Tên chung quốc tế
Chymotrypsin
Mã ATC
B06AA04, S01KX01
Loại thuốc
Enzym thủy phân protein (trợ giúp phẫu thuật)
Dạng thuốc và hàm lượng
Chứa ít nhất 5 microkatal chymotrypsin trong 1 mg. Chứa ít nhất 1 000 đơn vị chymotrypsin USP trong 1 mg, tính theo dạng khô. Bột chymotrypsin để pha dung dịch dùng trong nhãn khoa: 300 đơn vị USP (catarase). Chymotrypsin vô khuẩn dùng cho mắt, sau khi pha có pH 4,3 – 8,7.
Bột chymotrypsin 5 000 đơn vị USP để pha tiêm.
Viên nén 21 microkatal.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Chymotrypsin là một enzym phân giải protein, được điều chế bằng cách hoạt hóa chymotrypsinogen chiết xuất từ tụy bò. Chymotrypsin đặc biệt cắt các liên kết chuỗi các acid amin thơm (phenylalamin, tyrosin, tryptophan, methionin, norleucin và norvalin), nên đã phân giải các sợi của dây chằng (Zin) treo thủy tinh thể, mà không gây tác hại nặng đến các cấu trúc khác của mắt. Chymotrypsin đã từng được dùng trong phẫu thuật lấy đục thủy tinh thể trong bao ở lứa tuổi từ 20 – 60 tuổi, nhưng hiện nay ít làm vì nhiều biến chứng và có kỹ thuật hiện đại và dụng cụ tinh xảo hơn (cách làm: Lấy đục thủy tinh thể ngoài bao, nhũ tương hóa thủy tinh thể bằng sóng siêu âm và hút. Dung dịch enzym 1 : 5 000 thường có tác dụng trong vòng 2 phút, dung dịch 1 : 10 000 khoảng 4 phút). Chymotrypsin cũng đã được sử dụng để điều trị phù nề do viêm, sau chấn thương, sau phẫu thuật. Thuốc ít có chứng cứ tác dụng chống viêm trong các viêm khác (viêm đường hô hấp, xoang…).
Chỉ định
Chymotrypsin dùng hỗ trợ trong phẫu thuật lấy đục thủy tinh thể trong bao ở người từ 20 – 60 tuổi (do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định).
Dùng trong điều trị phù nề sau chấn thương, phẫu thuật, bỏng.
Chống chỉ định
Quá mẫn với chymotrypsin hoặc bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thận trọng
Vì khả năng gây mất dịch kính, nên không khuyến cáo dùng chymotrypsin trong phẫu thuật đục nhân mắt ở người bệnh dưới 20 tuổi. Không dùng chymotrypsin cho người bệnh tăng áp suất dịch kính và có vết thương hở hoặc người bệnh đục nhân mắt bẩm sinh.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của chymotrypsin là tăng nhất thời nhãn áp do các mảnh vụn dây chằng bị tiêu hủy làm tắc mạng bó dây. Dùng trong nhãn khoa, có thể gặp phù giác mạc, viêm nhẹ màng bồ đào.
Chymotrypsin có tính kháng nguyên, nên sau khi tiêm bắp, đôi khi có các phản ứng dị ứng nặng.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu nghi bị dị ứng, cần thử phản ứng trước khi tiêm chymotrypsin.
Liều lượng và cách dùng
Trong nhãn khoa: Do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định. Phải pha thuốc ngay trước khi dùng, pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường 150 đv/ml tương đương với dung dịch pha loãng 1 : 5 000. 75 đv/ml tương đương với dung dịch pha loãng 1 : 10 000
Điều trị phù nề sau chấn thương, phẫu thuật:
Thuốc mỡ: Bôi thuốc lên vùng bị phù nề, xoa nhẹ để thuốc ngấm, ngày nhiều lần.
Uống (viên 21 microkatal): 2 viên/lần, ngày 3 – 4 lần, uống không nhai. Có thể ngậm dưới lưỡi: 4 – 6 viên/ngày.
Tiêm bắp: 20 microkatal/5 ml ngày tiêm bắp 1 lần.
Quá liều và xử trí
Ở chuột nhắt, chuột cống, thỏ và chó; LD50 = 24 000 – 85 000 đv/kg. Gây chảy máu ở nhiều cơ quan. Ở người chưa thấy báo cáo. Có thể gây sốc phản vệ.
Độ ổn định và bảo quản
Dung dịch chymotrypsin dùng cho mắt phải pha ngay trước khi dùng; phần dung dịch không dùng đến phải loại bỏ. Sau khi pha, nếu dung dịch chymotrypsin vẩn đục hoặc có tủa thì không được dùng. Tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể làm enzym bị hỏng. Không được hấp tiệt trùng chymotrypsin đông khô hoặc các dung dịch đã pha. Bơm tiêm và dụng cụ không được có cồn hoặc các chất khử khuẩn vì có thể gây bất hoạt enzym.
Bảo quản viên nén ở nhiệt độ dưới 25 oC, tránh ánh sáng và ẩm.
Thông tin qui chế
Alpha chymotrypsin có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !