Cefazolin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, tác động kìm hãm sự phát triển và phân chia vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn
Tên chung quốc tế: Cefazolin.
Loại thuốc: Kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ 0,25 g, 0,50 g, 1 g bột vô khuẩn để pha tiêm.
Dung môi pha tiêm bắp: Nước cất pha tiêm, natri clorid tiêm 0,9%, dextrose tiêm 5%, lidocain tiêm 5%.
Dung môi pha tiêm tĩnh mạch và tiêm truyền: Nước cất pha tiêm, natri clorid tiêm 0,9%, dextrose tiêm 5% hoặc 10%, dextrose 5% trong natri lactat tiêm, dextrose tiêm 5% có thêm natri clorid tiêm 0,9% hoặc 0,45% hoặc 0,2%, natri lactat tiêm, đường chuyển 5% hay 10% trong nước cất pha tiêm, dung dịch đường nghịch chuyển 5% hoặc 10% trong nước để tiêm.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Cefazolin là kháng sinh nhóm cephalosporin “thế hệ 1”, tác động kìm hãm sự phát triển và phân chia vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn. Cefazolin có tác dụng mạnh trong các bệnh nhiễm khuẩn Gram dương do Staphylococcus aureus (kể cả chủng tiết penicilinase), Staphylococcus epidermidis, Streptococcus beta – hemolyticus nhóm A, Streptococcus pneumoniae và các chủng Streptococcus khác (nhiều chủng Enterococcus kháng cefazolin).
Theo số liệu ASTS 1996 – 1997, tính kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp đối với cefalotin và cefazolin là tương tự nhau.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Ðối với nhiều vi khuẩn Gram dương, hiệu quả tác dụng của cefazolin vẫn khá. Tỉ lệ giữa nhạy cảm/kháng thuốc của S. aureus là 72 – 94%/2 – 17%; của S. epidermidis là 89%/8%; của Streptococcus beta hemolyticus nhóm A là 66 – 83%/8 – 18%, nhưng ở bệnh viện Hai Bà Trưng Hà Nội tỉ lệ này là 17%/50%; với Streptococcus pneumoniae là 70 – 90%/1 – 17%.
Cefazolin cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn Gram âm ưa khí như: Escherichia coli, Klebsiella sp., Proteus mirabilis và Haemophilus influenzae. Tuy nhiên, sự kháng thuốc ngày càng tăng: E. coli có tỷ lệ kháng là 53% trên cả nước, 78% ở miền nam, 61% ở miền trung và 46% ở bệnh viện Bạch Mai. Klebsiella pneumoniae có tỷ lệ kháng trên cả nước là 66%. Proteus mirabilis có tỉ lệ kháng 66% ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (1994 – 1995) và 65% ở bệnh viện Chợ Rẫy (1992 – 1996).
H. influenzae có tỉ lệ nhạy cảm cao hơn, theo thống kê nhạy cảm là 88 – 90% và kháng là 5 – 10% ở bệnh viện Thái Nguyên (1992 – 1994) và bệnh viện huyện Quảng Xương (1991 – 1993). Nhưng tỉ lệ kháng là 18% ở Bệnh viện Trung ương Huế (1988 – 1991) và 22% ở bệnh viện đa khoa Yên Bái (1993 – 1995). Năm 1996, tỉ lệ kháng chung cả nước là 9%, trong đó bệnh viện Bạch Mai là 40%; Bệnh viện Trung ương Huế là 0%; viện nhi Thụy Ðiển là 6%).
Cefazolin không có tác dụng với Enterococcus faecalis. Những trực khuẩn Gram âm ưa khí khác (thường phát hiện ở các bệnh viện như Enterobacter spp., Pseudomonas spp.) đều kháng thuốc. Những vi khuẩn kỵ khí phân lập được ở miệng – hầu nói chung đều nhạy cảm, tuy vậy những vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis thì lại kháng thuốc.
Các cephalosporin thế hệ 1 đều không có tác dụng với các vi khuẩn Gram âm ưa khí như Serratia, Enterobacter hoặc Pseudomonas.
Nồng độ ức chế tối thiểu của cefazolin với các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm là 0,1 đến 1 microgam/ml; với phần lớn các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm thì nồng độ cần phải lớn hơn 1 microgam/ml.
Cefazolin được hấp thu kém từ đường ruột nên phải được sử dụng qua đường tiêm mặc dù tiêm bắp gây đau. Với liều tiêm bắp 500 mg cefazolin nồng độ đỉnh đạt được trong huyết tương là từ 30 microgam/ml trở lên sau 1 đến 2 giờ. Khoảng 85% cefazolin trong máu liên kết với protein huyết tương. Nửa đời của cefazolin trong huyết tương là khoảng 1,8 giờ và có thể tăng từ 20 đến 70 giờ ở những người bị suy thận. Cefazolin khuếch tán vào xương, vào các dịch cổ trướng, màng phổi và hoạt dịch, nhưng khuếch tán kém vào dịch não tủy. Cefazolin đi qua nhau thai vào tuần hoàn thai nhi; bài tiết trong sữa mẹ với nồng độ rất thấp. Cefazolin được đào thải qua nước tiểu ở dạng không đổi, phần lớn qua lọc cầu thận và một phần nhỏ qua bài tiết ở ống thận. ÍT nhất 80% liều tiêm bắp được đào thải qua nước tiểu trong 24 giờ. Với liều tiêm bắp 500 mg và 1 g, cefazolin đạt nồng độ đỉnh trong nước tiểu tương ứng cao hơn 1 mg/ml và 4 mg/ml. Probenecid làm chậm việc đào thải của cefazolin. Cefazolin được loại bỏ ở một mức độ nào đó qua thẩm tách máu.
Cefazolin có nồng độ cao trong mật mặc dù số lượng bài tiết qua mật ít.
Chỉ định
Cefazolin được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn sau:
Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
Nhiễm khuẩn xương và khớp.
Một số trường hợp nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc.
Một số trường hợp nhiễm khuẩn đường mật và tiết niệu sinh dục.
Tuy nhiên tốt nhất vẫn là điều trị theo kháng sinh đồ.
Ðiều trị dự phòng: Sử dụng cefazolin trong phẫu thuật có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu ở những người bệnh đang trải qua những phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, hoặc phẫu thuật những chỗ có thể xảy ra nhiễm khuẩn hậu phẫu đặc biệt nghiêm trọng.
Chống chỉ định
Chống chỉ định đối với người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.
Thận trọng
Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefazolin, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.
Ðã có dấu hiệu cho thấy có dị ứng chéo một phần giữa penicilin và cephalosporin. Ðã có thông báo về những người bệnh có những phản ứng trầm trọng (kể cả sốc phản vệ) với cả hai loại thuốc. Tốt hơn là nên tránh dùng cephalosporin cho người bệnh có tiền sử bị phản vệ do penicilin hoặc bị phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
Nếu có phản ứng dị ứng với cefazolin, phải ngừng thuốc và người bệnh cần được xử lý bằng các thuốc thường dùng (như adrenalin hoặc các amin co mạch, kháng histamin, hoặc corticosteroid).
Cần thận trọng khi kê đơn các kháng sinh phổ rộng cho những người có bệnh sử về dạ dày ruột, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng.
Sử dụng cefazolin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm.
Cần phải theo dõi người bệnh cẩn thận. Nếu bội nhiễm trong khi điều trị, cần có những biện pháp thích hợp.
Khi dùng cefazolin cho người bệnh suy chức năng thận cần giảm liều sử dụng hàng ngày.
Việc dùng cefazolin qua đường tiêm vào dịch não tủy chưa được chấp nhận. Ðã có những báo cáo về biểu hiện nhiễm độc nặng trên thần kinh trung ương, kể cả những cơn co giật, khi tiêm cefazolin theo đường này.
Thời kỳ mang thai
Các nghiên cứu về khả năng sinh sản trên chuột nhắt, chuột cống và thỏ với các liều cao gấp 25 lần liều dùng cho người không cho thấy dấu hiệu tổn thương khả năng sinh sản hoặc có hại cho bào thai.
Cefazolin thường được xem như có thể sử dụng an toàn cho người mang thai. Có thể tiêm tĩnh mạch 2 g cefazolin, cách 8 giờ/lần, để điều trị viêm thận – bể thận cho người mang thai trong nửa cuối thai kỳ. Chưa thấy tác dụng có hại đối với bào thai do thuốc gây nên. Tuy vậy, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ trên những người mang thai. Vì các nghiên cứu về khả năng sinh sản trên súc vật, không phải lúc nào cũng tiên đoán được các đáp ứng ở người, nên thuốc này chỉ dùng cho người mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Nồng độ cefazolin trong sữa mẹ tuy thấp, nhưng vẫn có ba vấn đề tiềm tàng có thể xảy ra ở trẻ: Sự thay đổi của hệ vi khuẩn đường ruột, tác dụng trực tiếp lên trẻ đang bú, và kết quả sẽ bị nhiễu khi cần thử kháng sinh đồ ở trẻ bị sốt. Cần phải quan sát các chứng ỉa chảy, tưa lưỡi do nấm Candida và nổi ban ở trẻ bú sữa của mẹ đang dùng cefazolin.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ghi chú: Ðã có thông báo về dị ứng với cefazolin ở người bệnh không bị dị ứng với penicilin, nhưng không rõ tỉ lệ chính xác.
Gần đây đã có thông báo về những trường hợp bị hoại tử biểu bì nhiễm độc và nhiều thông báo về ban mụn mủ phát triển toàn thân do cefazolin. Ước tính tỉ lệ xác thực bị dị ứng chéo lâm sàng giữa penicilin và cephalosporin là 1 đến 2%. Tuy nhiên, tốt hơn là nên tránh dùng cephalosporin trong trường hợp có tiền sử bị phản vệ do penicilin hoặc phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
Hầu như tất cả các cephalosporin đều có thể gây phản ứng từ giảm bạch cầu trung tính đến mất bạch cầu hạt. Tất cả các trường hợp xảy ra đều do các liều tích lũy cao trong một đợt điều trị. Thường thấy thiếu máu tan huyết miễn dịch trong quá trình điều trị với những liều rất cao.
Ðã có tài liệu chứng minh rằng cefazolin gây cản trở việc tổng hợp yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Cần lưu ý theo dõi thời gian chảy máu ở người bệnh có nguy cơ (tiền sử chảy máu, giảm tiểu cầu hoặc sử dụng những thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu). Suy thận, rối loạn chức năng gan, tiền sử bệnh dạ dày – ruột và thiếu dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở người bệnh điều trị bằng cefazolin.
Vì có hai dị vòng ở vị trí 3 và 7 và là một dẫn xuất tetrazol có biểu hiện tương tự với phenyltetrazol gây co giật, nên rất có khả năng cefazolin gây cơn động kinh. Gần đây đã có báo cáo những trường hợp bị ngộ độc thần kinh với cefazolin sau khi dùng thuốc đường não thất và toàn thân.
Trên súc vật, cefazolin là loại cephalosporin đứng thứ hai về gây độc hại thận và gây thương tổn tương tự như cephaloridin. Tuy nhiên, còn chưa biết rõ mối liên quan về tính độc hại này trên người.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Người bệnh bị suy thận: Cần giảm liều. Phải theo dõi chức năng thận và công thức máu, nhất là khi điều trị liều cao và dài ngày. Nếu người bệnh bị phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn nghiêm trọng, phải ngừng sử dụng cefazolin và tiến hành các biện pháp hỗ trợ (duy trì thông khí và sử dụng epinephrin, oxygen, tiêm tĩnh mạch steroid).
Các trường hợp bị viêm đại tràng màng giả thể nhẹ thường chỉ cần ngừng thuốc. Các trường hợp thể vừa và nặng, cần lưu ý cho dùng các dịch hoặc chất điện giải, bổ sung protein và điều trị bằng một kháng sinh có tác dụng lâm sàng điều trị viêm đại tràng do Clostridium difficile.
Liều lượng và cách dùng
Cefazolin được tiêm bắp sâu, tiêm chậm vào tĩnh mạch từ 3 – 5 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Liều thông thường dùng cho người lớn là 0,5 – 1 g, 6 – 12 giờ/lần. Liều tối đa thường dùng là 6 g/ngày, mặc dù vậy trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng đã được dùng đến 12 g/ngày.
Liều sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là 20 mg/kg thể trọng, 8 – 12 giờ/lần. Vì tính an toàn của thuốc đối với trẻ đẻ non dưới 1 tháng tuổi chưa được nghiên cứu, do đó, không khuyến cáo sử dụng cefazolin cho các trẻ em này.
Trẻ em trên 1 tháng tuổi có thể dùng 25 – 50 mg/kg thể trọng/ngày chia làm 3 hoặc 4 lần/ngày; trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng lên tối đa 100 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 4 lần/ngày.
Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, tiêm liều 1g trước khi phẫu thuật 0,5 – 1 giờ. Ðối với phẫu thuật kéo dài, tiêm tiếp liều 0,5 – 1 g trong khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật tiêm liều 0,5 – 1 g, 6 – 8 giờ/lần trong 24 giờ hoặc trong 5 ngày cho một số trường hợp (như mổ tim hở và ghép cấy các bộ phận chỉnh hình).
Cần giảm liều cho người suy thận. Tuy nhiên mức giảm liều có nhiều khuyến cáo khác nhau. Có thể sử dụng liều đề xuất sau đây cho người lớn sau liều tấn công đầu tiên: Người bệnh có độ thanh thải creatinin 55 ml/phút, dùng liều thông thường; độ thanh thải creatinin 35 – 54 ml/phút, dùng liều thông thường với thời khoảng giữa hai liều kéo dài ít nhất là 8 giờ; độ thanh thải creatinin 11 – 34 ml/phút, dùng 1/2 liều thông thường với thời khoảng 12 giờ/lần; độ thanh thải creatinin £ 10 ml/phút, dùng 1/2 liều thông thường với thời khoảng 18 – 24 giờ/lần.
Pha dung dịch tiêm tùy theo cỡ lọ:
Lọ 1 g chỉ nên pha loãng với nước cất tiêm.
Lắc mạnh thuốc tiêm khi pha với dung môi.
Tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch: Pha thuốc theo hướng dẫn của bảng pha loãng ở trên. Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục hay gián đoạn: Pha loãng tiếp cefazolin đã pha với 50 – 100 ml của một trong những dung môi tương hợp đã ghi ở mục: Dạng thuốc và hàm lượng.
Một số phác đồ điều trị.
Viêm túi mật cấp: Amoxicilin hoặc ampicilin tiêm tĩnh mạch 1 g, 4 – 6 giờ/lần, cùng với gentamicin tiêm tĩnh mạch 4 – 5 mg/kg/ngày, liều độc nhất. Hoặc cefazolin tiêm bắp 500 mg – 1 g, 8 giờ/lần. (Tuy nhiên, cefazolin không tác dụng với Enterococcus faecalis).
Chấn thương cơ, xương và mô mềm, vết thương, nhát đâm: tác nhân gây nhiễm rất có thể là Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Clostridium perfringens và trực khuẩn Gram âm ưa khí. Dùng flucloxacilin tiêm tĩnh mạch 1 g, 4 giờ/lần, cùng với gentamicin tiêm tĩnh mạch 4 – 5 mg/kg thể trọng/ngày, tiêm 1 lần (người lớn) hoặc chia làm hai lần, 12 giờ/lần, cùng với metronidazol tiêm tĩnh mạch 500 mg, 12 giờ/lần. Hoặc cefazolin, tiêm tĩnh mạch 1 g, 6 giờ/lần cùng với metronidazol 500 mg, 12 giờ/lần.
Phẫu thuật đại tràng – trực tràng và cắt bỏ ruột thừa: Dùng metronidazol qua trực tràng 1 g, 2 – 4 giờ trước phẫu thuật cùng với cefazolin 1 g, tiêm bắp 1 giờ trước phẫu thuật hoặc tiêm tĩnh mạch khi gây tiền mê.
Cắt bỏ tử cung và triệt sản: Dùng tinidazol, uống 2 g, 6 – 12 giờ trước phẫu thuật hoặc dùng metronidazol qua trực tràng 1 g, 2 – 4 giờ trước phẫu thuật cùng với cefazolin tiêm tĩnh mạch 1 g vào thời gian gây tiền mê.
Mổ lấy thai: Có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dùng metronidazol tiêm tĩnh mạch 500 mg, 30 phút trước phẫu thuật, cùng với cefazolin tiêm tĩnh mạch 1g vào thời gian tiền mê.
Tương tác thuốc
Dùng phối hợp cefazolin với probenecid có thể làm giảm đào thải cephalosporin qua ống thận, nên làm tăng và kéo dài nồng độ cephalosporin trong máu.
Dùng kết hợp cephalosporin với colistin (một kháng sinh polymyxin) làm tăng nguy cơ gây tổn hại thận.
Ðộ ổn định và bảo quản
Lọ thuốc chưa pha: Bảo quản tránh ánh sáng và để ở 15 – 300C. Cefazolin đã pha trong nước cất tiêm, dextrose tiêm 5%, natri clorid tiêm 0,9% giữ được ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng và trong 10 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh từ 2 đến 80C.
Tương kỵ
Cefazolin natri tương kị với các aminoglycosid và nhiều chất khác. Không được trộn cùng với các kháng sinh khác.
Ở môi trường có pH trên 8,5, cefazolin có thể bị thủy phân và ở pH dưới 4,5, có thể tạo tủa cefazolin không tan.
Quá liều và xử trí
Xử trí quá liều cần được cân nhắc đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh.
Trường hợp người bệnh bị co giật, nên ngừng thuốc ngay lập tức, điều trị chống co giật nếu có chỉ định trên lâm sàng. Bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Theo dõi cẩn thận và duy trì trong phạm vi cho phép các biểu hiện sống của người bệnh, như hàm lượng khí – máu, các chất điện giải trong huyết thanh… Trường hợp quá liều trầm trọng, đặc biệt ở người bệnh suy thận, có thể phối hợp lọc máu và truyền máu nếu điều trị bảo tồn thất bại. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu nào ủng hộ cho cách điều trị này.
Thông tin qui chế
Thuốc phải được kê đơn và bán theo đơn.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !