Tên chung quốc tế
Ofloxacin
Mã ATC
J01MA01, S01AE01, S02AA16
Loại thuốc
Kháng sinh nhóm quinolon
Dạng thuốc và hàm lượng
Ofloxacin dùng để uống, tiêm và tra mắt.
Viên nén: 200 mg, 300 mg, 400 mg.
Dung dịch tiêm: 4 mg/ml, 5 mg/ml, 20 mg/ml, 40 mg/ml.
Thuốc tra mắt: 3 mg/ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Ofloxacin là một kháng sinh tổng hợp thuộc họ quinolon trong nhóm fluoroquinolon giống như ciprofloxacin, nhưng ofloxacin khi uống có khả dụng sinh học cao hơn (trên 95%). Ofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm:
Chủng nhạy cảm: Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Bacillus anthracis, Staphylococcus nhạy cảm với methicilin. Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Acinetobacter, chủ yếu Acinetobacter baumannii, Branhamella catarrhalis, Borderella pertussis, Campylobacter, Citrobacter freundii, Enterobacter cloacae, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae, Legionella, Morganella morganii, Neisseria pasteurella, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia, Pseudomonas aeroginosa, Salmonella serratia, Shigella, Vibrio, Yersinia, Vi khuẩn kỵ khí: Mobiluncus, Propionibacterium acnes. Vi khuẩn khác: Mycoplasma hominis. Chủng nhạy cảm vừa: Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Corynebacterium, Streptococcus, Streptococcus pneumoniae. Chủng khác: Chlamydiae, Mycoplasma pneumoniae, Ureaplasma urealyticum.
Chủng kháng thuốc: Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus, Listeria monocytogenes, Nocardia asteroides, Staphylococcus kháng methicilin. Vi khuẩn kỵ khí: trừ Mobiluncus và Propionibac- terium acnes.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Mycobacterium không điển hình: In vitro, ofloxacin có hoạt tính vừa phải đối với một số chủng Mycobacterium (Mycobacterium tuberculosis, Mycobacterium fortuitum, kém hơn với My- cobacterium kansasii và kém hơn nữa đối với Mycobacterium avium).
Kháng thuốc có thể phát triển trong quá trình điều trị thông qua các đột biến ở các gen của nhiễm sắc thể của vi khuẩn mã hoá DNA- gyrase hoặc topoisomerase hoặc thông qua vận chuyển thuốc tích cực ra khỏi tế bào. Kháng thuốc đã tăng lên từ khi đưa vào sử dụng fluoroquinolon, đặc biệt đối với Pseudomonas và Staphylococcus, Clostridium jejuni Salmonella, Neisseria gonorrhoeae và S. pneumoniae.
Ofloxacin có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Cơ chế tác dụng chưa được biết đầy đủ. Giống như các thuốc quinolon kháng khuẩn khác, ofloxacin ức chế DNA-gyrase của nhiều vi khuẩn Gram âm và ức chế topoisomerase IV của nhiều vi khuẩn Gram dương là những enzym cần thiết trong quá trình nhân đôi, phiên mã và tu sửa DNA của vi khuẩn.
Ofloxacin được hấp thu nhanh và tốt qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng qua đường uống khoảng 100% và có nồng độ đỉnh huyết tương 3 – 4 microgam/ml, 1 – 2 giờ sau khi uống 1 liều 400 mg. Hấp thu bị chậm lại khi có thức ăn nhưng tỷ lệ hấp thu không bị ảnh hưởng. Nửa đời trong huyết tương là 5 – 8 giờ; trong trường hợp suy thận, có khi kéo dài 15 – 60 giờ tùy theo mức độ suy thận, khi đó cần điều chỉnh liều. Ofloxacin được phân bố rộng khắp vào các dịch cơ thể, kể cả dịch não tủy và xâm nhập tốt vào các mô. Khoảng 25% nồng độ thuốc trong huyết tương gắn vào protein huyết tương. Thuốc qua nhau thai và tiết qua sữa. Có nồng độ tương đối cao trong mật.
Khi dùng liều đơn, ít hơn 10% ofloxacin được chuyển hóa thành desmethyl-ofloxacin và ofloxacin N-oxyd. Desmethyl-ofloxacin có tác dụng kháng khuẩn trung bình. Tuy vậy thận vẫn là nơi thải chính ofloxacin, thuốc được lọc qua cầu thận và bài tiết qua ống thận. 75 – 80% thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa trong 24 đến 48 giờ, làm nồng độ thuốc cao trong nước tiểu. Dưới 5% thuốc được bài tiết dưới dạng chuyển hóa trong nước tiểu; 4 đến 8% thuốc bài tiết qua phân. Chỉ một lượng nhỏ ofloxacin được thải bằng thẩm phân máu.
Ở người cao tuổi sau khi dùng 1 liều duy nhất 200 mg, nửa đời kéo dài nhưng không làm thay đổi nhiều nồng độ huyết thanh cực đại.
Chỉ định
Ofloxacin được dùng trong các bệnh:
Viêm phế quản nặng do vi khuẩn, viêm phổi.
Nhiễm khuẩn Chlamydia tại cổ tử cung hoặc niệu đạo có hoặc không kèm lậu, lậu không biến chứng, viêm tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
Viêm đại tràng do nhiễm khuẩn. Bệnh than.
Thuốc tiêm tĩnh mạch chỉ dùng trong bệnh viện và cho người lớn bị nhiễm khuẩn rất nặng do vi khuẩn được xác định là nhạy cảm.
Chống chỉ định
Chống chỉ định với người có tiền sử quá mẫn với ofloxacin, các quinolon khác và/hoặc các thành phần khác có trong chế phẩm.
Các thuốc diệt khuẩn fluoroquinolon như ciprofloxacin, ofloxacin có thể gây thoái hóa sụn khớp ở các khớp chịu lực trên súc vật thực nghiệm. Vì vậy không nên dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, người mang thai và cho con bú.
Thiếu hụt glucose-6-phosphat-deshydrogenase.
Thận trọng
Phải dùng thận trọng đối với người bệnh động kinh hoặc có tiền sử rối loạn thần kinh trung ương. Phải giảm liều đối với người bệnh bị suy thận.
Phải tránh phơi nắng hoặc tia cực tím vì có nguy cơ mẫn cảm ánh sáng.
Phải chú ý đến viêm gân, đặc biệt gân Achille ở người cao tuổi. Hoạt tính của ofloxacin đối với Mycobacterium tuberculosis có thể làm xét nghiệm BK trở thành âm tính ở người bị lao phổi hoặc lao xương khớp.
Cũng như các kháng sinh phổ rộng khác, phải chú ý đến viêm đại tràng do Clostridium difficile, phải ngừng điều trị ofloxacin nếu đang dùng.
Thời kỳ mang thai
Ofloxacin qua nhau thai. Cũng phát hiện thấy ofloxacin trong nước ối của hơn một nửa số người mẹ mang thai có dùng thuốc. Chưa có những công trình được theo dõi đầy đủ trên người. Tuy vậy, vì ofloxacin và các fluoroquinolon khác gây bệnh về khớp ở súc vật non, không nên dùng ofloxacin trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Ofloxacin có bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ tương tự như trong huyết tương. Các fluoroquinolon đã được biết là gây tổn thương vĩnh viễn ở sụn của những khớp chịu lực và cả nhiều dấu hiệu bệnh lý khác về khớp ở súc vật non. Vì vậy nếu không thay thế được kháng sinh khác và vẫn phải dùng ofloxacin, thì không nên cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường ofloxacin được dung nạp tốt. Tỷ lệ tác dụng không mong muốn của ofloxacin, ciprofloxacin và các thuốc kháng khuẩn fluoro-quinolon khác tương tự tỷ lệ gặp khi dùng các quinolon thế hệ trước như acid nalidixic.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng và rối loạn tiêu hóa.
Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, run, mất ngủ, ác mộng, rối loạn thị giác.
Da: Phát ban, ngứa, phản ứng da kiểu quá mẫn.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Đau và kích ứng chỗ tiêm, đôi khi kèm theo viêm tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Thần kinh: Ảo giác, phản ứng loạn thần, trầm cảm, co giật.
Da: Viêm mạch, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử nhiễm độc của da.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng điều trị nếu có các phản ứng về tâm thần, thần kinh và quá mẫn (phát ban nặng).
Liều lượng và cách dùng
Người lớn:
Viêm phế quản đợt bệnh nặng do nhiễm khuẩn hoặc viêm phổi: Uống 400 mg/ngày, nên uống vào buổi sáng, tăng lên khi cần tới 400 mg cách 12 giờ/1 lần, trong 10 ngày.
Nhiễm Chlamydia (cổ tử cung và niệu quản): Uống 400 mg/ngày uống 1 lần hoặc chia thành liều nhỏ uống cách 12 giờ/1 lần, trong 7 ngày.
Lậu, không biến chứng: Uống 400 mg, 1 liều duy nhất.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Uống 200 mg, cách 12 giờ/1 lần, trong 28 ngày.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Uống 400 mg, cách 12 giờ/1 lần, trong 10 ngày.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu:
Viêm bàng quang do E. coli hoặc K. pneumoniae: Uống 200 mg, cách nhau 12 giờ/1 lần, trong 3 ngày.
Viêm bàng quang do các vi khuẩn khác: Uống 200 mg, cách nhau 12 giờ/1 lần, trong 7 ngày.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: Uống 200 mg, cách 12 giờ/1 lần, trong 10 ngày.
Thuốc tiêm tĩnh mạch (200 mg cho ít nhất trong 30 phút): 400 mg/ngày chia làm 2 lần tiêm cách nhau 12 giờ. Liều này có thể tăng lên tới 600 mg/ngày nếu bệnh nhân béo và/hoặc bị nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt ở những người suy giảm miễn dịch hoặc trong trường hợp bị nhiễm vi khuẩn trong bệnh viện loại kháng nhiều thuốc Gram âm như Pseudomonas, Acinetobacter và Serratia hoặc Staphylococcus aureus. Trong trường hợp sau, nên phối hợp với một kháng sinh khác thích hợp.
Trường hợp đặc biệt: Bệnh than: 800 mg/ngày chia làm 2 lần truyền, tiếp theo là uống 800 mg/ngày chia làm 2 lần. Thời gian điều trị: 8 tuần.
Người lớn suy chức năng thận:
Clcr > 50 ml/phút: Liều không thay đổi, uống cách 12 giờ/1 lần.
Clcr: 10 – 50 ml/phút: Liều không đổi, uống cách 24 giờ/1 lần.
Clcr < 10 ml/phút: Uống nửa liều, cách 24 giờ/1 lần.
Liều trẻ em cho tới 18 tuổi: Không khuyến cáo dùng.
Người cao tuổi: Điều chỉnh liều theo mức độ suy thận.
Thuốc tra mắt: Tra 1 giọt vào mỗi mắt, cách 2 – 4 giờ tra một lần, như vậy trong 2 ngày. Sau đó, tra ngày 4 lần, mỗi lần 1 giọt, thêm 5 ngày nữa. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả ở trẻ dưới 1 năm tuổi.
Tương tác thuốc
Thuốc kháng acid làm giảm hấp thu ofloxacin.
Thuốc chống đông máu: Ofloxacin làm tăng tác dụng của acenocoumarol và warfarin, có nguy cơ gây chảy máu. Phải kiểm tra thường xuyên INR. Có khi cần phải điều chỉnh liều thuốc chống đông máu trong thời gian điều trị ofloxacin và sau khi ngừng ofloxacin. Sắt uống làm giảm hấp thu ofloxacin.
Sucralfat làm giảm hấp thu ofloxacin.
Tương kỵ
Vì nguy cơ kết tủa, không kết hợp heparin vào trong cùng dung dịch ofloxacin.
Quá liều và cách xử trí
Quá liều thường hay gặp ở người cao tuổi và 1/3 trường hợp là do không điều chỉnh liều cho phù hợp với chức năng thận.
Triệu chứng: Hay gặp nhất là những biểu hiện về thần kinh tâm thần như lú lẫn, cơn co giật, co giật cơ, ảo giác và các rối loạn gân – cơ. Khoảng QT có thể kéo dài, rối loạn tiêu hoá (nôn, loét niêm mạc miệng) có thể gặp trong 1 vài trường hợp quá liều levofloxacin.
Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu, điều trị triệu chứng. Phải theo dõi các biểu hiện thần kinh, làm điện tâm đồ để theo dõi khoảng QT. Phải theo dõi chức năng thận (creatinin huyết) để đánh giá khả năng đào thải thuốc. Trong những ngày sau, cần khuyên người bệnh tránh bắt các cơ gân làm việc quá sức và trở lại hoạt động thể lực dần dần. Thẩm phân máu, thẩm phân màng bụng không giúp ích để loại bỏ ofloxacin.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong hộp đựng kín, nhiệt độ từ 15 – 30 oC. Tránh ánh sáng.
Thông tin qui chế
Ofloxacin có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
Agoflox; Alpha Ofloxacin Tab; Amloxcin; Askarvid; Axon O; Becocef; Beefloxacin; Biloxcin; Biloxcin Eye; Bi-otra; Btoinfaxin; Cadiofax; Cenofxin; Colflox; Decinfort OPH; Dolocep; Eyeflur; Eyflox; Fixomina; Flamocin; Flikof 200; Flocinix; Flojocin; Florido; Floxcin-200; Floxmed 200; Floxur – 200; Fonalocin; Forrocine; Fudoflox; Getzacin; G-Flo-200; Gifloxin; Hipoflox; Hobacflox; Ileffexime; Ileffexime Otic; Illcexime; Illixime; Ivis oflo; Kaloxacin; Korucin; Kunoxy Plus; Kupfloxanal; Lovacin; Loxwin-200; Medliflox 200; Menazin; NadyOflox; Napocef; Nestoflox; Obenasin Tab.; Ocfo; Ocineye; Octacin; Octavic; Of-200; Ofbeat-200; Ofcin; Ofialin; OF-IV; Oflacin; Oflazex; Ofleye; Oflicine; Oflid; Oflife; OflloDHG; Oflo Boston; Oflomax; Oflosun; Oflotab; Oflovid; Oflovid; Ofloxamarksans; Ofoxin 200; Ofus; Ofxaquin; Onszel; Orafort 200; Ovibar; Oxafar; Oxafok; Oxciu; Pharxacin; Philtelabit; pms – Ofloxacin; Ponaicef; Poxid; Proexen; Pyfloxat; Quinovid; Quinoxo Brookes; Remecilox 200; Rhyof; Shinpoong Fugacin; Staflox; Tabide; Tess 200; Thekyflox; Timifan; Traflocin; Tria-Flox; Vacoflox; Victocep; Vifloxacol; Vofluxi; Widrox-200; Xaflin; Zanocin; Zevid; Zofex.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !