên quốc tế: Teniposide.
Loại thuốc: Thuốc chống ung thư.
Dạng thuốc và hàm lượng
Ống tiêm 50 mg/5 ml (để truyền tĩnh mạch sau khi đã pha loãng).
Tác dụng
Teniposid là thuốc độc tế bào, đặc hiệu theo giai đoạn, tác động ở cuối giai đoạn S hoặc đầu giai đoạn G2 của chu trình tế bào, do vậy ngăn tế bào đi vào gián phân. Teniposid, tùy theo liều dùng, phá vỡ sợi kép và đơn trong DNA và trong liên kết chéo DNA – protein. Cơ chế tác dụng chính xác của teniposid vẫn chưa được biết, có thể do ức chế hoạt tính của topoisomerase II vì teniposid không xen vào giữa DNA hoặc không liên kết mạnh với DNA. Tác dụng độc tế bào của teniposid liên quan đến số lượng tương đối của sợi đôi DNA bị phá vỡ trong tế bào. Ðiều đó phản ánh sự ổn định của chất trung gian topoisomerase II – DNA.
Teniposid có phổ tác dụng rộng kháng u in vivo bao gồm bệnh bạch cầu và các u đặc khác nhau. Ðáng chú ý là teniposid có tác dụng đối với dòng phụ của một vài bệnh bạch cầu kháng cisplatin, doxorubicin, amsacrin, daunorubicin, mitoxantron hoặc vincristin.
Chỉ định
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Teniposid dùng một mình hoặc dùng kết hợp với các thuốc chống ung thư khác trong điều trị:
Bệnh u lymphô và bệnh bạch cầu lymphô cấp, dai dẳng ở trẻ em.
U đặc bao gồm u bàng quang, não và phổi.
Chống chỉ định
Quá mẫn với teniposid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
Nên sử dụng thuốc thận trọng trong những trường hợp sau: Người suy chức năng thận hoặc gan; người có giảm albumin huyết; người có hội chứng Down.
Thời kỳ mang thai
Teniposid có thể gây hại cho bào thai khi điều trị cho người mang thai; thuốc đã gây quái thai và độc tính với phôi thai ở động vật thí nghiệm, bởi vậy không được dùng teniposid cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Vẫn chưa biết teniposid có tiết vào sữa người hay không; vì có khả năng xảy ra tác dụng có hại nghiêm trọng của thuốc đối với trẻ em, cho nên phải quyết định hoặc ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc, có xét đến tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
Tác dụng phụ
Thường gặp
Suy tủy nặng biểu hiện bằng: giảm bạch cầu (< 3000/mm3), giảm bạch cầu trung tính (< 2000/mm3), giảm tiểu cầu (< 100000/mm3), thiếu máu, chảy máu.
Viêm niêm mạc, ỉa chảy, buồn nôn, nôn.
Giảm huyết áp (sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh).
Dấu hiệu dạng phản vệ (rét run, sốt, nhịp tim nhanh, mặt đỏ, co thắt phế quản, khó thở, huyết áp thay đổi), phát ban, sốt.
Rụng tóc tới hói đầu toàn bộ.
Ít gặp
Buồn ngủ và ngủ li bì kết hợp với hạ huyết áp, toan máu chuyển hóa.
Loạn chức năng gan, thận.
Xử trí
Bệnh nhân dùng teniposid phải được theo dõi chặt chẽ ít nhất 60 phút sau khi bắt đầu tiêm truyền và sau đó đều đặn theo dõi để phát hiện phản ứng quá mẫn hoặc giảm huyết áp có thể xảy ra. Mỗi khi tiêm teniposid, phải luôn sẵn có trang thiết bị thích hợp để duy trì đường thở và thuốc hỗ trợ. Nếu trong lâm sàng, huyết áp giảm nặng, phải ngừng truyền thuốc và cho truyền dịch tĩnh mạch và liệu pháp hỗ trợ khi cần. Có thể tránh giảm huyết áp bằng cách tiêm teniposid tĩnh mạch chậm, ít nhất trong 30 – 60 phút.
Chức năng huyết học (làm huyết đồ, đếm số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu, số lượng tiểu cầu, hemoglobin) phải được theo dõi thường xuyên và cẩn thận trước, trong và sau liệu pháp teniposid. Ðiều trị nhiễm độc máu nặng có thể bao gồm liệu pháp hỗ trợ, dùng kháng sinh chống biến chứng nhiễm khuẩn, và truyền các sản phẩm máu.
Phải dùng teniposid thận trọng cho người bệnh trước đó đã dùng thuốc chống nôn và teniposid liều cao, để tránh ức chế cấp tính hệ thần kinh trung ương.
Buồn nôn và nôn do teniposid thường nhẹ tới vừa, nhưng khoảng 5% bệnh nhi đã phải ngừng thuốc.
Rụng tóc do teniposid thường có hồi phục.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Trước khi tiêm truyền tĩnh mạch, phải pha loãng thuốc tiêm teniposid đậm đặc bằng dung dịch tiêm dextrose 5% hoặc natri clorid 0,9% để có nồng độ teniposid cuối cùng là 0,1; 0,2; 0,4 hoặc 1 mg/ml.
Phải đặt ống thông tĩnh mạch hoặc kim tiêm truyền tĩnh mạch cẩn thận để tránh thuốc thoát ra ngoài thành mạch, có thể gây hoại tử mô tại chỗ và/hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối. Người bệnh phải được theo dõi cẩn thận, vì có thể tắc ở chỗ tiêm truyền tĩnh mạch, kể cả tắc ống thông tĩnh mạch, đặc biệt khi truyền lâu (thí dụ 24 giờ) với nồng độ 0,1 hoặc 0,2 mg/ml. Dung dịch teniposid nồng độ 1,0 mg/ml phải dùng trong vòng 4 giờ để giảm khả năng kết tủa.
Liều lượng
Ðơn hóa trị liệu:
Ðiều trị gây cảm ứng: 30 mg/m2/ngày, trong 1 chu trình 5 ngày, dùng 4 – 5 chu trình liên tiếp, mỗi chu trình cách nhau từ 10 – 21 ngày, tùy theo kết quả huyết học.
Ðiều trị duy trì: 60 mg/m2, mỗi tuần 1 lần, trong nhiều tháng.
Ða hóa trị liệu: Bệnh bạch cầu lymphô cấp, dai dẳng, hoặc bệnh bạch cầu cấp đơn nhân to (monocyt): teniposid 165 mg/m2 và cytarabin 300 mg/m2 tiêm tĩnh mạch 2 lần mỗi tuần, cho 8 hoặc 9 liều như vậy.
Cách phối hợp khác: Teniposid 250 mg/m2 và vincristin 1,5 mg/m2 tiêm tĩnh mạch mỗi tuần, trong 4 – 8 tuần và uống prednison 40 mg/ngày, trong 28 ngày.
Người bệnh bạch cầu có hội chứng Down phải giảm liều.
Người bệnh rối loạn chức năng thận hoặc gan: Có thể cần phải điều chỉnh liều.
Tương tác
Nên thận trọng khi dùng teniposid đồng thời với những thuốc đẩy teniposid ra khỏi liên kết protein như tolbutamid, natri salicylat và sulfamethizol: Vì teniposid liên kết rất nhiều với protein huyết tương, nên giảm nhẹ tỷ lệ liên kết đó cũng có thể làm tăng nồng độ thuốc tự do trong huyết tương, dẫn đến tăng độc tính của teniposid.
Không có sự thay đổi về dược động học trong huyết tương của teniposid khi dùng đồng thời với methotrexat. Tuy nhiên, độ thanh thải huyết tương của methotrexat tăng nhẹ và có sự tăng nồng độ của methotrexat trong tế bào.
Thuốc chống nôn cùng với teniposid liều cao có thể gây ức chế cấp thần kinh trung ương và hạ huyết áp.
Thuốc chống co giật như phenytoin làm tăng chuyển hóa teniposid ở gan và làm giảm nồng độ thuốc trong cơ thể.
Bảo quản
Teniposid, ở nồng độ cuối cùng là 0,1; 0,2; 0,4 mg/ml, ổn định ở nhiệt độ phòng trong vòng 24 giờ. Dung dịch nồng độ 1,0 mg/ml phải dùng trong vòng 4 giờ sau khi pha chế để giảm khả năng kết tủa thuốc.
Teniposid đựng trong ống tiêm hàn kín (chế phẩm của nhà sản xuất trong bao gói ban đầu) ổn định cho đến ngày hết hạn ghi trên bao gói khi thuốc được bảo quản lạnh (2 – 80C) trong bao gói và tránh ánh sáng.
Tương kỵ
Ðể tránh chất hóa dẻo DEHP [di (2 – ethylhexyl) phtalate] từ đồ đựng bằng chất dẻo có thể tan vào trong thuốc, phải dùng đồ đựng bằng chất liệu không chứa DEHP như thủy tinh hoặc những đồ đựng, bao gói bằng chất dẻo tráng polyolefin khi pha loãng dung dịch tiêm đậm đặc và những bộ dây tiêm truyền tĩnh mạch không có DEHP, khi tiêm truyền.
Quá liều và xử trí
Không có thuốc giải độc đặc hiệu trong trường hợp quá liều teniposid. Biến chứng quá liều là hậu quả của sự ức chế tủy xương. Xử trí quá liều bao gồm điều trị hỗ trợ với các sản phẩm máu và thuốc kháng sinh.
Quy chế
Thuốc độc bảng A.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !