Tên chung quốc tế
Miconazole
Mã ATC
A01AB09, A07AC01, D01AC02, G01AF04, J02AB01, S02AA13
Loại thuốc
Nhóm imidazol chống nấm
Dạng thuốc và hàm lượng
Miconazol thường được dùng dưới dạng miconazol nitrat.
Kem, mỡ 2% (9 g, 15 g, 30 g, 45 g);
Kem bôi âm đạo 2% (35 g, 45 g tương đương với 7 liều);
Dung dịch bôi 2% (30 ml, 60 ml);
Thuốc xịt tại chỗ 2% (105 ml); Bột 2% (45 g, 90 g, 113 g);
Cồn 2% có rượu (7,39 ml, 29,57 ml);
Gói kép: Thuốc đạn (200 mg, 3 viên) và kem bôi ngoài 2% (9 g);
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Viên đạn đặt âm đạo: 100 mg (7 viên), 200 mg (3 viên), 400 mg (3 viên);
Thuốc tiêm: 1% (10 mg/ml, 20 ml).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Miconazol là một imidazol tổng hợp có tác dụng chống nấm và chống vi khuẩn bằng cách làm thay đổi tính thấm và chức năng của màng tế bào nấm, vi khuẩn. Vị trí tác dụng trên màng tế bào chưa rõ. Do thay đổi tính thấm, màng tế bào không còn khả năng hoạt động như một hàng rào ngăn chặn thất thoát, làm cho kali và các thành phần thiết yếu khác của tế bào bị cạn kiệt. Miconazol có tác dụng đối với các loại nấm như: Aspergillus spp., Cryptococcus neoformans, Pseudallescheria boydii. Thuốc cũng có tác dụng với một số vi khuẩn Gram dương gồm Staphylococci và Streptococci. Dược động học
Hấp thu: Sau khi bôi thuốc miconazol nitrat trên da lành, chưa có báo cáo nào cho thấy thuốc hấp thu toàn thân. Một lượng nhỏ thuốc đã được hấp thu toàn thân khi cho thuốc vào trong âm đạo. Sau 6 lần bôi hàng ngày, điều trị nấm Candida ở âm hộ – âm đạo trong 1 phác đồ điều trị 14 ngày, nồng độ đỉnh trung bình đạt 4,2 nanogam/ml, nồng độ trong huyết thanh không tăng thêm trong thời gian điều trị còn lại. Sau khi điều trị một liều duy nhất (kem hay viên đạn) đặt âm đạo cho phụ nữ khỏe mạnh, khoảng 1% liều thấy trong nước tiểu và phân. Miconazol hấp thu không hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Khoảng 4 giờ sau khi uống liều 1 g hàng ngày, nồng độ đỉnh trong huyết tương là 1 microgam/ml. Trên 90% gắn vào protein huyết tương.
Chuyển hóa: Miconazol chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa không hoạt tính. Từ 10 – 20% liều uống bài tiết vào nước tiểu, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa trong vòng 6 ngày. Khoảng 50% liều uống được đào thải theo phân dưới dạng không đổi. Nếu truyền tĩnh mạch, miconazol chuyển hóa nhanh ở gan và khoảng 14 – 22% liều dùng bài tiết vào nước tiểu, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa không hoạt tính. Miconazol đào thải qua 3 pha với nửa đời sinh học như sau: 0,4 giờ, 2,1 giờ và 24,1 giờ cho mỗi pha theo thứ tự. Dược động học của miconazol không thay đổi ở người bệnh bị suy thận, bao gồm cả người bệnh chạy thận nhân tạo. Thẩm phân máu chỉ loại bỏ một lượng rất nhỏ miconazol.
Truyền tĩnh mạch với liều cao trên 9 mg/kg thể trọng, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt cao hơn 1 microgam/ml trong đa số các trường hợp.
Thuốc không khuếch tán tốt vào dịch não tủy, nhưng vào được dịch bao hoạt dịch và dịch thủy tinh thể.
Dược động học của miconazol không thay đổi ở người bị bệnh suy thận, bao gồm cả người bệnh chạy thận nhân tạo. Thẩm phân máu chỉ loại bỏ được một lượng rất nhỏ miconazol.
Chỉ định
Nhiễm nấm ngoài da (chân, bẹn, thân), nấm da do Candida albicans.
Lang ben.
Nhiễm nấm Candida âm hộ, âm đạo.
Nhiễm nấm Candida ở miệng và đường tiêu hóa.
Nhiễm nấm toàn thân, nhưng hiện nay một số azol khác được dùng phổ biến hơn.
Chống chỉ định
Không dùng dạng gel bôi miệng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi hoặc người bệnh có phản xạ nuốt chưa phát triển (nguy cơ bị ngạt thở).
Quá mẫn với miconazol hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Người có tổn thương gan.
Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Phối hợp với warfarin, astemizol, cisaprid.
Thận trọng
Dùng miconazol bôi tại chỗ cho trẻ em dưới 2 tuổi nên có sự chỉ định và theo dõi trực tiếp của bác sĩ, trẻ em từ 2 – 11 tuổi phải có sự giám sát của người lớn. Tự điều trị miconazol dạng viên đặt âm đạo hoặc kem bôi âm đạo chỉ nên dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Nếu các tác dụng phụ như khó chịu, ngứa, đau bụng, đau lưng, đau vai, nôn, buồn nôn không đỡ sau 3 ngày hoặc kéo dài quá 7 ngày, nên hỏi ý kiến của nhân viên y tế.
Gel bôi miệng: Phải bôi cách xa bữa ăn hoặc ít nhất 10 phút sau ăn. Trong trường hợp có thể, phải giữ thuốc trong miệng 2 – 3 phút trước khi nuốt. Phải thận trọng dùng dạng thuốc này cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Không được bôi sâu vào họng và phải bôi mỗi lần một lượng nhỏ để tránh nguy cơ bị ngạt thở. Thuốc chứa alcohol, không nên dùng cho người bị bệnh gan, nghiện rượu, động kinh, ngay cả người mang thai.
Dùng miconazol toàn thân nên tránh ở những bệnh nhân bị bệnh gan.
Tránh tiếp xúc với mắt.
Dùng tại chỗ có thể bị kích ứng nhẹ, nổi mẩn. Nếu kích ứng tăng nên ngừng thuốc.
Khi tiêm truyền: Mỗi liều phải pha loãng với ít nhất 200 ml dịch truyền để có nồng độ khoảng 1 mg/ml, tốc độ truyền chậm 100 mg mỗi giờ để giảm thiểu độc tính đối với tim phổi. Cần kiểm tra đều đặn hematocrit, huyết sắc tố, điện giải huyết, lipid huyết.
Kem bôi âm đạo và viên đặt âm đạo chứa miconazol có thể làm hỏng với các sản phẩm latex (màng ngăn tránh thụ thai và túi cao su).
Thận trọng với người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Thận trọng với người bệnh dị ứng với các thuốc chống nấm dẫn xuất của imidazol (clotrimazol, econazol, ketoconazol).
Thời kỳ mang thai
Ở động vật, miconazol không thể hiện tác dụng sinh quái thai nhưng độc với thai khi cho uống liều cao. Ở người tác dụng này chưa rõ. Tuy nhiên, cũng như với các imidazol khác, nên tránh sử dụng cho người mang thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu cần thiết phải dùng thuốc, phải có sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Thời kỳ cho con bú
Chưa biết miconazol có vào trong sữa người mẹ hay không, nên thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Dùng ngoài được coi là dung nạp tốt, nhưng đôi khi có thể gây kích ứng hoặc rát bỏng.
Dùng đường âm đạo gây co thắt ở bụng, nóng rát, dị ứng, ngứa. Dùng uống có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đôi khi ỉa chảy.
Dùng đường tiêm gây tác dụng phụ chiếm tỷ lệ cao nhất.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đôi khi ỉa chảy.
Gan: Cảm ứng enzym gan, phải tăng liều để duy trì hiệu lực của thuốc.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Tim mạch: Có thể gây viêm tĩnh mạch tại chỗ khi tiêm truyền. Tiêm tĩnh mạch nhanh có thể xảy ra trụy mạch, một số trường hợp bị nhịp nhanh thất, kể cả ngừng tim, ngừng thở mà người ta cho là do tác dụng giải phóng histamin của cremophor (chất mang). Ở trẻ nhỏ, trọng lượng thấp dùng liều cao 150 mg/kg/ngày trong vòng 2 ngày có thể gây nhịp tim chậm và rối loạn dẫn truyền trong thất. Cân bằng nước điện giải: Giảm natri huyết.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Thần kinh: Viêm màng nhện sau khi tiêm tủy sống. Một số trường hợp bị tăng cảm giác lâng lâng, lơ mơ, loạn thần cấp.
Tuần hoàn: Kết tụ hồng cầu khi tiêm tĩnh mạch. Một vài trường hợp tăng tiểu cầu. Nhiều trường hợp có tăng lipid huyết có lẽ do dung môi đem dùng.
Ngoài da: Ngứa, ban đỏ.
Tiêu hóa: Ỉa chảy (thường xảy ra khi điều trị trong thời gian dài). Dùng đường tiêm gây ỉa chảy nhiều hơn.
Bệnh gan và hội chứng Stevens-Johnson.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Miconazol dùng tại chỗ dưới dạng kem, mỡ, gel, bột, thuốc xịt hoặc cồn thuốc. Dạng bột hoặc bột để phun xịt không dùng cho da đầu hoặc móng tay, chân.
Miconazol dùng đặt âm đạo dưới dạng kem hoặc viên đạn.
Hiện nay, rất ít dùng miconazol đường truyền tĩnh mạch để điều trị nhiễm nấm lan tỏa, các azol khác hiện nay được dùng phổ biến hơn.
Liều dùng:
Gel bôi miệng 2%:
Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: 2,5 ml để bôi, ngày 4 lần. Mỗi liều phải chia thành nhiều phần nhỏ để bôi vào vùng bị tổn thương.
Người lớn: 5 ml, ngày bôi 4 lần.
Thời gian điều trị thông thường: 7 – 15 ngày. Phải tiếp tục điều trị ít nhất 1 tuần sau khi hết các triệu chứng. Nếu có hàm răng giả phải tháo ra ban đêm và chải bằng gel.
Bột miconazol 2%:
Điều trị nấm da và nấm Candida trên da như nấm bẹn, chân hoặc thân: Rắc bột đều đặn ngày 2 lần cho đến khi hết tổn thương. Các triệu chứng có thể đỡ sau vài ngày tới 1 tuần điều trị, đỡ rõ ràng vào tuần thứ 2. Phải điều trị nấm Candida ở da, nấm bẹn và thân trong 2 tuần, nấm chân trong 1 tháng để giảm tái phát. Nếu sau 1 tháng không đỡ, phải xem lại chẩn đoán.
Điều trị lang ben: Bôi kem ngày 1 lần, thường khỏi sau 2 tuần điều trị.
Viên dính niêm mạc lợi:
Điều trị nhiễm nấm Candida miệng, họng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Đặt 1 viên vào buổi sáng, sau khi đánh răng, viên thuốc đặt ở lợi trên, ngay trên răng cửa, giữ viên thuốc tại chỗ trong 30 giây bằng cách ấn nhẹ ngón tay đặt ngoài môi trên, nếu viên thuốc không dính phải đặt lại. Điều trị trong 7 ngày, nếu không đỡ, có thể đặt thêm 7 ngày nữa. Nếu đáp ứng tốt sau 7 ngày điều trị có thể ngừng điều trị.
Viên đặt âm đạo:
Điều trị nhiễm nấm Candida âm hộ, âm đạo. Viên 400 mg, 200 mg: ngày 1 lần, điều trị trong 3 ngày, có thể kéo dài tới 6 ngày. Viên 100 mg hoặc 5 g kem 2%: ngày 1 lần, trong 7 ngày. Phác đồ 7 ngày nên dùng cho người mang thai. Nếu ngứa âm hộ, bôi kem 2%, ngày 2 lần sáng và chiều cho tới 7 ngày.
Đường uống
Người lớn: Dùng viên nén, liều 125 – 250 mg, 4 lần/ngày, trong 10 ngày để điều trị nhiễm nấm Candida đường tiêu hóa.
Đường truyền tĩnh mạch:
Điều trị nhiễm nấm toàn thân nặng do các nấm nhạy cảm, nhưng thuốc không khuyếch tán vào dịch não tủy, hiện nay có nhiều thuốc azol khác được dùng phổ biến hơn.
Người lớn: Liều hàng ngày 200 – 1 200 mg, truyền tĩnh mạch tùy theo mức độ nặng nhẹ và độ nhạy cảm của nấm. Đối với liều hàng ngày cho tới 2 400 mg, phải pha loãng ít nhất với 200 ml dung môi cho mỗi ống và phải tiêm với tốc độ 2 giờ một ống. Đối với liều cao hơn 2 400mg, điều chỉnh tốc độ truyền và dung môi dựa theo dung nạp thuốc. Nên pha loãng với dung dịch natri clorid 0,9% để tránh giảm natri huyết.
Tương tác thuốc
Kích hoạt tác dụng của thuốc chống đông máu đường uống (coumarin và warfarin), cụ thể dùng miconazol đường tĩnh mạch, đường uống, gel thoa miệng đều có thể gây xuất huyết trầm trọng do làm tăng dạng tự do tuần hoàn trong máu và ức chế chuyển hóa warfarin.
Với astemizol, cisaprid hoặc terfenadin: Tăng nguy cơ gây nhịp nhanh thất, rung thất.
Với phenytoin: Tăng hàm lượng phenytoin trong huyết tương đến mức gây độc do ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan.
Với sulfamid hạ đường huyết: Tăng tác dụng hạ đường huyết, gây hạ đường huyết trầm trọng thậm chí hôn mê.
Carbamazepin: Dùng đồng thời với miconazol có thể gây tác dụng phụ.
Tránh dùng đồng thời miconazol với các thuốc sau: Alfuzosin, cisaprid, conivaptan, dofetilid, eplerenon, everolimus, halofantrin, nilotinib, nisoldipin, pimozid, quinidin, ranolazin, rivaroxaban, salmeterol, silodosin, tamoxifen, thioridazin, tolvaptan.
Miconazol có thể làm tăng tác dụng của: Alfentanil, alfuzosin, almotriptan, alosetron, aprepitant, atomoexetin, benzodiazepin, bosentan, buspiron, busulfan, thuốc chẹn kênh calci, carbamazepin, carvedilol, cilostazol, cinacalcet, cisaprid, conivaptan, corticosteroid, docetaxel, dofetilid, eletriptan, eplerenon, erlotinib, eszopiclon, everolimus, fentanyl, fesoterodin, fosaprepitant, gefitinib, halofantrin, chất ức chế HMG-CoA reductase, imatinib, irinotecan, ixabepilon, losartan, kháng sinh nhóm macrolid, maraviroc, methadol, nebivolol, nilotinib, nisoldipin, chất ức chế 5-phosphodiesterase, pimecrolimus, pimozid, quinidin, ramelteon, ranolazin, repaglinid, rivaroxaban, salmeterol, silodosin, sirolimus, solifenacin, sorafenib, sunitinib, tamoxifen, tetrabenazin, thioridazin, tolterodin, tolvaptan, trimetrexat, kháng vitamin K, ziprasidon.
Tác dụng của miconazol có thể tăng bởi kháng sinh nhóm macrolid. Miconazol có thể làm giảm tác dụng của: Amphotericin B, codein, tramadol.
Độ ổn định và bảo quản
Tránh ánh sáng, bảo quản trong đồ đựng kín, ở nhiệt độ 15 – 30 oC.
Quá liều và xử trí
Rửa dạ dày, sau đó điều trị các triệu chứng.
Thông tin qui chế
Miconazol có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
Antifungal; Axcel Miconazole; Banif; Daktarin; Dantoral; Darktarin; Mafucon; Medskin Mico; Micomedil; Miko-Penotran; Mitricort; Opemicozol; Uniderm.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !